Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Những cơn mưa của tôi.....



Tháng ba lại sắp qua, những cơn mưa trái mùa đi qua thành phố này cứ như cái vỗ nhẹ vào những tâm hồn đa cảm ..



Mấy hôm trước biết Phạm Công Thiện mất từ thông tin ở blog người bạn …., tự dưng tôi nhớ một khúc mê mê từ những trang sách tháng tư của ông mà tôi được đọc trong một ngày mưa cách đây rất nhiều năm … , tự dưng mà tôi nhớ cái bóng trầm ngâm của con đường Nguyễn Du những ngày tháng tư đã xa lơ xa lắc …, tự dưng mà thèm quá được ngồi lại một góc café La Pagode của Saigon ký ức giữa một ngày mưa bay … thèm quá là thèm..



Tôi bây giờ …. không còn đủ cái trong trẻo của tuổi đời để đi qua những con phố xưa với cái nhìn biêng biếc xanh như những vòm me con gái, không còn đủ “cái non yếu” của lòng để hồn nhiên với những nhớ quên… thế mà vẫn cứ yêu lắm những cơn mưa Saigon hóng hớt, dỗi hờn, rơi tạnh khó lường, thế mà đôi khi … lòng cứ nôn nao nhớ cái thời áo lụa , tóc mây…cái thời ngơ ngác cười giữa những cơn mưa bay ngang phố…



Chiều nay, tôi đọc lại vài đoạn trong “Bay đi những cơn mưa phùn” của Phạm Công Thiện … Ông đã đi qua những cơn mưa phùn..những cơn mưa đầy suy nghiệm , những cơn mưa liêu xiêu dĩ vãng mịt mù .

Những cơn mưa tháng tư của ông đã qua …những cơn mưa tháng tư của tôi … đang tới .

 

 

BAY ĐI NHỮNG CƠN MƯA PHÙN

( Một bài viết cũ...)

Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê . Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ ; cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của nước Pháp ; không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không có những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khungcửa kính , quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express ; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa . Chung quanh đều im lặng , thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào , tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ . Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại…..
                       ( Bay đi những cơn mưa phùn – PHẠM CÔNG THIỆN )


Tôi đọc Bay đi những cơn mưa phùn lần đầu cũng vào một ngày tháng tư năm 1975 – Saigon không có mưa phùn nhưng đã bắt đầu những cơn mưa hạ . Mưa tháng tư .



Tôi ngồi trong một quán kem có khung cửa kính ở đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ ) , Thu Sâm không đến như đã hẹn , tôi cũng không còn nhớ sau đó nó giải thích thế nào với tôi nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngồi một mình ở một cái quán mà thường người ta đi hai người , vào thời gian mà chiến sự rối bời , trên những khuôn mặt người là sự lơ láo , hoang mang , trên phương tiện thông tin mỗi ngày là thương đau , chết chóc ,là khi tôi vừa nhận lá thư của một người bạn học gởi về từ chiến trường “… Tối nay có lẽ Thạch chuyển quân đi xa lắm …”



Tôi cứ loay hoay với cái thìa kem nhỏ xíu , kem lạnh , quán cũng trở nên lạnh bởi cơn mưa chiều và máy điều hòa trong phòng .Tôi nhìn ra ngoài trời ,mưa giăng trắng phố, đường phố vắng hẳn .. Saigon ngày ấy vốn không đông đúc như bây giờ , xe cộ cũng ít , thỉnh thoảng lại có chiếc xe hơi lướt nhanh trên phố , người ta cứ tấp vào những hàng hiên hai bên đường trú mưa .


Tôi cầm cuốn sách vừa mua ở nhà sách Khai Trí ra , cuốn sách hấp dẫn tôi đầu tiên bởi cái tựa đề và tên tác giả , ngày ấy Phạm Công Thiện là một cái tên khá quen thuộc với tuổi trẻ chúng tôi nhưng đây là lần đầu tôi cầm quyển sách của tác giả này và đọc nó vào một buổi chiều mưa , chiều mưa của một ngày tháng tư
Saigon cứ như trũng con mắt sâu đợi chờ bao biến động …


Tôi đọc được khoảng một phần ba cuốn sách thì giật mình vì phố đã lên đèn , cơn mưa đã dứt .Cuốn sách là những mảng hồi tưởng , là những bối rối đến nặng lòng . Tôi có cảm tưởng Phạm Công Thiện đã viết những trang viết này trong trạng thái mê mê và cô đơn..Tôi cũng rơi vào tâm trạng mê mê khi đọc những dòng như thế dù khi ấy tôi còn trẻ , rất trẻ .


Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn ; trời lạnh quá , im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó , vẫn sống , vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu thu . Đầu thu hay cuối thu ? Đầu cuộc sống và cuối sự chết ? A , tôi phải đi . Paris chỉ nằm bên kia sự chết ; Saigon, Hà Nội , Huế , Đà Lạt chỉ là những thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên , quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những bao thuốc lá xanh, vứt lại đằng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối , những mùa xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên , phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn, truyện dài . Trung thành với nỗi chết xa và gần , nỗi chết long đong ,nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là văn chương ..

A , tôi phải đi . Vừa đi vừa ho. Tập ho cho thật nhiều , ho như chưa từng biết ho trong đời . Người ho lao là người muốn ho lao ; tôi không muốn ho lao, tôi chỉ muốn ho khan cho bay đi những cơn mưa phùn tưởng tượng . Dưới kia thung lũng là cỏ khô . Một dấu chấm , một dấu phết , một dấu sắc và một dấu huyền. Tất cả còn lại… (Bay đi những cơn mưa phùn_ PHẠM CÔNG THIỆN)

 

Hôm ấy tôi trở về nhà trong cái tâm trạng mê mê . Phố xá vẫn buồn hay hình như buồn . Đài phát thanh lại báo tin , lo lắng , hoang mang . Tôi tưởng tượng đến khuôn mặt của bố mẹ mình khi cứ thấp thỏm tin tức thằng em tôi đang đóng quân ở một cánh rừng nào xa lắm .

Trời tháng tư , hàng cây đường Nguyễn Du bỗng sẫm tối , những quán cà phê vắng khách , chỉ vài thanh niên trẻ ngồi với khuôn mặt bất động , tôi thầm nghĩ …họ đang tập ho khan như nhân vật “hắn” trong cuốn sách tôi vừa đọc .. tiếng nhạc từ quán vang ra … “ Anh sẽ ra đi …chẳng mong ngày về”... tự nhiên buồn muốn khóc .




Tôi
mất "Bay
đi những cơn mưa phùn" cùng nhiều cuốn sách khác sau đó, bố tôi đem đốt hết , ông sợ . Tôi đã khóc khi mất những quyển sách thân yêu gắn bó với mình bằng ấy thời gian và nhiều đêm sau đó tôi hay nằm mơ thấy lửa . Thi thoảng tôi vẫn thèm đọc lại cuốn sách đã để lại cho mình những ấn tượng khó quên dù rằng sau này tôi còn được đọc “Im lặng hố thẳm” của Phạm Công Thiện nhưng tôi vẫn ray rứt nhớ cuốn sách có hình ảnh tháng tư và những cơn mưa phùn Paris .


Sinh nhật tôi năm ngoái , một buổi sáng tháng tư, Liên (ngongnghenh) mang cho tôi một gói nhỏ quà mừng sinh nhật - nó chính là cuốn sách trong giấc mơ tôi , nó là "Bay đi những cơn mưa phùn" , cuốn sách y hệt cuốn sách tôi bị mất cách đây nhiều năm. Liên biết tôi ước mơ được có lại quyển sách , Liên lại là vua săn lùng sách cũ , không chỗ nào có sách cũ mà không có nó xuất hiện . “ Ông chủ tiệm sách bảo là e rằng cả Saigon bây giờ chỉ còn lại quyển này thôi đó cô” Liên bảo tôi như thế .


Tôi thầm cảm ơn Liên , có thể Saigon còn dăm ba quyển nữa thì vẫn không ngăn được niềm vui của tôi khi được cầm lại quyển sách mình đã mất nhiều năm , mình ước mơ có lại nhiều năm …một quyển sách có tháng tư và những cơn mưa phùn Paris , có tôi một chiều mưa đã xa , mê mê , hoang mang , ngơ ngác giữa nhiều biến cố sắp xảy ra .


Tôi đọc lại Bay đi những cơn mưa phùn trong tâm hồn của một người quá lớn , quá bình tĩnh , quá chai sạn . Không còn cái tâm trạng mê mê của con bé nhạy cảm , hay buồn và hay mộng mơ ngày xưa nữa ,không còn cái cảm xúc của một người trẻ ngổn ngang nghĩ suy giữa bao nhiêu dấu hỏi … và đó cũng là điều nuối tiếc …nuối tiếc đến bối rối , nuối tiếc đến hẫng lòng.


