Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Đâu chỉ có người lớn cô đơn...



Con bé ngồi tựa vào lòng mẹ, im lặng quan sát những người đồng bệnh trong căn phòng CT xcan đầy người qua lại hoặc ngồi chờ đến phiên. Đầu trọc lóc, khuôn mặt xanh xao mệt nhọc, bệnh ung thư hành hạ cái tuổi 12 của em đến cay nghiệt. Người mẹ cũng im lặng , thỉnh thoảng vỗ vai đứa con của mình như an ủi nhưng dường như cả vùng ngực ấm áp, cả bàn tay thân quen của mẹ vẫn không xóa được nỗi cô đơn trong đôi mắt thẫn thờ của cô bé. Căn bệnh quái ác đã tàn phá tuổi thơ của em , đã lôi em ra khỏi lớp học với bao nhiêu bạn bè và những ngày vui, đã hành hạ em trong những cơn đau mà vòng ôm của mẹ và đôi mắt xót xa của cha cứ nhạt nhòa dần….

Tôi biết, ngay lúc đó, em đã rơi vào cái khoảng không cô đơn mênh mông, nơi không có cánh đồng hoa mùa xuân hay phong lì xì mới toanh của ông bà sáng mùng một tết, nơi không có sân trường loang loáng tiếng cười đỏ tươi màu phượng vĩ, nơi không có những giấc mơ mà thỉnh thoảng em vẫn thấy mình níu áo thằng bạn học nghịch ngợm hay cười đùa với cô bạn ngồi cùng bàn, nơi mọi thứ cứ phôi pha dần mà chỉ có sự ác độc của những cơn đau là có thật. Tôi nhìn em và tự nhủ : Đâu chỉ có người lớn cô đơn !





Thằng nhỏ hỏi tôi : Mấy giờ rồi cô ? Tôi trả lời rồi nhìn khuôn mặt sáng sủa, bộ quần áo tuềnh toàng sứt cái nút trên cùng và đôi mắt lo lắng của nó hỏi lại: “Sao con ngồi đây một mình?” Thằng bé cúi đầu lí nhí : “Con chờ ba mà ba đến trễ quá, má con mệt.” Hàng ghế đầy những bệnh nhân chờ khám bệnh, chẳng ai chú ý đến thằng nhỏ, có lẽ họ tưởng nó là đứa trẻ theo bố mẹ vào thăm người thân như nhiều đứa trẻ khác, chẳng ai biết nó là người nuôi bệnh nhỏ tuổi nhất trong cái bệnh viện đầy người này.
 Mẹ bị ung thư, nhà nghèo lại neo đơn, bố phải đi làm để kiếm tiền nuôi nó và chữa bệnh cho người vợ ốm đau. Ngày thường, anh gửi chị cho người nuôi bệnh ở cùng phòng để đi làm, trưa anh ghé xin xuất cơm từ thiện mang vào bón cho vợ rồi lại tất tả trở lại công trình. Sáng sớm anh lại từ bệnh viện trở về nhà bắc nồi cơm để đứa con trai nhỏ ngủ nhờ nhà hàng xóm về ăn sáng, ăn trưa. Nghỉ hè, thằng bé thay cha vào chăm sóc mẹ .

Tuổi thơ của nó là những ngày một mình với bữa sáng bữa trưa qua quít bố nấu vội trước khi đi làm, là đôi mắt mở to hốt hoảng trước cơn đau của mẹ, là giờ ra chơi đứng một góc sân trường thèm cái bánh hay ly nước ngọt bạn cầm trên tay, là những đêm nằm co ro bên cạnh đứa con nhà hàng xóm mà mơ giấc mơ được nằm trong lòng mẹ. Chị nuôi bệnh cùng phòng kể với tôi rồi chặc lưỡi: “Ở đây nhiều hoàn cảnh thương lắm cô ơi..may mà có những bữa cơm từ thiện , không thôi…”. Tôi xoa đầu thằng bé, lòng cứ rưng rưng muốn khóc. Đâu chỉ có người lớn cô đơn…!!





Cô bé khóc nức nở ngay khi gặp cha đến đón ở cổng trường ngày bế giảng và khe khẽ trách móc : “Sao ba không đóng tiền học cho con để con không được nhận phần thưởng cuối năm”. Ông bố sững sờ trước lời trách móc của cô con gái … Anh vuốt tóc con nói nhỏ : “Ba xin lỗi..ba quên”. Anh nổ xe, khuôn mặt thẫn thờ, ân hận, cô bé con đưa tay quệt nước mắt. Anh thầm trách nhà trường đã làm tổn thương đưa con gái bé nhỏ của mình. Anh không quên nhưng tháng này đứa con nhỏ ốm nhập viện, tiền lương ít ỏi của anh chỉ đủ lo đóng tiền nhập viện, thuốc men cho con. Vợ chồng anh cứ nghĩ đơn giản , tiền tháng cuối năm học anh sẽ đóng vào đầu năm khi đến xem danh sách xếp lớp cho con như một số bạn bè anh bảo nhà trường vẫn chấp nhận như thế những năm học trước. Năm nay nhà trường quy định khác mà anh không hề biết, nếu biết con gái anh sẽ bị tổn thương trong ngày cuối cùng của năm học thế này thì anh đã đi vay mượn để đóng.


