THAM NHŨNG
Một anh bạn giáo viên gọi điện đến, giọng thì thào ra vẻ rất căng thẳng: “Ông này, tội tham nhũng nghe nói xử nặng lắm phải không ?”
- Vấn đề là mức độ thế nào. To thì dựa cột, nhỏ tẹo thì treo. Nhưng quan trọng hơn hết là người đời chê cười, con cái luôn sống trong mặc cảm…
- Ai cũng sợ nhất là cái “bia miệng” ngàn đời.
- Nhưng sao hôm nay ông lạ thế ? Mọi ngày nghe ông mạnh mẽ lên án tham nhũng lắm, sao giờ cứ thì thì thào thào vậy ?
- Chỗ thân tình tui dốc gan ruột ra tâm sự với ông, xem có cách gì gỡ cho tui với…
- Cái nghề giáo của ông có chuyện gì đâu mà căng thế ? Hay có dính dáng gì không tới vụ mua bán bằng cấp ?
- Trời ơi, không có đâu . Nhà tui ba đời làm nghề gõ đầu trẻ , làm thế ông bà về vặn cổ cho đấy.
- Hay lỡ nhận tiền ai đó để chạy trường ?
- Không …không có đâu. Ông biết tui rồi làm gì dám như thế…
- Vậy thì chuyện gì, nói thẳng toẹt ra đi để người ta liệu giúp.
- Tui…tui…tui…dạy thêm.
- A! Thiệt tội mấy ông , ai đời dạy thêm lại bị liệt vào hàng tham nhũng .Và cũng tội cho mấy ông ngoại tham nhũng , bị hạ xuống chung xuồng với mấy ông!
BÚT BI
( Báo Tuổi Trẻ Thứ sáu ngày 4/6/2010)
Thú thật là tôi không nhịn được cười khi đọc đoạn đối thoại trên mặc dù biết là nó chỉ là một mẩu đối thoại hư cấu …Cười to đấy như khi đọc truyện cười _ mà tôi thì vốn không mặn mà gì lắm với truyện tiếu lâm nên cười mà cứ như khóc ấy . Hôm rồi được đọc nội dung tin : Dạy thêm học thêm được đưa vào chủ đề chống tham nhũng là tôi đã nửa buồn cười , nửa ngạc nhiên .
Theo thông tin, tại buổi “Hội nghị đối thoại chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” ngày 28/5 /2010 tại Hà Nội thì việc dạy thêm học thêm , tình trạng thi cử , việc thu phí là ba chủ đề lớn được tập trung bàn thảo . Tôi không biết việc bàn thảo cuối cùng thế nào …nhưng cứ thầm hỏi : rồi thì có bao nhiêu thầy cô giáo sẽ nằm trong danh sách những người tham nhũng trong Giáo dục _ trong đó có tôi _ Tôi cho là để đi đến một quyết định mang tầm vĩ mô như thế thì người ta cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi hạ bút, cũng cần tìm hiểu tại sao lại có tình trạng dạy thêm học thêm ? và có phải việc dạy thêm học thêm chỉ toàn là mặt tiêu cực hay không ?
Hơn ba mươi năm làm nghề trong đó rất nhiều năm _ cùng các đồng nghiệp _ tôi cố gắng chèo chống để sống với nghề , sống với tất cả nhiệt huyết và tình yêu trong trẻo với cái nghiệp do chính mình lựa chọn và ước mơ. Ở cuối thập niên 70 và 80 không có khái niệm học thêm …vì thế cũng không có việc dạy thêm.
Những năm đó là những năm ngành còn nhiều khó khăn , đồng lương giáo viên không đủ để nuôi chính mình chứ đừng nói chi đến nuôi gia đình . Tôi nhớ có những đồng nghiệp của mình sáng đi dạy tối về đạp xích lô …có hôm gặp phụ huynh học sinh cứ phải kéo nón xụp xuống che mặt , có người ra chợ ngồi bán rau muống buổi sáng ,trưa tất tả về đi dạy ..móng tay chưa kịp rửa kỹ còn xanh nhựa rau , có người lấy bánh thuốc về vấn thuốc lá đem bỏ cho từng chủ quán chính là cha mẹ học sinh mình , có người đạp xe gần chục cây số lấy bánh kẹo rảo quanh bỏ mối rồi vồ xấp vập ngửa vội vàng về cho kịp giờ lên lớp ….
Người thầy lúc ấy sao mà tội nghiệp .. tội nghiệp vì những cái nhìn thương cảm của cha mẹ học trò …Học trò lúc đó sao mà tội nghiệp , tội nghiệp vì chúng chỉ được hưởng một nửa cái tâm của người thầy ,một nửa thầy phải gởi cho đời cơm áo …vì thật ra không thực thì lấy gì vực đạo , việc phụ đạo học sinh yếu chỉ được làm qua loa cho có , thời giờ đâu mà ngồi ôm lũ học trò yếu trong khi lũ con mình ở nhà khóc la vì đói …?
Tôi nhớ có năm làm tổ trưởng chuyên môn một khối lớp gồm 14 lớp, lớp nào cũng gần 50 học sinh , riêng lớp tôi là 54 em …Dù đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí tôi tập trung số học sinh yếu của cả khối rồi cùng cô tổ phó phụ đạo 2 buổi trong một tuần … cuối năm học, cả khối cũng có gần hai lớp học sinh lưu ban.
