Tháng tư gần qua …thấp thoáng đâu đó trên những con đường tôi qua mỗi ngày là cái nhìn tinh khôi của những chùm phượng đỏ đầu mùa . Mùa hè đến , mùa thi về …bắt đầu những ngày chạy nước rút …. Một số cô giáo trẻ trường tôi than vãn : “Gần thi rồi mà mấy đứa nhỏ nó lười quá cô ơi …lười mà còn lì nữa, nói riết không nghe … mà chẳng dám la mắng hay đánh roi nào ” . Tôi cười nói đùa …“Cứ đánh đi rồi …mai thành người nổi tiếng”. Dạo này cứ giở tờ báo nào ra là cũng ngán ngẩm vì những hiện tượng không vui của ngành .Có hôm mẹ tôi bảo : “Đọc báo thấy học trò bây giờ sợ quá ,con nói với con út đứa nào học thì học không học thì thôi đừng la mắng, khẻ tay nó mà mang họa đấy…” .
Bạo lực bây giờ xảy ra khắp nơi : sân cỏ cũng có bạo lực , bến xe cũng có bạo lực, hội hè cũng có bạo lực , đường phố cũng có bạo lực …nhưng bạo lực trong nhà trường lại là hiện tượng bất thường , một hiện tượng đau lòng một nỗi nhức nhối của xã hội .Hiện tượng thầy đánh trò ,trò đánh trò …rồi đến cả trò đánh thầy nghe cứ rát cả tai …nghe cứ đau cả lòng . Bao nhiêu năm làm nghề chưa bao giờ tôi có cảm giác xót xa nghề mình như thế …
Có hôm vào một trang blog của một bạn trong friend list , thấy một bài viết có hình một cô giáo đang nhéo tai một học sinh , bên cạnh là những học sinh khác có lẽ đang chờ đến phiên mình … một hình ảnh đúng là phản cảm được chính các em chụp lại để làm bằng chứng tố giác cô giáo mình ..Tim tôi cứ nghẹn lại . Tôi nhìn bức ảnh … cô giáo chắc phải giận lắm , hành động của cô bây giờ là hành động của sự tức giận không kềm nén được thế kia mà … Tôi tự hỏi : Các em đã làm gì để đến nỗi cô giáo mình phải nổi cơn như thế …chắc chắn không là chuyện bình thường … ngay cả việc dám chụp lại hành động xử phạt của cô cũng cho thấy học sinh bây giờ khác hẳn cái thời những người cùng lứa với tôi đi học .
Vâng , mọi cái bây giờ đã quá khác …những đổi khác không thể không có nhưng những đổi khác xấu đi là vấn đề ta cần suy nghĩ . Tôi chợt nhớ những cái roi thời mình đi học .
Ngày học lớp mẫu giáo ở ngôi trường của các soeur tôi đã nhìn thấy những cái roi mây dài đánh thẳng xuống tay những đứa trẻ không tập trung trong giờ học là tôi và bạn bè tôi thời ấy .Các soeur cũng không ngại ngần nhéo những cái tai non nớt mong manh của chúng tôi để lại những vết đỏ như son hay tím bầm rướm máu . Tôi nhớ những cái khẻ tay của người thầy dạy tôi năm tiểu học , những cái quất nện xuống mông đám con trai làm tôi xanh cả mặt . Tôi nhớ thầy Chu Ngọc Thủy _ giáo sư nổi tiếng môn Sinh vật của Saigon ngày ấy và những cái khẻ tay không nhân nhượng của thầy với cả những tu sĩ học cùng lớp với tôi năm thi Tú Tài II. Nhưng chưa bao giờ tôi bắt gặp sự phản kháng của bọn trẻ chúng tôi với những cái roi của thầy cô , chưa bao giờ tôi thấy một sự phản kháng nào của một phụ huynh học sinh với giáo viên đã xử phạt con mình thời ấy. Và tôi chắc rằng, không có đứa học trò nào ngày ấy, bây giờ nhớ lại những “cái roi” để giữ lòng thù hằn với thầy cô của mình, chưa kể, không ít người mang ơn những cái roi một thời như những lời nhắc nhở , như cái dắt tay giúp họ thành người .