Tối nay … vâng , tối nay tôi sẽ đọc lại Bay đi những cơn mưa phùn .



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Bài học ngoài chương trình...




Cô sẽ bắt đầu buổi học hôm nay bằng một bài học ngoài chương trình …” Tôi tuyên bố thế với lũ trẻ .. thằng Nghĩa nhướng đôi mắt to lên hỏi tôi : “Dzậy là sao cô ..?”, mấy đứa khác nhốn nháo : “Mở máy chiếu hả cô ?” .Tôi giơ tờ báo : “Bài học từ báo ..” Và bắt đầu đọc cho lũ trẻ nghe câu chuyện từ cái hoang tàn đổ nát của nước Nhật …

 

BÀI HỌC TỪ CẬU BÉ 9 TUỔI Ở NHẬT

 

Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

 

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.

 

Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

 

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

 

Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

 

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.

 

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

                                         HÀ MINH THÀNH _LÊ NGUYÊN MINH  

                                                   (Báo Tuổi Trẻ ngày 18.3.2011)


Lũ trẻ im lặng suốt thời gian tôi đọc bài báo . Tôi thì cố đọc chậm để nén xúc động của mình nhưng có lẽ tụi nhỏ nhìn thấy tờ báo run trong tay tôi ,chúng thấy được giọng tôi có lúc nghẹn lại và ánh mắt tôi bắt đầu ngấn nước ….. Im lặng bao trùm lớp học vài giây khi tôi đọc xong bài báo,
tôi kịp thấy vài đôi mắt ngấn lệ , cái miệng mím chặt của lũ trẻ … thẳng Nghĩa thở  hắt ra một cái rồi nói , giọng nó mỏng tang : “Tội quá hén cô ?” Tôi buông tờ báo …nhìn cả lớp rồi hỏi : “ Chỉ tội thôi sao ? các con còn thấy gì nữa không ?” Lũ trẻ im lặng rồi thằng Hải rụt rè : “Bạn ấy tốt quá cô ơi !” . Tôi cố tình làm khó chúng : “Sao mà tốt?” cô bé lớp trưởng nói nhanh : Bạn ấy biết nghĩ đến người khác phải không cô …”

 

 

Một cảm giác nhẹ lòng … điều tôi muốn lũ trẻ của tôi hiểu thì chúng đã nhận được. Tôi gấp tờ báo …giới thiệu qua về tác giả bài viết và nói với chúng về một dân tộc cứ ngời ngợi những điều kỳ lạ từ những đau thương đổ nát trong những ngày này …

 


Bằng một cuộc trò chuyện thân tình và những câu hỏi như đùa của tôi,  lũ trẻ vạch ra những hình ảnh trái ngược từ những cái gần chúng nhất với những điều chúng nghe tôi kể về tinh thần Nhật Bản : về tính kỷ luật, tinh thần tương trợ, sự lạc quan và tính cộng đồng của họ … Một dân tộc với một tinh thần đáng tự hào như thế …thì không có gì đánh ngã họ được kể cả sự độc ác của thiên tai …

 



Tôi muốn học trò tôi nhìn lại những điều từ chúng , quanh chúng để làm một sự so sánh đơn giản, để tự chúng rút cho mình những điều cần phải học …

 

Tôi muốn học trò tôi hiểu rằng cái vĩ đại của một dân tộc không chỉ là lòng tự hào về cái quá khứ anh hùng mà chính là sự thể hiện cách sống trong hiện tại …

 


Tôi ngắm những đôi mắt trong veo chăm chú nhìn minh …

Bài học ngoài chương trình chừng như quá đạt yêu cầu mà không cần có khách dự giờ phê chuẩn …

 

Một ngày đẹp biết bao !!!



Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Nhớ vạt áo xưa....




Buổi chiều có công việc chạy qua một con đường khá vắng …tôi gặp hai cô bé áo dài trắng đứng loay hoay với chiếc xe đạp … đến gần thấy cái gật đầu chào mới nhận ra một trong hai đứa là học trò cũ của mình, một đứa cứ ôm cái cặp che ngực .. vạt áo bị nghiến vào cái bánh xe sau đứt hết hàng nút bấm làm con bé lúng túng muốn khóc … Tôi dựng xe, đưa cái áo khoác cho con bé rồi loay hoay cùng gỡ cái vạt áo trắng bị nghiến bởi sợi dây xích …Mướt cả mồ hôi tôi và đứa học trò mới lấy được cái vạt áo bị nhớt đen xì ra khỏi sợi dây xích . Hai đứa trao cái áo khoác cho tôi, lí nhí cám ơn rồi chở nhau đi khuất khúc quanh… để lại phía sau tôi một vạt trắng tinh khôi ...hắt sáng chút nắng chiều.