Lúc ấy cũng chẳng ai hoạnh họe tại sao học sinh lại ở lại nhiều thế , chẳng ai đánh giá thi đua , chẳng ai nghiêm khắc phê bình , thành tích cá nhân và nhà trường không vì thế mà bị rêu rao hay bị khiển trách vì đó là tình trạng chung của toàn ngành . Học sinh học yếu thì ở lại ,phụ huynh học sinh xem chuyện ấy như một chuyện tự nhiên , không xin xỏ, không phàn nàn , danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến hiếm có lắm trong một lớp học chứ không nhiều lềnh khênh như bây giờ, chuyện ấy cũng bình thường như mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây .
Thế thì từ lúc nào và tại sao việc dạy thêm học thêm lại trở thành ‘vấn nạn” rồi bây giờ lại mặc thêm cái áo sọc có 2 chữ “tham nhũng”to đùng ?
Tôi cho là có rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cơ bản thứ nhất là nội dung chương trình ở từng cấp học .Ngay ở bậc tiểu học, ai đã là giáo viên dạy những lớp cuối cấp sẽ hiểu rằng suốt một năm học cả thầy và trò sẽ phải đánh vật với chương trình Toán và Tiếng Việt đến bở hơi tai chưa kể những môn học khác mà môn nào cũng có những đòi hỏi thực ra cao hơn cái gọi là chuẩn kiến thức . Kiến thức thì nhiều , thời gian luyện tập thì ít ,bên cạnh đấy thầy trò vừa dạy vừa học lại vừa cong đuôi vì hàng đống những phong trào mà hầu như tháng nào cũng có từ những ngày lễ được gọi là “kỉ niệm” .Vậy để đạt được việc “dạy tốt học tốt” , có thêm thời gian cho học sinh rèn luyện những kiến thức được học , dạy thêm học thêm bắt đầu có mặt .
Cái nguyên nhân thứ hai mà ta nghe rất quen tai những năm gần đây là căn bệnh thành tích dù đã cố gắng chữa nhưng dường như không thuyên giảm bao nhiêu của ngành . Vì thành tích , cấp trên đưa chỉ tiêu cho cấp dưới , phong trào chống bệnh thành tích rầm rộ thế ..nhưng thử đi sâu vào sẽ rõ chỉ tiêu vẫn cứ đập vào đầu người thầy , đập vào lòng tự ái của ban giám hiệu từng trường , bao giờ cũng là từ 40 – 45 % học sinh giỏi , 50 % tiên tiến ( ở cấp tiểu học ) và bằng mọi cách để giảm đến không có học sinh lưu ban . Ở tiểu học, học sinh yếu có thể thi lại những ba lần … thử tưởng tượng một HS thi lại đến lần thứ ba xem …nếu có lên lớp thì các em sẽ học thế nào ở lớp tiếp theo …?
Bên cạnh đấy, chẳng hiểu sao bây giờ có nhiều quý vị cha mẹ học sinh mê danh hiệu học sinh giỏi của con em mình còn hơn chính bọn trẻ đến thế , có thể đó chỉ là lòng tự ái với đồng nghiệp khi ngồi đấu láo khoe khoang thành tích học tập của con mình hoặc những phần thưởng từ cơ quan dành cho con CBCC cuối năm mà con mình không được …cũng làm mình quê mặt Hơn nữa, phần đông cha mẹ các em đi làm cả ngày không có thời gian kèm cặp các em nên việc nhờ thầy cô mà mình tin tưởng cũng là một nhu cầu mang tính xã hội không có gì là bất hợp pháp .
Nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân tế nhị nhưng không thể không nhắc đến là hiện nay người thầy vẫn còn quá khó khăn với đồng lương từ sức lao động của mình .Chuyện đến bao giờ người thầy có thể sống được bằng lương là chuyện của nhà nước lớn và bây giờ , khi mà “lời hẹn thề vẫn chỉ là những cơn mưa …” thì phải chăng việc sống được bằng chính nghề mình một cách trong sáng và có tâm là một việc làm chính đáng và hợp pháp ?
Dĩ nhiên không phải là không có những người thầy xem việc dạy thêm là một cách làm tiền để rồi tìm đủ mọi cách bắt học sinh phải tìm mình xin học …nhưng cũng không thiếu những người thầy xem đó là một việc làm chính đáng và họ làm bằng hết trách nhiệm của mình để có thể sống và tiếp tục làm nghề . Tôi biết có những người đã từng dạy không lấy một đồng nào cho không ít những học sinh nghèo trong một lớp học thêm có nhiều học sinh con nhà khá giả trong nhiều năm liền như vậy .
Ta thử đặt tình huống nếu bây giờ cái được gọi là “vấn nạn dạy thêm học thêm” được dập tắt .. có hẳn đó là điều mong mỏi của tất cả cha mẹ học sinh ? có hẳn là đánh đổ được một tiêu cực trong ngành ? có chắc là chất lượng học sinh giữ được như thế này với những lý do tôi nêu trên ? Ngoài ra , khi chưa thể quản lý được những gia sư tự do không có chuyên môn , những trường tư thục chưa hẳn có chất lượng , thì việc chính người thầy sống bằng sức lao động và nghề mình nhằm củng cố kiến thức cho học sinh hỏi có gì không chính đáng ????
Tôi nghĩ vấn đề không phải là đánh ngã nó – cái vấn nạn dạy thêm học thêm ấy - bằng cách này hay cách kia mà vấn đề là ta nghĩ cách tháo gỡ những nguyên nhân sinh ra nó và những cái xấu lẩn khuất trong nó. Mà cho dù có muốn đánh chết nó thì gán cho nó cái tội “tham nhũng” ..quả thật là buồn cười .