Cái roi … tôi cho rằng thời nào cũng thế…nhưng những cái đánh xuống thì hình như không còn mang cái giá trị của sự bảo ban , nhắc nhở như ngày xưa nữa…nó được thay bắng một cụm từ giống một “cái roi” khác chua chát hơn đánh vào cái tâm người thầy :“vi phạm nhân cách học sinh” . Đôi khi tôi cứ tự hỏi : Thật ra thì vị trí người thầy bây giờ là ở đâu ? Nếu chỉ ở trên bục giảng thì người thầy chỉ là “người thợ _ thợ dạy”_. Nếu ở dưới bục giảng thì người thầy chỉ là người bán chữ …mà xem chừng món hàng bán ra sòng phẳng đến đau lòng . Người đi dạy chỉ là “người thầy” khi bản thân họ đúng là thầy và khi họ thực sự được tôn trọng như một người thầy.
Nói thế không hẳn là tôi ủng hộ việc giáo dục bằng đòn roi …Nói thế không phải tôi bào chữa cho một số thầy cô dùng cái roi như một phương pháp giáo dục, như một cứu cánh cho sự bất lực của mình. Nói thế chỉ là tôi muốn nhắc lại rằng đã từng có nhiều thế hệ trưởng thành từ những “cái roi” ấm áp tình yêu thương, những cái roi mà xã hội chấp nhận như một lời giáo huấn : “thương cho roi cho vọt” hay “đòn đau nhớ đời” .Nói thế để thấy rằng khi người thầy giơ cái roi lên không bởi những áp lực , không bởi cơn giận quá độ và khi nện cái roi xuống nó trở thành cái đánh từ lòng yêu thương tôi tin rằng đó là những “cái roi” nhân bản và đầy tính giáo dục …mặc dù nếu không phải dùng đến cái roi vẫn là tốt biết bao .
Không biết có phải là quá không khi tôi cho rằng hình như chưa bao giờ lại có một thế hệ học trò “phát huy cái quyền” của mình cao độ đến … đáng lo như bây giờ … và cũng chưa bao giờ lại có một thế hệ người thầy ngơ ngác vì bị tổn thương như hiện nay .Khi người ta nói đến cái quyền quá nhiều với lũ trẻ , khi người ta gán cho những cái roi , những lời la mắng là “vi phạm nhân cách” với những con người đang được học “thế nào là nhân cách” mà quên dạy chúng biết thế nào là trách nhiệm của mình đối với bản thân, đối với thầy cô ,với cha mẹ ,với cộng đồng thì quả là sai lầm …và cái hậu quả chính xã hội này sẽ phải gánh chịu.
Có lẽ nên có một cái nhìn khác trong cách giáo dục bọn trẻ .
Có lẽ nên có một cái nhìn khác về vai trò người thầy trong mối quan hệ với học trò , với xã hội hiện nay …
Hãy trả lại người thầy cái chỗ đứng của họ trong ánh mắt tôn kinh của học trò , trong sự tôn vinh thật sự của xã hội chứ không chỉ là những mỹ từ nổ như pháo hoa trong ngày 20 tháng 11 hàng năm .
Hãy trả cho “cái roi” giá trị thực sự của nó _ cái giá trị khởi đi từ cái bắt đầu giơ lên của chính người thầy. Và người làm công việc giáo dục chỉ thực sự xứng đáng đứng vị trí của mình khi chính mình hiểu hơn ai hết cái giá trị thật sự của “người thầy” trong ánh mắt của đám trẻ nhỏ kia.
Trong số những học sinh từng chụp lại những bức ảnh nhằm tố cáo hành vi của cô giáo mình , những học sinh đã từng vung tay đánh lại thầy mình để phản kháng những cái roi … có thể sẽ có những em rồi sẽ làm thầy sau này …. Mong rằng khi ấy các em sẽ hiểu hơn tấm lòng của những người thầy đã từng bị quất lại bằng những “cái roi” còn đau gấp ngàn lần cái roi họ từng cho các em với ý định tốt đẹp .
“Lương sư hưng quốc” _ Tôi nhớ cái tấm biển đỏ khắc chữ vàng nằm trang nghiêm trong phòng giáo viên ở ngôi trường cũ … Có lẽ bây giờ ngay cả những “lương sư” cũng chừng như chỉ biết thở dài…
Tháng tư sắp qua …mùa hè đầy nắng ….