Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Đâu chỉ có người lớn cô đơn...



Con bé ngồi tựa vào lòng mẹ, im lặng quan sát những người đồng bệnh trong căn phòng CT xcan đầy người qua lại hoặc ngồi chờ đến phiên. Đầu trọc lóc, khuôn mặt xanh xao mệt nhọc, bệnh ung thư hành hạ cái tuổi 12 của em đến cay nghiệt. Người mẹ cũng im lặng , thỉnh thoảng vỗ vai đứa con của mình như an ủi nhưng dường như cả vùng ngực ấm áp, cả bàn tay thân quen của mẹ vẫn không xóa được nỗi cô đơn trong đôi mắt thẫn thờ của cô bé. Căn bệnh quái ác đã tàn phá tuổi thơ của em , đã lôi em ra khỏi lớp học với bao nhiêu bạn bè và những ngày vui, đã hành hạ em trong những cơn đau mà vòng ôm của mẹ và đôi mắt xót xa của cha cứ nhạt nhòa dần….

Tôi biết, ngay lúc đó, em đã rơi vào cái khoảng không cô đơn mênh mông, nơi không có cánh đồng hoa mùa xuân hay phong lì xì mới toanh của ông bà sáng mùng một tết, nơi không có sân trường loang loáng tiếng cười đỏ tươi màu phượng vĩ, nơi không có những giấc mơ mà thỉnh thoảng em vẫn thấy mình níu áo thằng bạn học nghịch ngợm hay cười đùa với cô bạn ngồi cùng bàn, nơi mọi thứ cứ phôi pha dần mà chỉ có sự ác độc của những cơn đau là có thật. Tôi nhìn em và tự nhủ : Đâu chỉ có người lớn cô đơn !





Thằng nhỏ hỏi tôi : Mấy giờ rồi cô ? Tôi trả lời rồi nhìn khuôn mặt sáng sủa, bộ quần áo tuềnh toàng sứt cái nút trên cùng và đôi mắt lo lắng của nó hỏi lại: “Sao con ngồi đây một mình?” Thằng bé cúi đầu lí nhí : “Con chờ ba mà ba đến trễ quá, má con mệt.” Hàng ghế đầy những bệnh nhân chờ khám bệnh, chẳng ai chú ý đến thằng nhỏ, có lẽ họ tưởng nó là đứa trẻ theo bố mẹ vào thăm người thân như nhiều đứa trẻ khác, chẳng ai biết nó là người nuôi bệnh nhỏ tuổi nhất trong cái bệnh viện đầy người này.
 Mẹ bị ung thư, nhà nghèo lại neo đơn, bố phải đi làm để kiếm tiền nuôi nó và chữa bệnh cho người vợ ốm đau. Ngày thường, anh gửi chị cho người nuôi bệnh ở cùng phòng để đi làm, trưa anh ghé xin xuất cơm từ thiện mang vào bón cho vợ rồi lại tất tả trở lại công trình. Sáng sớm anh lại từ bệnh viện trở về nhà bắc nồi cơm để đứa con trai nhỏ ngủ nhờ nhà hàng xóm về ăn sáng, ăn trưa. Nghỉ hè, thằng bé thay cha vào chăm sóc mẹ .

Tuổi thơ của nó là những ngày một mình với bữa sáng bữa trưa qua quít bố nấu vội trước khi đi làm, là đôi mắt mở to hốt hoảng trước cơn đau của mẹ, là giờ ra chơi đứng một góc sân trường thèm cái bánh hay ly nước ngọt bạn cầm trên tay, là những đêm nằm co ro bên cạnh đứa con nhà hàng xóm mà mơ giấc mơ được nằm trong lòng mẹ. Chị nuôi bệnh cùng phòng kể với tôi rồi chặc lưỡi: “Ở đây nhiều hoàn cảnh thương lắm cô ơi..may mà có những bữa cơm từ thiện , không thôi…”. Tôi xoa đầu thằng bé, lòng cứ rưng rưng muốn khóc. Đâu chỉ có người lớn cô đơn…!!





Cô bé khóc nức nở ngay khi gặp cha đến đón ở cổng trường ngày bế giảng và khe khẽ trách móc : “Sao ba không đóng tiền học cho con để con không được nhận phần thưởng cuối năm”. Ông bố sững sờ trước lời trách móc của cô con gái … Anh vuốt tóc con nói nhỏ : “Ba xin lỗi..ba quên”. Anh nổ xe, khuôn mặt thẫn thờ, ân hận, cô bé con đưa tay quệt nước mắt. Anh thầm trách nhà trường đã làm tổn thương đưa con gái bé nhỏ của mình. Anh không quên nhưng tháng này đứa con nhỏ ốm nhập viện, tiền lương ít ỏi của anh chỉ đủ lo đóng tiền nhập viện, thuốc men cho con. Vợ chồng anh cứ nghĩ đơn giản , tiền tháng cuối năm học anh sẽ đóng vào đầu năm khi đến xem danh sách xếp lớp cho con như một số bạn bè anh bảo nhà trường vẫn chấp nhận như thế những năm học trước. Năm nay nhà trường quy định khác mà anh không hề biết, nếu biết con gái anh sẽ bị tổn thương trong ngày cuối cùng của năm học thế này thì anh đã đi vay mượn để đóng.


Đồng nghiệp kể cho tôi nghe những câu chuyện không vui về ngày bế giảng năm học. Tôi tưởng tượng những cô cậu bé _ như những học trò tôi ngày xưa_ hớn hở chờ đón giờ phút được xướng tên lên sân lễ trong phần phát thưởng.. Chúng chịu đựng cả một buổi lễ dài với vô số phát biểu, thủ tục trong cái nắng nóng mùa hè chỉ để chờ giờ phút được cầm trên tay chút phần thưởng dù là ít ỏi như một cái mộc đỏ công nhận sự cố gắng của mình trong cả năm học. Chúng không hề biết những người lớn đã dựa vào những quy định khắc nghiệt mà cuộc sống dù vẫn có những thật thà, hòa ái vẫn vốn vô tình, vô cảm này để tước đi niềm vui, sự hớn hở mà có thể các em đã có một đêm khó ngủ để chờ đón nó..

