Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Trưa...


Trưa. Chẳng còn yên lặng bởi bữa tiệc mừng cái gì đấy bên nhà hàng xóm …Lũ đàn ông uống bia òng ọc, cười hềnh hệch, chửi thề ỏm tỏi làm rậm rực cả cái xóm nhỏ. Họ nói linh tinh đủ thứ chuyện mà dù mình có đóng cánh cửa sổ rồi cũng vẫn phải nghe : nào là chuyện làm ăn, chuyện quán nào có các em cẳng dài ám ảnh giấc mơ của mấy cha...sợ vợ, chuyện thằng “bạn vàng” Trung Quốc đang tiến hành mối quan hệ thân tình, chuyện mấy người tình mỏng như tơ trời thời nào bây giờ đang là “mụ sư tử vườn nhà” của mấy ổng … phát hiện lũ đàn ông uống vào cũng không khác mấy mụ đàn bà nhiều chuyện là bao !


Trưa. Tháng sáu đang đi qua ngoài kia …trong cái thứ nắng róc người đến bực bội, trong đám mây trắng bung như cái kẹo bông gòn, trong cả cái thứ lười lĩnh chiếm hết nửa thời gian trong ngày của mình .

Vừa nãy đọc một cái com của MM nói với Uyển Văn : “tới chị Gió cũng bắt đầu treo note thường hơn entry là M cũng bắt đầu sợ” tự dưng giật mình. Dạo này cảm xúc của mình giống như cái bao gạo mốc người ta đặt nằm trong góc nhà kho … Sáng mở mắt là vồ dậy, quên cả nghiêng đầu nghe tiếng chim hót, chẳng còn nằm nán lại nhìn vạt nằng nhạt đầu ngày hắt qua cái ban-công nhỏ, chẳng còn lắng nghe cái tinh khôi của buổi sáng tràn vào lòng mình … Vội vã quá, mình đang sống vội, đi vội, đọc vội, nghĩ suy vội, buồn bã vội, vui cười vội, nhớ vội, quên vội…vội cứ như ngày mai mình sẽ chết ấy…



Trưa. Sao mà tự dưng mình ghét mình thế . Ghét như ghét tiếng nói oang oang , mai mái của gã đàn ông nào đó trong cái bàn nhậu thổ tả dưới kia đang lọt qua mọi kẽ hở của các cánh cửa đập vào lỗ tai mình . Chắc bẳm gã phải có khuôn mặt của một chị gà mái và bước đi của con mèo cái dữ tợn …


Trưa....qua đi như tháng sáu sắp qua !



Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Thôi thì Rừng xưa đã khép ....


Tôi trở về nơi này với canh cánh bên lòng món nợ là một lời xin lỗi. Hơn ba mươi năm, không ít lần tôi đi qua góc đường có con ngõ mang tên cái thị trấn nhỏ thời bấy giờ _ cây số 125_ Không ít lần , tôi ngoái đầu nhìn lại với nỗi nôn nao, không ít lần tôi nhớ lại hình ảnh tôi của hơn ba mươi năm trước, bé nhỏ, đơn độc, ngơ ngác đứng nép vào góc ngôi nhà luôn luôn đóng kín cửa chờ chuyến xe cuối ngày để trở vào rừng …


Tôi trở về nơi này với cái ngầy ngật cả đêm trước không ngủ được sau cú phone của nhỏ Liên: “Cô có muốn về thăm trường cũ không ngày mai em chở cô đi?”. Tôi đã tưởng tượng lại con đường rừng đầy những hố bom còn sót lại sau cuộc chiến , con đường mùa mưa thì bết đất đỏ bazan, mùa hè thì bụi mù, đỏ cả tóc tai, cả làn mi, khóe mắt . Con đường dài 14 cây số hai bên là rừng cây âm âm kín mít không một ngôi nhà, chiếc xe đặc chủng lên đèo, xuống dốc, vượt những khúc quanh co như cái cùi chỏ đến xóc cả ruột gan mà thời gian vượt 14 cây số đường rừng bằng thời gian từ Saigon đến điểm xuống ngoài chợ huyện, chưa kể xe hư có khi vào đến nơi đã nửa đêm. Con đường mùa hè cứ tím đến rưng rưng màu hoa bằng lăng dịu dàng, màu hoa ám ảnh tôi suốt một thời gian dài sau khi rời bỏ nơi này bất ngờ vào một chiều mùa hè mà không một lời từ biệt…