Tự dưng mà tôi nhớ Thu Sâm quá . Ngày xưa, tôi cũng thường chở nó loanh quanh những con đường Saigon bằng chiếc xe đạp mini trắng của mình. Vạt áo trắng của chúng tôi cũng trắng những góc đường nắng vàng mùa hạ . Trước ngày rời Saigon, nó còn bảo tôi chở quanh Saigon lần cuối …qua Văn Khoa , qua Gia Long , Nguyễn Du rợp bóng cây, qua Hồ Con Rùa rồi đại học Luật Khoa … nắng Saigon lung linh cái thứ vàng như lụa ...


Cũng phải hơn 30 năm chúng tôi xa nhau , những năm đầu còn nhận được thư nó …sau đó mất bặt tin đến bây giờ ....Đường đời trăm ngã rẽ …bỗng một hôm nào nhớ quá bạn mình cái thời áo lụa ..tóc bay.


ÁO LỤA
(một bài viết cũ)

 
Tôi luôn có cảm giác thời mình vừa lớn , Saigon hình như thưa thớt hơn và trong lành hơn với những hàng me xanh đến ngát cả lòng, Saigon vẫn cái nắng vàng trong trẻo nhưng không bỏng cháy, bằng chứng là thời ấy, chúng tôi không biết đến những cái khẩu trang che kín mặt như bây giờ.


Ngày ấy,Saigon phố rộng thênh ,ta dễ bắt gặp những mái tóc bay, những cái nón lá hiền lành ,xanh biếc cái nhìn và những nụ cười thiếu nữ. Có rất nhiều trang phục nhưng áo dài luôn là trang phục thường thấy ở những thiếu nữ Saigon thời ấy .Áo dài đi học , áo dài đi lễ, áo dài đi đám cưới, áo dài đi party, áo dài dạo phố .Những vạt áo bay khuất một góc phố ,trắng một con đường tan học … làm ngơ ngác không ít những ánh mắt nhìn theo.


Ngày ấy vào lớp đệ thất (lớp 6 ) chúng tôi đã phải mặc áo dài đi học Cái tuổi còn ham nhảy nhót chơi đùa , chưa biết làm dáng như các cô bé lớp sáu bây giờ , người suôn đuột như cái que kem , đứa nào đứa nấy mặc áo dài nhìn chắc buồn cười lắm nhưng chúng tôi thì không để ý đến điều ấy .Áo dài cũng nhảy dây , cũng chơi u , cũng ngồi bẹp xuống góc sân trường mà đánh đũa . Nhớ lần đầu mặc cái áo dài trắng đi học , hai vạt áo cứ làm tôi vướng víu khó chịu , tôi vén vạt áo dài, một tay ôm cặp, một tay khư khư nắm vạt áo . Lũ bạn tôi thì mặc áo dài đi lễ đã quen nên chúng cứ nhìn tôi cười ngặt ngẽo.


Chúng tôi lớn dần , cái áo dài cũng dần đẹp ra trong dáng dấp thiếu nữ Ngày ấy những cái áo dài có vạt nhỏ và ngắn luôn đi với quần sa-tanh đen bóng, ống rộng , chân mang guốc hoặc những đôi giày trắng . Buổi sáng , trời Saigon trong veo bởi những vạt áo trắng xuống đường .Biết bao bài hát mang mang hình ảnh hai vạt áo xinh xinh con gái .


Áo dài theo tôi lên đại học .Tôi thích thú khi lần đầu được mẹ may cho một loạt áo dài nhiều màu để vào Đại học , những cái áo bằng tơ lụa màu hồng , màu trắng ,màu xanh nhạt, có cả cái áo lụa tím mà tôi thích nhất .Ngày ấy con gái Văn Khoa nổi tiếng đẹp và ăn mặc mốt nhất trong các trường Đại học nhưng bao giờ áo dài cũng chiếm số đông trong mỗi buổi đến trường .