Tôi tưởng tượng những cô cậu bé thẫn thờ rưng rưng nước mắt nhìn bạn bè mình hớn hở với gói phần thưởng trên tay mà đáng lý ra chúng cũng được như thế. Lỗi không thuộc về những đôi mắt trong veo ngân ngấn nước kia, cái lỗi nếu có lại bởi những khó khăn mà ba mẹ chúng đang từng ngày chịu đựng. Tôi tưởng tượng những đôi mắt rưng rưng , những cái đầu cúi xuống , những lời thầm trách móc cha mẹ mình của lũ trẻ thơ ngây ấy mà…nhói lòng. Các em đang vùng vẫy với nỗi cô đơn do sự tổn thương….nơi mà những khuôn mặt thầy cô, cha mẹ trở thành những điều khó hiểu… Đâu chỉ có người lớn cô đơn !



Tháng sáu… đang qua, mùa hè chỉ mới bắt đầu.
Tôi cũng đã có những ngày bị bủa vây bởi cái cảm giác cô đơn mênh mang như thế… nhưng đâu chỉ mình tôi đã từng cô đơn, đâu chỉ có người lớn cô đơn… Trẻ con cũng cô đơn đấy chứ chỉ là người lớn không biết chúng đã từng vùng vẫy với nỗi cô đơn đấy thôi...!

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Tháng 5, ngồi ngóng một cơn mưa...




Tháng 5..ta đi qua những con phố cũ, cứ chòng chành như người mất ngủ, phố xá sao mà thay đổi nhanh đến chóng mặt bất chấp có những điều cần thay đổi vẫn không thể đổi thay. Nắng tháng 5 gay gắt hơn cái nắng đùa cợt tháng 4, màu ngói đỏ của Vương Cung Thánh Đường gợi nỗi thân quen ,tháp chuông cứ vươn cao giữa bầu trời xanh như thách thức thời gian. Qua ngôi trường ta bỏ đi hơn bảy tháng..cây phượng đỏ hoe, cái cổng màu nâu đỏ khép hờ ngăn cách, con đường bỗng dưng trở nên lạ lẫm, mọi thứ trở nên lạ lẫm, ta cũng trở nên lạ lẫm..chỉ có cái thứ thân quen dịu dàng của cái quá khứ nửa gần nửa xa cứ gõ nhẹ trái tim rưng rức nỗi nhớ mệt nhoài. 


Quán vẫn thế, mỏng manh đầy hoài niệm… Yêu quá cái mái ngói chông chênh giữa nắng mùa hè, yêu quá màu đỏ của hoa lộc vừng rắc trên mặt hồ thấp thoáng mây trời, những đóa lộc vừng mong manh núng níu nhau đu đưa như khiêu vũ, yêu những chiếc bình lủng lẳng thứ cỏ không biết tên, yêu nhành lan lẻ loi cúi đầu nghe đôi tình nhân trò chuyện bên ly café thơm, yêu cả những gương mặt người lạ quen trong cùng một không gian mà mỗi người là một thế giới riêng biệt… Tháng 5 ..ta thức giấc, giữa tàn phai giật mình chạm thứ xôn xao phố…


Tháng 5 ..sao mà nóng. Ngồi ngóng cơn mưa từ trời dù biết có mưa thì hình như vẫn nóng_ mới biết nóng đâu phải từ trời , nóng từ lòng mình nóng ra đấy chứ.
Tháng 5… lòng cứ quẫy đạp bởi cái giàn khoan chết tiệt ngoài biển khơi. Sóng tràn cả vào đất liền, sóng dậy lòng người Việt, ngồi café với bạn bè_ đám đàn bà không còn trẻ nữa cũng còn máu lửa khi nói về lũ ăn cướp_ Lối ăn cướp và cách chống giặc của thế kỷ 21 khác xa thời ta ngồi nghe thầy cô với những bài giảng giữ nước của cha ông ta ngày xưa. Cứ như hồi xưa ông bà ta chống giặc hồn nhiên hơn : “Mi cướp nhà tau, mi đánh con tau, mi đụng đến mồ mả tổ tiên tau là tau đánh”, đánh như một lẽ tất nhiên phải đánh , đánh như một lẽ công bằng phải đánh, đánh cho rằng “tau có yếu thế hơn mi”cũng phải đánh. Chiến tranh thời nào cũng không phải trò đùa nhưng chính trị bây giờ lại lắm trò đùa như trẻ con chơi trận giả. Mấy hôm, trốn mở máy, trốn vào mạng bởi chóng mặt với những thông tin..và bởi tự cảm thấy mình nhạt thếch…


Tháng 5 cứ qua, nắng cứ vàng gay gắt, gió cứ hà tiện ban phát những cái lướt lãng mạn, Saigon cứ hầm hập cái nóng mùa hè, mình cứ ngồi ngóng một cơn mưa…Cơn mưa thổi tung cái nóng từ lòng người….



Góc thân quen




Phố...



Quán quen



Lộc Vừng tháng năm





Mỏng manh lan


Chênh venh ngói



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Sinh nhật muộn...




Ta
đi hết một phần đời giông tố
Mới  biết thèm
cái se sắt heo may

đi hết biết bao mùa thiếu nữ
Mới  thầm thương
xao xác mảnh trăng gầy


Tháng tư đắng
bỗng thèm viên kẹo ngọt
Vạt nắng vàng
nằm khắc khoải chờ mưa
Trăm mơ ước..khi chạm gần cái chết
Mới  tiếc thương phút gầy guộc giao mùa.


Mới hiểu hết những ngày chưa hiểu hết
Mới giật mình khi chạm chút bâng quơ
Mới ngoảnh lại tìm những ngày đã cũ
Mới chừng ta chưa biết lớn bao giờ…..


Tháng tư
nhớ một cơn mưa xa ngái
Một góc đường
chao chác sắc phượng phai
Ta đi hết một phần đời giông tố
Mới điềm nhiên
buông một giấc mộng dài....

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Những giấc mơ...