Huyện Tân Phú là một huyện miền núi thuộc tỉnh Đồng Nai cách Định Quán gần 20 cây số . Hồi đó tôi nhớ mang máng là Tân Phú có hơn mười xã thì xã Phú Lập nơi tôi đến là nơi xa nhất huyện bao gồm khu dân cư của vùng kinh tế mới Tà Lài đa số là người dân quận Bình Thạnh Saigon lên đây lập nghiệp và một khu dân cư là người dân tộc Châu Ro sinh sống cạnh nhánh sông Đồng Nai.

Chúng tôi , gồm 7 đứa gái, trai phố thị, mặt mày còn ngơ ngáo sau những diễn biến lớn của đất nước vác ba lô vượt hơn trăm cây số đường đứng sơ rơ trước cổng ngôi trường gỗ gồm 5 lớp học với đám cỏ tranh cao lút đầu, sân trường toàn đá to đá nhỏ chen nhau. Buổi chiều tháng ba, cái thứ ráng chiều tàn phai ở dãy núi phía xa dội lại lòng tôi, đứa con gái lần đầu rời khỏi gia đình nỗi nhớ nhà khôn xiết … Đêm đó lần đầu tiên tôi ngủ trên một cái bàn học còn thơm mùi gỗ, nham nhám buồn buồn với nỗi lo sợ bâng quơ giữa một vùng núi rừng xa lạ…



Những ngày sau đó chúng tôi được đưa sang ở một ngôi nhà lợp lá vách phên gọi là nhà tập thể giáo viên, nghe nói đây là ngôi nhà của một người dân bỏ lại để trở về Saigon. Ngôi nhà có cái vườn bé với đám lá khoai nước to tướng, cây ớt đỏ trái ,có cả một khoảnh toàn hoa dại không được chăm sóc vẫn cứ hơn hớn tươi nguyên. Tôi và cô bạn đồng nghiệp tên Xuân được ở phòng trong, ngăn với phòng ngoài bằng vách phên mỏng manh … Chúng tôi bắt đầu những ngày tháng nhọc nhằn với con chữ và đám học trò nhỏ vất vả bươn chải từ tuổi ấu thơ. Đó là những năm tháng gian nan nhất mà bây giờ mỗi lần nhớ lại tôi không hiểu tại sao mình _ đứa con gái từ bé đến lớn sống trong sự bao bọc của cha mẹ_ lại có thể vượt qua.


Ở đây, lần đầu tôi biết thế nào là phá đất trồng mì , những đám cỏ mắc cở gặp đất tốt cứ vươn cao, cào xước cả da tay để đêm về nằm ngủ mơ thấy cỏ mắc cở đuổi theo mình mà khóc nức nở. Ở đây tôi học bài học đầu tiên từ đám học trò nhỏ của mình cách đặt đót mì sao cho đúng, tôi biết thế nào là những ngày đói vì không có gạo, biết cười khi lên lớp bằng cái bụng rỗng để học trò mình _ cũng đang đói như mình_ có thể ngồi viết hết bài tập chép trên bảng. Ở đây, tôi biết thế nào là những ngày thiếu nước, biết thức trắng đêm chờ những cơn mưa rừng đến lúc 2, 3 giờ sáng để hứng những giọt nước trời giặt quần áo hoặc tắm giữa trời khuya. Ở đây, tôi biết những cơn ốm nằm co ro nhớ nhà, nhớ mẹ mà chỉ dám khóc thầm…