Sau tháng 4 năm 1975 ,ngày trình diện thành đoàn để nhận công tác đầu tiên dành cho thanh niên sinh viên thành phố, không ít đứa trong bọn tôi bị đánh giá là còn tác phong “tiểu tư sản” khi mặc áo dài đến trình diện – trong đó có cả tôi – sau lần ấy, không bao giờ tôi đến theo lời triệu tập của Ban đại diện sinh viên Văn khoa – tôi bỏ Văn Khoa với nỗi buồn không sao hiểu được .


Áo dài có một thời vắng bóng trên mọi góc phố ,trên mọi hoạt động kể cả các hoạt động văn hóa, truyền thống . Nó được xem như một hình ảnh xa xỉ , lạc điệu .Tôi gấp hết những chiếc áo dài cũ của mình cho vào tủ … không dám nhìn đến vì sợ mình sẽ khóc . Đến giai đoạn khó khăn nhất , những chiếc áo dài của tôi cùng nhiều thứ khác rời khỏi ngôi nhà chúng tôi …và không bao giờ còn có dịp nhìn lại .



Năm ngành giáo dục kêu gọi mặc áo dài đi dạy lại là những năm đồng lương giáo viên không đủ ăn, lấy đâu mua áo dài ? May trường tôi dạy cũng là ngôi trường có nguồn thu từ cantin trường cao nhất trong Quận lúc bấy giờ nên mỗi GV được tặng một bộ áo dài . Sau nhiều năm , lần đầu mặc lại cái áo dài, tôi nắm hai vạt áo rưng rưng nhớ con bé lớp sáu một thời đã xa….


Áo dài đã không còn xa lạ với những cô gái , những người phụ nữ hiện nay nhưng lại không là thứ trang phục được ưu tiên chọn trong mọi sinh hoạt của đời sống bây giờ. Thời buổi mà mọi cái đều được tính toán từng giờ từng phút, chừng như không hợp lắm với hình ảnh thướt tha , bay bổng của hai vạt áo bay .Ngay cả chúng tôi , mỗi tuần cũng chỉ mặc áo dài vào sáng thứ hai thế mà đôi khi có người còn than thở rằng vướng víu nóng bức .
Trời Saigon trắng hay áo em trắng?
......

Tôi nhớ những bài thơ , bài nhạc làm say lòng thời mình vừa lớn :
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay
 (Nguyên sa)


Em tan trường về
Đường mua nho nhỏ
 Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
 (Phạm Thiên Thư)

Hình ảnh chiếc áo dài là hình ảnh của một trong nhiều thứ đã cũ nhưng luôn luôn đẹp . Giữa bộn bề của cuộc sống , giữa tất bật của công việc hàng ngày , giữa cái mong manh của trí nhớ… một hôm nào bỗng mềm lòng khi thấy một vạt áo bay ….

Photobucket

Đi học
PhotobucketBầy chim áo trắngPhotobucket 

Nụ cười nghiêng nắng
Photobucket


    Dịu dàngPhotobucket

     Cô, trò và mưa Saigon  
                            Photobucket
.......
Tung bay tà áo tung bayPhotobucket



Photo : nguồn từ Internet

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Khi quyền lực biến thành ..cái ác




“Quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức”. (Force always attracts men of low morality_ Albert Einstein_ ) ..tôi tình cờ đọc câu này trong một quyển sách ở thư viện trường trong một tiết trống …khi mà lòng cứ nặng trĩu những điều đọc được từ những trang báo mỗi ngày….



Hình như chưa lúc nào người ta lại cảm thấy cuộc sống bủa vây nhiều bức bối , căm phẫn với những điều nhìn thấy mỗi ngày như hiện nay. Hình như chưa bao giờ quyền lực được người ta “giương cờ” một cách vô tội vạ trong từng ngõ ngách cuộc sống như  bây giờ.


Người ta lấy quyền là người chấp pháp ra để bẻ cong sự thật , để giết một mạng người chỉ vì họ kháng cự lại cái thứ quyền lực vô lối . Người ta lấy quyền của “người thầy” ra để sẵn lòng đưa những đứa học trò ngây thơ của mình vào con đường xấu xa, để nhiếc mắng học trò bằng những lời thiếu tính giáo dục . Người ta lấy quyền là người “có trách nhiệm với dân ” ra để ký những cái hợp đồng làm lợi cho dân thì ít …mà làm lợi cho mình thì nhiều .Người ta lấy cái quyền của người được giao giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội để cấm đoán , ngăn chặn cái này hay cái khác mà quên đi cái quyền tối thiểu của cá nhân…Người  ta mang cái quyền của người đứng đầu cơ quan ra để trù dập , đì đọt những người thẳng thắn dám đấu tranh với những sai trái.