Sóng tràn bờ, trắng xóa…tôi nhoài người qua khung cửa nhỏ đưa tay đùa sóng, cứ tự hỏi sao sóng lại có thể đến gần mình thế ? Gió biển hất tung cánh màn mỏng màu hồng ngang qua tầm mắt, tôi ngước nhìn khoảng trời màu xanh lơ bỗng biến thành màu hồng đào mỏng mảnh…Giấc mơ tôi cũng tan….

Dạo này tôi hay có những giấc mơ bềnh bồng như thế, những giấc mơ nhẹ tênh và chẳng có giấc mơ nào ám ảnh mình đến độ tạo thành những lo lắng vu vơ như vài giấc mơ tôi đã từng có trong đời. Những giấc mơ non nớt , trẻ con và mâu thuẫn hoàn toàn với những điều tôi thường suy nghĩ khi co mình trong chăn nhìn qua khung cửa lao chao người qua lại và cái thứ màu trắng nhập nhòe đầy ám ảnh.

Trong mơ, tôi, con bé gái băng mình qua những cánh đồng cháy nắng , tay nắm chặt cái túi ni-lông đầy những chú cào cào tội nghiệp và đầy cả tiếng cười của đám bạn phía sau. Trong mơ, tôi, con bé gái ngước nhìn cánh diều trong đôi tay gầy đen nhẻm của thằng bạn học lơ lửng trên bầu trời trong trẻo mùa hè, lơ đãng nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn trong cái xóm đạo nhỏ bé , hiền lành thời thơ ấu …Chẳng có giấc mơ nào là tôi, thời con gái lao xao mưa nắng Saigon, chẳng có giấc mơ nào là tôi, người đàn bà luôn đi về phía gió… Những giấc mơ hồn nhiên thơm ngát mùi ngô khoai đi qua tôi những ngày bão tố.. đi qua tôi những ngày gầy gò…

Đọc gần hết đám sách lôi về từ tháng 10…
Xem gần hết những bộ phim truyền hình trước đây chẳng bao giờ xem..
Đi qua những giấc mơ hiền lành bằng bước chân trẻ thơ.
Thỉnh thoảng thấy mình lướt qua chính mình với quá nhiều bàn tay níu kéo thân yêu.

Tôi đang đi qua tháng ngày bằng những giấc mơ ….


Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Phở, Sách và Cafe...


Tự dưng thèm phở... Chợt nhớ, lâu lắm rồi không ăn phở và lâu lắm rồi không đi nhà sách. 
Mấy đêm gần đây, nửa đêm thức giấc cứ ngửi thấy mùi ngầy ngậy và mùi thơm của rau húng trong tô phở chẳng biết đã ăn từ lúc nào. Vốn khảnh ăn, lại ghét vào quán ăn, chẳng bao giờ tôi thấy thèm thứ gì thế mà giở chứng thèm phở. Thì chắc cũng có một lúc nào đó người ta bỗng thèm một thứ gì đó lỡ bỏ quên trong trí nhớ, thèm chắc cũng chỉ là một dạng nhớ nhưng quay quắt hơn, thôi thúc hơn và tội lỗi hơn thôi. Và nhớ dạng nào cũng là một cách tồn tại…Thế là sáng nay tôi quyết định : đi ăn phở…


Tô phở to ứ hự trong một cái quán to, sạch và đẹp mà phở thì chẳng ngon, nó cứ như thiếu cái hương vị của tô phở thời thơ bé được mẹ dắt đi ăn, một tô phở trong vắt, sóng sánh màu vàng của nắng Saigon, một tô phở được mẹ nhặt sạch từng cọng hành, không ớt, không rau mà sao nó ngon đến thế. Có lẽ, người ta chỉ có một thời để cảm nhận mọi thứ đều ngon lành, đều ngọt ngào một cách dễ dàng, đó là khi người ta chưa đủ kinh nghiệm và lòng tham để so sánh, để cân đo đong đếm từ những thứ bé nhất như một tô phở cho đến những thứ lớn hơn…nên người ta cứ phải tắc lưỡi nuối tiếc một hương vị đã từng nếm trải…
Thì ra cũng có khi người ta lại nhớ nhung một thứ gì đó bé xíu như một tô phở..



Đi dọc các kệ ngập những sách trong một chi nhánh của nhà sách Fahasha. Trời ơi, cơ man nào là sách, chỉ là, cái không muốn xem thì đầy tràn, cái cần tìm thì hun hút…Cuối cùng, bỏ gần năm trăm ngàn để ôm về bốn cuốn sách. Tự hứa sẽ đọc trong hết tháng 10 thay vì đọc những thông tin nổi da gà trên báo tờ và ba thứ linh tinh trên báo mạng.

Dạo sau này tự dưng tôi thấy mình giống con chim bị nhốt trong lồng.., một cái lồng có cánh cửa mở toang mà chim thì cứ loanh quanh với đôi cánh mỏi trong cái vòng cong của những song mây mỏng một cách tuyệt vọng. Sách, túi thuốc và vài cái toa trên đầu giường thỉnh thoảng lại làm tôi nghĩ đến cái chết và tiếc là chưa kịp đọc xong hết những cuốn sách đã mua, và những cuốn sách được tặng, có trời mới biết tại sao tôi lại không nghĩ đến gì ngoài những quyển sách chưa đọc ?

Dạo sau này, mọi thứ với tôi cũng tự dưng nhẹ tênh, niềm vui chỉ kéo dài vài ngày mà nỗi buồn cũng tự nó tan sau vài chục tiếng. Hờ hững chỉ là thói xấu trong một phần đời mình còn có khi nó cũng là thứ cần thiết để tiếp tục đi qua bão giông. Cứ tíu tít với niềm vui và đau đáu với nỗi buồn xem ra là một thứ ngốc nghếch và giở hơi mà mình đã không nhận ra từ lâu lắm. Tôi đã nghĩ thế ngay trong một cơn đau kéo dài ba tiếng đồng hồ từ đêm đến sáng… và khi ánh sáng lọt qua khung cửa sổ đầy tiếng chim, mới biết mình yêu đời đến thế… Xem ra, cuộc đời là một cuốn sách chẳng bao giờ đọc hết ngay cả khi mình chết đi, nó là cuốn sách dở dang tôi chấp nhận bỏ lại nếu…




Ngồi trên một góc cao của cafe Emmy nhìn xuống con đường trước mặt, cảm nhận sự bình yên .. sự bình yên thường vắng mặt giữa những tất bật đời thường , sự bình yên bây giờ thường ít tìm ta nếu ta không tự tìm nó.