Ở đây, tôi biết thế nào là một mình mình làm nên một cuộc chia ly trong những chuyến đi về đơn độc. Những năm đó giao thông cực kỳ khó khăn, lần đầu tiên về phép thăm nhà, tôi đã phải đứng một mình cùng với bố con ông lão mù ở một cái sân ga nhỏ trong khu rừng ở Dầu Giây khi bị chuyến xe bỏ giữa đường từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối để chờ chuyến Tàu về Saigon. Nhiều năm sau đó và cả đến bây giờ tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh ngọn đèn vàng hiu hắt của cái nhà ga buồn trong một đêm nhiều gió như thế…




Ở đây, tôi học được cách yêu thương cả mình và những điều quanh mình. Tôi yêu đám học trò nhỏ tóc khét nắng mặt mày lấm lem, áo quần nhếch nhác, những đứa trẻ mười tuổi đã biết đi làm thuê để kiếm sống ngoài giờ đi học, tôi yêu những con dốc tên Hương ngày hai buổi đưa tôi đến trường, yêu những đêm trăng tôi và đám bạn xách đàn đi dọc những con dốc rủ đám học trò đàn hát múa may làm rộn cả đêm rừng lành lạnh… yêu những đêm đơn độc băng qua cánh rừng để đi dạy Bổ túc Văn hóa, đêm về nhìn bóng mình trên nền đất lập lòe ngọn đèn bão mà lạnh co vai và lo sợ vu vơ…



Tôi rời khỏi nơi đây vào một buổi chiều mùa hè khi đang tập trung học chuyên môn ngoài huyện, mẹ lên đón tôi về và cố giấu tin Khói mất… Con đường vế phố chuyến cuối cùng của tôi hình như đặc quánh nỗi buồn, tôi rời bỏ cánh rừng tím ngát hoa bằng lăng sau gần 3 năm gắn bó không một lời từ biệt…

Ba mươi bốn năm sau tôi trở lại đây . Mọi sự đều thay đổi … Đường vào khu rừng xưa loang loáng con đường nhựa đẹp, hai bên đường nhà cửa, hàng quán san sát đến không còn nhận ra, những con dốc , khúc quanh đều được cảnh báo bằng những cái Pano to kềnh.

Liên chở tôi đến cây số 14… tôi không còn nhận ra vị trí của ngôi trường xưa, ngôi nhà cũ , cứ như chính tôi trở thành người lạ đối với nơi đây. Hỏi thăm mới biết vợ chồng Luân, Hiền vẫn sống tại đây. Luân hiện làm hiệu trưởng ngôi trường xưa nơi tôi dạy.


Tôi vào trường giữa trưa, trường vắng tanh đến bảo vệ cũng không có. Tôi nhìn ngôi trường khang trang nằm giữa ánh nắng trưa hè lòng bồi hồi nhớ bao bạn bè kẻ còn người mất, kẻ biết nơi chốn, người bặt tin nhau. Nhớ đám học trò lam lũ ngày nào bây giờ có gặp lại cũng không sao nhận ra…

Liên chở tôi đi thêm 3 cây số nữa để sang xã Tà Lài nơi có nhánh sông Đồng Nai mà trước kia, mỗi ngày tôi đứng bên này sông chờ đứa học trò tên Ly mang ghe chở sang lớp học bên kia sông với đám học trò dân tộc da ngâm đen, đôi mắt to bí ẩn, nhớ cô học trò tên Cà Bách hay mắc cỡ mà có giọng hát hay lạ lùng. Đường sang Tà Lài giờ đã có chiếc cầu vắt ngang dòng sông Đồng Nai đục ngầu, thấp thoáng vài cô bé người dân tộc ăn mặc không khác người thành thị, cái quần jean bó sát, mái tóc nhuộm hoe hoe vàng giương đôi mắt bình thản nhìn chúng tôi … ngay vùng đất xưa là rừng thiêng , thỉnh thoảng voi về đạp rẫy giờ cũng ra dáng thị thành…


Ba mươi bốn năm , tôi về chỉ để thầm xin lỗi rồi lại ra đi …Về để những lần có dịp đi ngang lòng hết còn nôn nao với bao hình ảnh một thời, cả với rừng cây Giả Tỵ ở cuối con dốc nhớ, cả với hình ảnh tôi nhỏ bé, đơn độc ngác ngơ giữa cái ồn ào của khu chợ huyện…. Mọi sự đã đổi thay, tôi cũng không còn là cô giáo trẻ ngày nào mắt sáng môi tươi lòng trong trẻo …Thôi thì, rừng xưa giờ đã khép ..!