…Rồi người ta mang cái quyền của người chồng , người cha trong gia đình ra để bạo hành vợ con , thậm chí ngay mấy đứa trẻ cũng mang cái “quyền trẻ em” được những “người lớn cũng có quyền” trao cho để hành xử ngay với người đang dạy dỗ chúng , mang cái quyền của kẻ mạnh hơn để hành xử tàn nhẫn với bạn mình  Một xã hội bất ổn ngay từ những cái quyền rất ư hợp pháp ..



Thường thì đi với quyền lực luôn có bóng dáng của trách nhiệm. Khi trách nhiệm được thi hành một cách nghiêm minh thì quyền lực không cần phất cờ vẫn cứ phổng phao vì được mọi người chấp nhận và tôn trọng. Khi những người có trách nhiệm phải mang cái quyền ra đe nẹt bắt buộc người khác tuân theo có nghĩa là cái phần trách nhiệm của anh có vấn đề … Sức mạnh của quyền lực dựa vào lòng tin … khi không có lòng tin, quyền lực không còn giá trị , quyền lực lúc ấy trở thành “cái ác” …  “Cái ác” luôn núp trong “cái quyền” để đợi cơ hội lớn mạnh …



Quyền lực còn đi với cái hấp dẫn hơn nữa đó là “danh lợi” . Bây giờ thì quyền lực và danh lợi trở thành hình và bóng … Cứ có quyền tất nhiên có lợi … Cứ thử một vòng quanh ta xem …có ai có quyền mà chẳng có lợi không ? Và khi quyền lực và danh lợi thân mật gắn bó …tức thì trách nhiệm chẳng còn chỗ chen chân, nó chỉ là cái cớ để quyền lực và danh lợi phất cờ …. Chỉ khi nào “quyền lực” và “danh lợi” bị hỏi tội thì “trách nhiệm” lập tức được triệu hồi để cân đo đong đếm …



Bây giờ chẳng ít kẻ lợi dụng quyền lực và trách nhiệm để củng cố danh lợi . Quyền lực càng to … trách nhiệm càng cao …danh lợi càng đầy …từ đó việc mua quan bán chức trở thành “một thị trường” náo nhiệt và gay gắt không kém … Và chừng như càng ngày với quyền lực và danh lợi người ta càng trở nên vô cảm hơn, tàn nhẫn, ác độc hơn….



Thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó những hành vi đẹp từ những con người bình thường, những con người chẳng có quyền , chẳng có tiền tài danh lợi nhưng trách nhiệm với tha nhân được họ làm một cách trong trẻo vô tư cứ như một làn nước trong lành dội vào lòng những ngày nắng nóng … nhưng những con người bình thường như thế lại dễ là nạn nhân của quyền lực _ cái thứ quyền lực gần như là tội ác .



Suy cho cùng quyền lực của cái ác chỉ còn khi người ta chưa mất mọi thứ , còn khi người ta mất hết rồi thì quyền lực lại chẳng còn là con số không hay sao ..?



Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Em_người đàn bà đi về phía gió ...

                    Ngờ nghệch và thẳm sâu
                    Em _ người đàn bà đi về phía gió_
                    Nơi tình yêu mênh mông giông tố
                    Nơi giấc mơ chạm quên nhớ một thời
                    Gió và Em
                    Nỗi buồn và chơi vơi
                    Nghiêng lay lắt một vầng trăng mỏng
                   

                    Tháng ba
                    Cơn mưa lóng ngóng
                    Tạt vào lòng phố quen
                    Em đi về phía gió , phía em
                    Trăm sợi tóc vắn dài thương nhớ
                    Anh ào ạt tựa ngàn cơn sóng vỗ_
                    Rồi xa…
                   

                    Dịu dàng em…
                    Dịu dàng tháng ba…
                    Em_ người đàn bà đi về phía gió_
                    Gió thổi mãi …gió có thương đời gió ?
                    Em dỗ em … bạt gió một phương về
                   

                    Tháng ba…  trắng ngát một cơn mê
                    Ngờ nghệch,
Em ....
                    Người đàn bà đi về phía gió ….

Đọc tiếp ...