Emmy nằm ngay ngã ba của hai con đường ít xe cộ trong Làng Đại Học_ Thủ Đức , tôi nhìn cái đường cong nũng nịu của con đường này khi gặp con đường kia qua một nhánh hoa dâm bụt đỏ thắm trong cái bồn hoa cạnh bàn mình ngồi và ngửi mùi thơm của ly café sáng. Café là thứ tôi không bỏ được trong mảnh giấy ghi vô số thứ phải bỏ của ông bác sĩ trẻ.. Xem ra, bỏ quá nhiều thứ mình thích để sống cũng đâu khác gì chết đâu ta !!! Tôi vẫn thường xem café là nơi tựa đầu Café tự nó luôn là lời ủi an và tôi chẳng dại gì bỏ nó.

Buổi sáng gần qua, cái màu vàng của nắng và màu xám của những cơn bão xa hoà với nhau thành cái thứ nhàn nhạt buồn buồn…Tôi ra về, nặng tay bốn cuốn sách thơm hương café và mùi húng cây của tô phở trong trí nhớ…

Góc đường






Lúng liếng hoa dâm bụt..



Và sách...




Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Mùa hình như chưa qua hẳn...


Mùa hình như chưa qua hẳn…dù tháng bảy đang qua.
Tháng bảy có qua hay không thì ngày mai vẫn thuộc về tháng tám… bất luận những giấc mơ lãng đãng của tháng bảy vẫn còn luẩn quẩn đâu đấy trong tiếng gió lướt ngoài hàng hiên, đánh nhẹ vào chiếc phong linh cứ “mồm loa mép giải” trong cái thứ ẩm ướt của đêm bởi cơn mưa hồi chiều, bất luận cơn đau có bắt đầu từ nửa đêm kéo dài đến hai, ba giờ sáng cho đến khi giật mình thức giấc và thấy mình vẫn sống , bất luận dù có cố gắng vẫn không bỏ được cà phê , bất luận tháng tám cũng chẳng có gì mới hơn mà chỉ bắt đầu trở về với nhiều điều quen thuộc, bất luận tháng bảy cứ phảng phất nỗi buồn mang hơi hướm của sự mong manh…
Mùa hình như chưa qua hẳn …. nhưng mình thì vẫn phải qua…


Trời lại mưa, tháng bảy mưa cứ hay sùi sụt buổi chiều.
Tháng bảy, mình giống con dế bị nhốt trong chiếc hộp bé tí của thằng nhóc áo sọc caro có đôi mắt sáng chưng cạnh nhà. Con dế chạy quanh cái hộp thơm mùi nho khô, nó nằm thu lu ở một góc không gian hẹp nhớ mùi cỏ mùa hè, nhớ mặt đất khen khét hương nắng trưa, nhớ những đêm ngóc đầu qua đám cỏ ướt sương nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời , nhớ cả những buổi chiều vàng nằm ườn mình hồn nhiên hát vang bài ca phiêu lãng. Những chiều mưa tháng bảy, mình đã mang tâm trạng của chú dế con cô độc nhớ khoảng trời nhỏ riêng tư…Ngày mai, tháng tám bắt đầu những ngày chộn rộn, những ngày không còn im lặng. Mùa hình như chưa qua hẳn… nhưng mình thì vẫn phải qua…



Tháng bảy, cứ ám ảnh một câu hát “…. Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người..” . Giữa sự sống và cái chết thường nảy sinh niềm hy vọng, dù niềm hy vọng nhỏ xíu.. dù niềm hy vọng chỉ cách nỗi tuyệt vọng một sợi tóc mỏng tang nhưng nếu không cố hy vọng thì người ta còn biết làm gì …? Mình nhìn đôi mắt ướt nước của H rồi nhìn màu vàng héo hắt của buổi chiều còn sót lại ở phía xa, xéo qua đường dây điện chằng chịt rồi đớn đau nhận ra : Điều khủng khiếp nhất không phải là niềm tuyệt vọng mà là cái thứ giống như niềm hy vọng, nó là tiếng thở dài nén lại đầy bão giông… Mùa hình như chưa qua hẳn… nhưng mình thì vẫn phải qua…



Tháng bảy, ngày qua thật chậm, thế mà ngày mai đã là tiếng ầm ừ ma mãnh của tháng tám… Mùa có qua hay không thì ngày mai mình vẫn phải bắt đầu từ những điều cũ rích ....

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhớ một nghĩa trang giữa lòng thành phố....


Thỉnh thoảng có dịp về qua góc đường Điện Biên Phủ _ Hai Bà Trưng, nhìn cái bóng tối âm âm bên hông công viên Lê Văn Tám tôi lại bâng khuâng tự hỏi : bây giờ, có bao nhiêu người còn nhớ đã từng có một nghĩa trang nằm giữa lòng thành phố Saigon những ngày đã xa …???


Gần ba mươi năm đi qua, cái nơi đã từng là một địa danh quen thuộc với người dân Saigon ngày ấy bây giờ đã trở nên xa lạ, những người trẻ thì không biết, những người từng biết thì nhiều người cũng đã lãng quên. Giữa những đổi thay đến chóng mặt mỗi ngày, giữa một Saigon mới toanh sức trẻ mà con người phải khiêu vũ với những toan tính thiệt hơn để tồn tại thì chắc chắn có không ít những điều phải trôi theo những nỗi quên huống chi là cái nơi muôn đời im lặng của những người không còn quên nhớ .… Chỉ tôi, lần nào có dịp về qua đây tôi lại nôn nao nhớ đám bạn đứa mất, đứa còn, đứa xa xôi thăm thẳm của cái thời đi học , cái thời líu ríu kéo nhau vào nghĩa trang với cái bàn cơ chi chít chữ và nhịp đập nửa bồn chồn, nửa âu lo của những trái tim thiếu nữ…


Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nằm trên một khu đất rộng trên 7 hecta, bốn bức tường vàng nhạt cao hơn đầu người vây quanh bốn phía các con đường lớn Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Hai Bà Trưng , Hiền Vương ( Võ Thị Sáu) và con đường ngắn, nhỏ hẹp Phan Liêm . Cổng chính ra vào nằm nhìn sang đường Mạc Đĩnh Chi nơi cuối cùng gặp gỡ con đường lớn Phan Thanh Giản… Thời thuộc địa, do là nghĩa trang dành chôn cất những người Pháp nên còn gọi là Đất Thánh Tây, sau này là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là nơi đặt lăng mộ cho những người giàu có của Saigon ngày ấy, nó còn là nơi chôn cất nhiều người nổi tiếng, là nơi mồ yên mả đẹp của những quân nhân quân đội Saigon, đây là nơi tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm và người em là Ngô Đình Nhu nằm lại sau biến cố năm 1963.
Năm 1983, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm Saigon đổi tên, người ta ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi và hai năm sau, năm 1985 công viên Lê Văn Tám được khai sinh nhưng vẫn còn xa lạ và nhận cái nhìn đầy vẻ e dè của người dân thành phố.


Tôi còn nhớ suốt thời gian hình thành đến những năm cuối cùng của thập niên 80, công viên này luôn vắng vẻ. Buổi sáng đã vắng người, chỉ cần trời nhạt nắng là đã thấy ở đây cái không khí im ắng, lạnh tanh . Trong trí nhớ người Saigon, công viên Lê Văn Tám vẫn mang vóc dáng thâm nghiêm, bí ẩn của nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa cũ với vô số những giai thoại lạnh người về thế giới yên ắng của những người đã khuất…Chỉ đến những năm đầu thập niên 90, khi người nhập cư nhiều hơn, thành phố chật chội hơn, khi cái nghĩa trang xưa nhạt nhòa dần trong trí nhớ người Saigon thì công viên Lê Văn Tám mới thay đổi bộ mặt để quen thuộc dần với người dân thành phố…


Gần ba mươi năm cái nghĩa trang cũ bị khai tử, tôi chưa một lần bước vào cái nơi cũ được mang cái tên mới toanh này dù không ít lần đi qua, cho đến cách đây gần hai tuần tôi chợt có ý định trở lại nơi này để lấy cảm hứng viết về một địa danh xưa cũ, một nơi mà thời con gái không ít lần tôi cùng đám bạn đã ray rứt, bâng khuâng, bồn chồn một cách khờ dại trước những hàng mộ trắng toát hay di ảnh của một anh chàng lạ hoắc đầy vẻ lãng tử đến nao lòng trái tim đám con gái áo trắng như mây…



Thật tình là tôi không ấn tượng lắm với cách kiến trúc sắp xếp của công viên. Tôi đứng nhìn bức tượng sơn trắng nơi khán đài ở trung tâm công viên mà nghĩ hoài chẳng biết nó là cái quái gì…Về nhà, lướt qua mạng internet, biết đó là bức tượng “Ngọn Đuốc Sống” mới giật mình chẳng hiểu tại sao ngay cái tên công viên cũng chẳng để lại cho mình chút ấn tượng gì về bức tượng có phần thô kệch, nặng nề và giả tạo đó..?

Tôi đi quanh công viên nhìn những tán cây cao xanh biếc trong màu nắng tháng sáu. Đâu đó rải rác những em thanh thiếu niên đánh cầu, tung bóng, vài nhóm người già ngồi rôm rả trò chuyện. Một chàng thanh niên cởi trần mặc quần đùi tay cầm guitar lượn lờ trên chiếc xe đạp một bánh , miệng hát vang một bài tình ca, đám người ngồi quanh tán dương…vài người vẻ chăm chú múa may một bài quyền thể dục..


Tôi đi quanh công viên nhớ những con đường lót đá màu xám buồn buồn chạy quanh những hàng mộ nhiều kiểu cách khác nhau, nhớ những hàng cây cao thẫm lá buổi chiều mưa, thỉnh thoảng lũ chim lại giật mình khua đám lá lào xào bay lên khỏi khuôn viên nghĩa trang hòa mình vào những tán cây thành phố, nhớ những con chim sẻ nhỏ ngơ ngác nhảy trên những bia mộ trong những buổi trưa đầy nắng mùa hè, nhớ cả những người phụ nữ áo dài sậm màu , vành tang trắng, đôi mắt đỏ hoe bên một ngôi mộ mới đắp..



Tôi đi quanh công viên, nhớ sao là nhớ cái nghĩa trang những ngày mưa âm âm, những trưa chan hòa nắng đã xa, những ngày cùng đám bạn rủ nhau vào đây thăm mộ hoặc mỗi đứa tìm một góc học bài chuẩn bị cho mùa thi , thỉnh thoảng chúng tôi lại chơi trò cầu cơ , một trò chơi đầy vẻ thiêng liêng , bí ẩn và nhiều ma lực với tuổi chúng tôi ngày ấy . Bàn cơ nhỏ chi chít chữ cái và những con số. Nhỏ Kim Loan lâm râm thắp nhang trước ngôi mộ, chúng tôi im lặng ngồi quanh, khuôn mặt đứa nào cũng căng thẳng nhưng đầy vẻ thành kính. Trái tim chúng tôi cứ như nở to ra, đập rộn ràng khi trái tim bằng gỗ nhỏ xíu dưới ba ngón tay di chuyển ráp những chữ cái thành câu trả lời những câu hỏi ngu ngơ : Tôi có thi đậu không ? Bạn ấy có yêu tôi không ? Bố mẹ tôi có ly dị không? Người ấy có gian dối với tôi không? Mơ ước của tôi có thành không? Và còn vô số những câu hỏi thầm kín rất con gái khác được đặt ra chỉ để đợi chờ câu trả lời từ cõi muôn trùng.