 

.Con đường vào khu rừng xưa nay đã khác

                   Photobucket

Con dốc tên Hương (tên tôi đặt) đỏ quạch ngày xưa giờ đã tráng nhựa

Photobucket


Hàng quán thay thế những khu rừng

Photobucket


Cổng trường xưaPhotobucket

Ngôi trường khang trang nằm trong bóng cây

Photobucket

Ngày xưa nơi đây là dãy lớp học gồm 5 phòng bằng gỗ

Photobucket

Dòng sông Đồng Nai đục ngầu suốt 4 mùa

Photobucket

..Photobucket


Chiếc cầu mới vắt qua dòng sông

                    Photobucket

Khu Văn hóa của đồng bào dân tộc Châu Ro

Photobucket


Một khu điền trang trên đường vào Tà Lài

Photobucket


.Một vài ngôi nhà gợi nhớ một thời

Photobucket..

Photobucket..

                   Photobucket

..Photobucket


Cơn mưa bất chợt bên rừng cây Giả Tỵ

Photobucket..

Photobucket


Sau 34 năm lần đầu tôi thấy hoa của cây Giả Tỵ

Photobucket.


Tôi bên hiên trường cũ
                 Photobucket



Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Những ngọn cỏ của susumisa


Tháng sáu , cỏ đã có mưa …
Cỏ của Susumisa hiền lành mà cứ như muốn nói nhiều điều trong cái ngẩng đầu cùng nắng gió . Tôi cũng thế, tháng sáu nhỏ vào lòng tôi hạt nắng, giọt mưa, nó quấn quýt những nỗi nhớ bất chợt dù cũng chỉ để rồi tháng sáu đang qua...

Chị luôn thích cái nhìn sự vật của Susu qua những bức ảnh và chị cũng yêu những vạt cỏ bên vệ đường ..những vạt cỏ lùi lại dần theo những vòng bánh xe phiêu lãng . Không ít lần, qua khung cửa kính xe, chị cũng đã tự hỏi : “Đời cỏ có buồn, có ngắn ngủi như đời hoa ?” . Điều đó có khi cũng không còn quan trọng khi Cỏ cũng có mặt trong cuộc đời dù chỉ để đong đưa Susu hén ?


Cám ơn những cọng cỏ mềm dịu dàng của Susu ..nó là một trong những món quà mà chị luôn cho là mình may mắn được nhận. Và trong những thứ sóng sánh buồn của tháng sáu …Cỏ của Susu là một hạt mưa trong. Cám ơn em !

NHỮNG NGỌN CỎ BÊN VỆ ĐƯỜNG


Chơi blog cũng được một thời gian, có nhiều bạn blog mà mình rất quý.
Biết được chị Gió được một thời gian, dù chưa ọp ẹp, óp iếc gì nhưng mình rất quý chị.
Những bài viết của chị luôn chứa đựng rất nhiều tình cảm mà chị muốn chia sẻ đến với mọi người.

Biết chị rất thích cỏ, đợt đi chơi mình tự nói sẽ chụp cỏ tặng chị nhưng chỉ được có mấy tấm này thôi.
Không đẹp lắm nhưng chị Gió nhận nhé.















r





Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Tôi lại chat với gioheomay




TÔI CHAT VỚI GIOHEOMAY

 

(Đây là cuộc trò chuyện gần 2 năm về trước)
 

Tôi : Chào gioheomay

Gió : Chào bạn , bạn xuất hiện bất ngờ làm tôi giật mình.