Tôi không biết hồi ấy mình có tin vào những điều mà bạn bè mình rất tin không nhưng tôi luôn theo chúng vào đây trong những giờ nghỉ học ..có khi chỉ để nhìn vu vơ những hàng mộ bé xíu của những đứa trẻ vắn số mà đôi mắt sáng trong và nụ cười trên những di ảnh luôn làm tôi muốn khóc, chỉ để nhìn hàng mộ thấp, lừng lững những cây thánh giá loang lổ màu vôi, chỉ để đi quanh đọc những lời yêu thương trên những bia mộ…



Tôi nhớ hoài hàng chữ đầy ấn tượng trên ngôi mộ một anh sinh viên trường sĩ quan Thủ Đức tên Hùng mà một lần tôi và đám bạn tình cờ thấy : “Hùng không chết. Hùng sống mãi trong lòng cha mẹ, anh chị và các em…”.Lần đầu đọc hàng chữ màu vàng được ốp trên mặt ngôi mộ được xây bằng loại đá bóng màu đen vân trắng, nhìn di ảnh anh ấy với lọn tóc rủ xuống trán , đôi mắt trong sáng, đôi môi mỉm cười, cả đám con gái chúng tôi đều tắt hẳn tiếng nói cười , nhỏ Loan nói nhỏ vào tai tôi: “Anh ấy đẹp quá hén!” . Có lẽ anh mất khi còn là sinh viên trường nên bức ảnh vẫn còn nguyên bộ quân phục của trường sĩ quan Thủ Đức…. Đó là ngôi mộ để lại nhiều tình cảm với chúng tôi nhất để lần nào ghé nghĩa trang, chúng tôi đều ghé thăm anh. Hơn 40 năm trôi qua… tôi còn nhớ như in câu chữ trên ngôi mộ đẹp và loáng thoáng khuôn mặt anh Hùng với nụ cười hiền, đẹp đến ngẩn ngơ..


Ngày ấy chẳng hiểu sao tuổi trẻ chúng tôi lại hay chọn nghĩa trang là một trong những điểm thường lui tới mà không sợ sệt e dè. Bây giờ những nghĩa trang đã ít đi, phần cuối của một đời người, người ta được chọn cách để trở về tro bụi. Còn tôi, bây giờ chắc chắn tôi không còn đủ sự trong trẻo đến ngây ngô, không còn đủ niềm tin vào người sống để lui tới cái nơi thinh lặng của những người đã khuất như ngày xưa nữa… Suy cho cùng người sống bây giờ ác độc hơn xưa thì chắc gì thế giới của những người đã chết lại không đủ những thứ bon chen tàn nhẫn ?


Việc dời chuyển thế giới của những người đã khuất ra khỏi một thành phố lổn nhổn những người đang sống xem ra là hợp lý vì suy cho cùng đó là sự dời chuyển về mặt địa lý còn trong tâm linh những người đang sống vẫn còn có một góc nhớ thương cho những người ở cõi muôn trùng…Đó là điều khó ai dời chuyển được.


Thời gian đang trôi qua, cuộc sống đang trôi qua, thành phố này đang trôi qua và chúng ta cũng đang trôi qua …. Mọi thứ cũ xưa đang dần thay đổi , thế mà thỉnh thoảng đi qua một góc đường tôi cứ bâng khuâng tự hỏi : Có ai còn nhớ đã từng có một nghĩa trang giữa lòng thành phố ngày xưa…?




Cổng vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày xưa _ Ảnh lấy từ internet_



Bên trong nghĩa trang ( chụp từ phía đường Hiền Vương) Ảnh lấy từ internet



Tượng Ngọn Đuốc Sống













Chàng thanh niên...lãng mạn !






Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Cảm xúc từ Đất nước Chùa Tháp




Chúng tôi rời Saigon vào những ngày cuối tháng tư… Nắng phương Nam đổ dài, khắc nghiệt suốt chuyến đi từ Saigon đến các tỉnh nơi chúng tôi qua trên đất nước Chùa Tháp. Nhằm những ngày nghỉ lễ nên cửa khẩu Mộc Bài hàng hàng lớp lớp những chuyến xe nối đuôi nhau. Cứ nhìn cảnh tượng những du khách người Việt rồng rắn giữa cái nắng mùa hè để chờ thủ tục xuất cảnh mới thấy dù còn là một đất nước chậm phát triển ,Campuchia vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn vừa với túi tiền của đa số người Viêt Nam…

Chúng tôi rời cửa khẩu Mộc Bài để đặt chân sang kia biên giới nước bạn. Ngay ở cửa khẩu biên giới ta có thể thấy ngay những Casino lớn khang trang nằm hai bên đường nơi mà không ít người Việt đã đánh mất cơ đồ, danh dự , gia đình thậm chí cả sự sống tại đây. Sau những thủ tục đơn giản hơn bởi những anh Công An và nhân viên hải quan Campuchia , xe chúng tôi bước vào tỉnh Prey Veng của đất nước Chùa Tháp…


Xe chạy qua những con đường tráng nhựa ít ổ gà của tỉnh Prey Veng. Hai bên đường những ngôi nhà sàn truyền thống của người dân lấp ló trong những vườn cây xơ xác. Trên những cánh đồng khô cháy, lốm đốm màu trắng của những con bò gầy giữa cái nắng gay gắt tháng tư. Trong chương trình được thông báo là xe sẽ đi qua những rừng cao su bạt ngàn của tỉnh Prey Veng nhưng trong thực tế những rừng cao su vẫn còn non tuổi và mang vẻ buồn tẻ của một vùng đất nghèo dù Prey veng là một trong năm tỉnh thành lớn của Campuchia. Chúng tôi dừng chân ở tỉnh Kam Pong Cham, bữa trưa không ngon miệng có lẽ do cảm giác từ cái vẻ diêm dúa của nhà hàng, từ cách chế biến món ăn của người bản xứ và trong cả sự mệt mỏi từ cái nắng gay gắt tháng tư…



Chiếc xe tiếp tục đi qua tỉnh Kong Pong Cham để bước vào tỉnh Kong Pong Thom bằng chiếc cầu bắc qua dòng sông Mê Kông để tiến về Siêmreap…Cơn mưa chiều vội vàng, ngắn ngủi đổ xuống khi chúng tôi vào đến địa phận tỉnh Siêmreap phần nào lấy đi chút mệt nhọc suốt chẳng đường dài hơn 400 cây số …

Cũng như nhiều thành phố du lịch khác trên thế giới, thành phố Siêmreap có vẻ trù phú hơn các tỉnh chúng tôi đã đi qua, chỉ có điều giống nhau là ở đâu trong thành phố cũng có thể thấy rác ngập ngụa . Suốt chuyến đi, khách sạn trong hai ngày ở Siemreap cho tôi cảm giác thoải mái nhất. Mang tầm cỡ khách sạn 4 sao, Starry AngKor Hotel khang trang, phòng ốc đẹp và thoáng mát. Sau bữa cơm chiều chúng tôi đi dạo chợ đêm Siêmreap bằng cái xe “tuc tuc” _ xe dạng như xe lôi chạy bằng xe máy phía trước kéo theo sau một thùng xe có thể chở nhiều nhất 6 người không quá to lớn, xe được trang trí đẹp, chở cả khách du lịch lẫn khách là người dân bản xứ_ Từ khách sạn ra đến chợ đêm khoảng bốn cây số với giá 3 dola chúng tôi thích thú ngắm đường phố Siemreap ban đêm lấp loáng ánh đèn..

Chợ đêm bán những thứ mà ta thường thấy ở các chợ Việt Nam nên chúng tôi đi dạo nhiều hơn là mua. Ở chợ đêm, phần lớn du khách đến để matxa chân sau chuyến hành trình mỏi mệt. Những chiếc ghế bố được xếp lớp lang hai bên đường, du khách chỉ cần nằm dài thưởng thức sự dễ chịu từ bàn tay của những người thợ hoặc ngồi thòng chân vào những hồ cá để những con cá nhỏ xinh xắn mặc sức đớp nhẹ vào bàn chân. Người dân Campuchia ít dùng tiền bản xứ , đa số họ trao đổi bằng dola những cũng dùng cả tiền riel lẫn tiền Việt. Siemreap chắc thức khuya nhưng đa số chúng tôi đều ngủ sớm sau chuyến đi dài để chuẩn bị cho chuyến leo đền AngKor vào ngày mai.



AngKor gồm có 2 khu đền : AngKor Wat ( còn gọi là Đế Thiên) AngKor Thom ( còn gọi là Đế Thích). Bao bọc bên ngoài AngKor Wat là một cái hồ dài 190m , mặt hồ phẳng lặng soi bóng mây trời và những tán cây xanh biếc. Buổi sáng, ánh nắng chiếu xuống mặt hồ lấp loáng như dát bạc.


Dẫn vào AngKor là con đường rộng lát bằng đá tảng không có đến một bóng cây, cái thứ nắng tháng tư thản nhiên nhả xuống nền đá rát bỏng. Phía trước là cả một công trình kiến trúc hoàn toàn bằng đá tảng… Với diện tích rộng khoảng 200ha, Angkor Wat kiêu hãnh ngẩng mặt dưới ánh nắng mùa hè .Nhìn AngKor Wat tôi cứ tự hỏi tại sao cách đây 9 thế kỷ , người ta lại có thể xây dựng được một công trình vĩ đại thế này bằng sức người ? Tôi nhìn những bức tranh được chạm khắc trên tường ,cảm giác thán phục những người Khmer cổ và thán phục cả ý thức bảo tồn một công trình văn hóa dân tộc của chính phủ Campuchia.. Chỉ e với một đất nước nghèo , yếu kỹ thuật và phương tiện như Campuchia liệu sự bảo tồn này có thể kéo dài được bao lâu ? Tự dưng, chạnh nghĩ đến những di tích văn hóa quý báu của đất nước ta đã từng bị phá hủy bởi sự ngu dốt và thiếu trách nhiệm mà bất giác …thở dài.

Tôi một mình đi qua những dãy hành lang dài của AngKor và đặc biệt thích những khung cửa của những ngôi đền, những khung cửa trạm trổ khéo léo lúc nào cũng mở toang đón ánh trời vàng và lơ lửng những đám mây trắng nhởn nhơ qua…Dù vẫn còn những vết đạn ghi dấu một thời chiến tranh, AngKor Wat vẫn sừng sững xứng đáng là một trong những kỳ quan từ bàn tay của con người thời trung cổ .



AngKor Thom cách AngKor Wat một quãng đường không xa được xây dựng theo phong cách Bayon, ta có thể vào AngKor Thom theo bốn cửa Đông Tây Nam Bắc nhưng cửa nào cũng dẫn đến đến chính Bayon nằm ở trung tâm quần thể AngKor Thom .Tôi đứng giữa đền Bayon, ngước mắt lên 54 tháp lớn nhỏ lung linh khuôn mặt thần Lokesvara ngạo nghễ dưới ánh nắng vàng. Người hướng dẫn viên giới thiệu nụ cười bí ẩn còn được gọi là “nụ cười may mắn” , nhìn khuôn mặt vị thần trong câu chuyện truyền thuyết của người dân Campuchia tôi thầm nghĩ : với nụ cười mím thế kia chắc gì người không giấu trong đó sự cay đắng , xót thương những người dân nghèo Campuchia đang còn nhọc nhằn với cuộc sống hiện nay ?

Sau AngKor Thom chúng tôi còn đến thăm một khu di tích nữa trước khi về khách sạn. Do mệt, tôi đã ngồi ở ngoài cửa chờ mà không biết là đoàn vào cửa này mà ra bằng cửa khác. Thế là tôi ở một cửa rã rời vì ngồi đợi mà cả đoàn thì ở một cửa khác hốt hoảng vì tưởng tôi đi lạc. Cuối cùng tôi cũng tìm được đường ra xe nhờ vốn nghe tiếng Anh lõm bõm của mình. Có người hỏi : “nếu không tìm được đoàn tôi sẽ làm gì ?” Tôi cười bảo : “Lúc ấy sẽ tính.sau .” Thật ra tôi cũng chưa thể biết lúc ấy mình sẽ tính thế nào với vốn tiếng Anh quá tệ, cả tên lẫn đia chỉ khách sạn còn chưa kịp nhớ, lại ở một đất nước không một người thân? Một kỷ niệm mà cũng là kinh nghiệm để tôi nhớ đời khi đi du lịch.