Tôi : Tôi xin lỗi, quên là bạn hay giật mình

Gió : Quên ? cứ như bạn biết tôi ấy nhỉ?

Tôi : Tôi biết và hiểu Gió nhiều hơn bạn tưởng đấy.

Gió : Oh , thế à ? Ví dụ

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một ngày có nắng...


Áo sơ-mi sọc màu sậm, quần jean đen, tóc cột cao, đầu không nón tôi đi giữa phố với tư thế của một người đùa với nắng sau khi mang cái xe nhỏ của mình vào một bãi giữ xe ở cạnh sông Saigon.
Người Saigon sợ nắng …và người ta lướt qua nhau trong cái khẩu trang che kín mặt và cái mắt kiếng đen thùi lùi . Tôi ghét khẩu trang, ghét giỏ xách, ghét nón, ghét cả áo mưa … nên tôi tự do giữa phố xá đầy nắng mùa hè…một mình, một mình thôi!

Tháng sáu, nắng thức dậy sớm, nắng tinh nghịch nhảy nhót trên những tán cây cao… thỉnh thoảng nắng lại nhắm mắt vờ ngủ, thả cái thứ màu vàng dịu ngọt rồi lại mở choàng mắt lúng liếng màu thủy tinh.


Đầu tuần, người ta đi như chạy. Tôi đi chậm qua Tự Do để vào trung tâm thành phố …Lâu lắm , chẳng có dịp đi lại con đường này. Con đường có hai hàng me tươi nguyên thời tôi con gái , con đường gánh một đầu là sông Saigon, một đầu là Vương Cung Thánh Đường sừng sững màu ngói đỏ. Những cây me già còn sót lại thả những chiếc lá me vàng nhỏ li ti trong nắng , lướt qua nụ cười và đôi mắt kiếng lấp lánh của người khách du lịch nước ngoài đang ngoái đầu nhìn lại. Tự dưng tôi nhớ La Pagode, nhớ Bay đi những cơn mưa phùn và một buổi chiều mưa đã xa …


Saigon bây giờ đi đâu cũng dễ chạm nhau …

Những vỉa hè luôn có những người đi ngược chiều , rất vội …Tự dưng thấy mình buồn tẻ …tự dưng thấy mình tần ngần , tự dưng thấy những con đường bỗng rộng thênh đến qua đường cũng sợ …Tôi đi qua những con phố đông tấp nập những người, thỉnh thoảng chạm một cái nhìn, một nụ cười của người lạ hoắc. Quả là người Saigon thừa thân thiện từ những nụ cười vu vơ đến cái nhìn chớp mắt .


Tôi đi dọc Lê Thánh Tôn để qua Gia Long, đứng ngắm màu nắng nhạt nhòa trên nhứng tán cây cao, trên cái màu trắng buồn buồn của Thư Viện Quốc Gia Saigon mà bây giờ đã mang một tên khác rồi quay trở lại con đường cũ ra sông Saigon, ngồi ngắm dòng sông bập bềnh lục bình, lung linh nắng vàng với ly café thơm phức …

Tôi lấy xe, ghé Sách Hà Nội ở Nguyễn Thị Minh Khai để chọn sách làm quà nhưng vẫn chưa có cuốn sách cần tìm. Bạn cho một địa chỉ trên mạng với thuận lợi là người ta mang sách đến tận nhà nhưng tôi vẫn yêu cái thú dạo qua những kệ đầy sách, tay mân mê những cuốn sách thơm phức mùi giấy …yêu cả nỗi thích thú tìm được một cuốn sách hay và cảm giác thất vọng về một quyển sách đã hết… Tôi chọn “Nhã Ca tình yêu” của Kahlil Gibran, một tác phẩm của Nikos Kazantzaki, một của Kobo Abe, để lại số điện thoại cho cô bé bán sách và ra về…



Bây giờ thì nắng tháng sáu chan hòa… tôi lại đi giữa nắng Saigon chẳng cần khẩu trang… Biết đâu chiều lại có một cơn mưa làm nhạt nhòa nắng nhỉ ?


Đọc tiếp ...