Chúng tôi đến thủ đô Phnom Pênh sau hai ngày ở Siêmreap, sau khi đến thăm chiếc cầu Kampong Kdei _ chiếc cầu nhiều tuổi nhất Campuchia _ Thủ đô Phnom Pênh chỉ bằng một thành phố nhỏ của Việt Nam. Trong thành phố cũng đâu đó đỏ rực màu hoa phượng vĩ , màu lóng lánh của bò cạp vàng và màu tím rưng rưng của bằng lăng.Ta dễ dàng gặp những người Việt sinh sống bằng nhiều nghề trên các đường phố Phnom Pênh. Tôi gặp và nói chuyện với một người đàn ông bán tàu hũ và nghe anh kể chuyện mình, để vợ con ở lại một miền quê nghèo miền Trung, anh sang đây thuê nhà sống và mỗi ngày tự nấu tàu hũ gánh bán khắp các đường phố của thủ đô Phnom Pênh. Thu nhập mỗi ngày của anh cũng khoảng bốn, năm trăm ngàn tiền Việt : “Thế mới đủ nuôi sống vợ con cô ơi!”. Tôi nhìn những người đồng hương lơ láo bươn chải trên đất nước bạn, nào là chàng thanh niên bán võng, chị phụ nữ bán các đồ trang sức, em bé , bà cụ già bán vé số.. tất cả họ là đồng bào tôi, còn bao nhiêu người Việt sống tha hương thế này để mưu sinh ? Có một điều nghịch lý tôi cứ tự hỏi mình : Tại sao đất nước Campuchia nghèo và chậm phát triển hơn Việt Nam mà mệnh giá đồng tiền của họ lại cao gấp năm lần tiền Việt và tại sao vẫn còn những người Việt phải tìm cách tha hương để mưu sinh trên mảnh đất này ?


Buổi sáng  Phnom Pênh dậy khá muộn. Sáu giờ sáng mà đường phố vắng hoe. Tôi đứng đón ánh mặt trời lên đổ xuống một con phố cạnh khách sạn một màu vàng tuyệt đẹp.
Chúng tôi đến thăm Hoàng Cung nơi sinh sống của gia tộc hoàng gia Campuchia, nơi diễn ra những nghi thức ngoại giao của Quốc Vương Campuchia với các quan khách quốc tế. …Cả một quần thể nguy nga nằm giữa Thủ đô như một thách thức với những điều tôi nhìn thấy suốt chặng đường du hành trên nước bạn. Hoàng Cung đường bệ màu vàng viền đỏ rực rỡ trong màu trời xanh biếc . Bên cạnh Hoàng Cung là Chùa Bạc cũng nguy nga không kém, cả hai tạo thành một quần thể biểu tượng cho đất nước Campuchia còn nhiều ngôi nhà sàn ọp ẹp và những cánh đồng lúa khô cháy đến nao lòng.


Chúng tôi rời khỏi Hoàng Cung của Vương Quốc Campuchia để chuẩn bị trở về Saigon sau bữa cơm trưa. Nhìn những em bé Campuchia dắt díu nhau xin tiền du khách bên ngoài Hoàng Cung nguy nga, bên ngoài cửa Chùa Bạc với những sư thầy áo vàng tay cầm Ipad, mới biết những nghịch lý luôn hiện diện ở bất cứ nơi nào trên trái đất này.

Chúng tôi trở về Saigon bằng một ngã khác …Qua phà Neak Loeang để trở về cửa khẩu Mộc Bài. Tôi vu vơ nhìn những đám mây trắng tuyệt đẹp trên nền trời xanh thẳm ngoài cửa kiếng xe và thầm nghĩ mây trời ở nơi đâu cũng thế, chỉ mỗi mảnh đất, mỗi dân tộc, mỗi con người dưới mặt đất này là có những cuộc đời riêng, những thân phận riêng…mà hạnh phúc hay bất hạnh của mỗi đời người lại gắn liền với những đa đoan nổi trôi của đất nước…


Cơn mưa ngắn lại rơi xuống bất ngờ làm giảm cái nóng đầu mùa hạ, những vòng bánh xe chừng như cũng nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi đi qua cửa khẩu nước bạn một cách dễ dàng vẫn kịp để tôi phát hiện nhân viên ở cửa khẩu Campuchia người nào cũng có vẻ đường bệ với cái bụng to và cái đầu chải dầu láng bóng, chỉ màu da  của họ là còn giống với đồng bào mình. Loay hoay nhiều thời gian hơn với những thủ tục ở cửa khẩu nước mình, chúng tôi đã trở lại Saigon để tiễn tháng tư qua.

Lâu lắm, dễ chừng bốn năm rồi tôi mới có dịp đi du lịch với đồng nghiệp…Bốn ngày với tiếng nói cười, tiếng trêu ghẹo nhau thả bay những căng thẳng âu lo của công việc trong thời gian cuối năm học.
Chào tháng 5, ngày mai, chúng tôi lại bắt đầu những ngày âu lo khác….


Cửa khẩu Mộc Bài


Chiều trên Tỉnh Kong Pong Thom


Nhà sàn truyền thống của người dân Campuchia

Chiec1 cầu ranh giới giữa tỉnh Kon Pong Cham và Kong Pong Thom


Chiều Tối ở thành phố Siêmreap

Xe tuc tuc ở chợ đêm Siêmreap




Hồ trước đền AngKor Wat


Ánh mặt trời chiếu xuống mặt hồ


AngKor Wat






                                                                     Nụ cười may mắn đền Bayon
                           

Khuôn mặt không cười


Khúc Apsara


Chân cầu cổ Kampong Kdei


Đường phố Phnom Pênh





                                                                                                     Hoàng Cung
                        

Chùa Bạc


Cây Phượng đỏ rực giữa thủ đô Phnom Penh


Hai vị sư với chiếc Ipad trên tay


Người đàn ông Việt Nam bán tàu hủ ở Phnom Penh
                             

Những em bé dắt díu nhau đi xin ăn ở Phnom Penh



Đồng Nghiệp


                                                                                   Ở AngKor Wat
                              

Bên chiếc tuc tuc ở thủ đô Phnom Penh




                                      Đám mây ngoài khung cửa xe
               


Đọc tiếp ...