Đồng nghiệp kể cho tôi nghe những câu chuyện không vui về ngày bế giảng năm học. Tôi tưởng tượng những cô cậu bé _ như những học trò tôi ngày xưa_ hớn hở chờ đón giờ phút được xướng tên lên sân lễ trong phần phát thưởng.. Chúng chịu đựng cả một buổi lễ dài với vô số phát biểu, thủ tục trong cái nắng nóng mùa hè chỉ để chờ giờ phút được cầm trên tay chút phần thưởng dù là ít ỏi như một cái mộc đỏ công nhận sự cố gắng của mình trong cả năm học. Chúng không hề biết những người lớn đã dựa vào những quy định khắc nghiệt mà cuộc sống dù vẫn có những thật thà, hòa ái vẫn vốn vô tình, vô cảm này để tước đi niềm vui, sự hớn hở mà có thể các em đã có một đêm khó ngủ để chờ đón nó..

Tôi tưởng tượng những cô cậu bé thẫn thờ rưng rưng nước mắt nhìn bạn bè mình hớn hở với gói phần thưởng trên tay mà đáng lý ra chúng cũng được như thế. Lỗi không thuộc về những đôi mắt trong veo ngân ngấn nước kia, cái lỗi nếu có lại bởi những khó khăn mà ba mẹ chúng đang từng ngày chịu đựng. Tôi tưởng tượng những đôi mắt rưng rưng , những cái đầu cúi xuống , những lời thầm trách móc cha mẹ mình của lũ trẻ thơ ngây ấy mà…nhói lòng. Các em đang vùng vẫy với nỗi cô đơn do sự tổn thương….nơi mà những khuôn mặt thầy cô, cha mẹ trở thành những điều khó hiểu… Đâu chỉ có người lớn cô đơn !



Tháng sáu… đang qua, mùa hè chỉ mới bắt đầu.
Tôi cũng đã có những ngày bị bủa vây bởi cái cảm giác cô đơn mênh mang như thế… nhưng đâu chỉ mình tôi đã từng cô đơn, đâu chỉ có người lớn cô đơn… Trẻ con cũng cô đơn đấy chứ chỉ là người lớn không biết chúng đã từng vùng vẫy với nỗi cô đơn đấy thôi...!

13 nhận xét:

  1. Dai duong menh mong kia , ay chinh la nuoc mat............
    Bai viet cua chi lam em khoc...........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng đôi lần khóc như em đấy Lem Lém..

      Xóa
  2. Đành vậy gio ơi, đánh đổi sự cô đơn để được làm người, bất luận trẻ con hay người lớn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà cứ đối diện với những điều quanh mình vẫn thấy buồn anh Bu ạ.

      Xóa
  3. Trả lời bạn bên trang bu

    Gioheo may à, cái tuổi già nó thế, đi về điểm cuối lại ưa ngoái lại điểm đầu…Gio có một câu tuyệt hay “Tôi đi ngược chiều tháng Chạp nhưng cách gì cũng chạm tháng giêng” …mà chạm tháng giêng thì chạm tháng hai…tháng ba…tháng tư… tức là không thoát được cái vòng luẩn quẩn của kiếp người, có một nụ cười, có mười nước mắt. Bu tui đang cấp tốc đi vào phần cuối theo cái “đề cương” sinh lão bệnh tử của nhà Phật, cũng là của tạo hóa. Bệnh bu vào loại y học bó tay chấm com. May mà bu tui chăm đọc sách Phật, thấy nhân gian là là quán trọ, ở đấy dẫu có hay ho thì cũng phải trả phòng ra đi. Đi đâu ? đi về điểm khởi đầu trên hình xoáy ốc, tức được ở một tầm cao mới chăng… hehehe
    Lâu lâu lại đọc sách gio heomay tặng đọc và nhớ bạn, nhớ các bạn thời multy cồn cào

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gió cũng đang vật vã đấu tranh với căn bệnh quái ác..và cũng như anh , Gió xem sự Mất_ Còn là chuyện tự nhiên nên cứ thảnh thơi sống. Đi đâu cũng là về nơi khởi đầu anh Bu nhỉ?
      Dù sao vẫn cứ mong anh vui và tiếp tục sống với bệnh một cách an nhiên..

      Xóa
  4. Bu viết vào đây hai nhận xét nhưng quay lại thấy mất tiêu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gió cũng bị mất vài cái com của bạn trong vài bài , chẳng hiểu sao anh Bu ơi

      Xóa
  5. Thăm chị........Chóng khỏe lại chị nhé!

    Trả lờiXóa
  6. Có đó em, cái nỗi cô đơn của trẻ con!
    Chị biết nó, từng sống với nó, từng đau vì nó... cho đến bây giờ, thi thoảng nhớ lại vẫn thấy nghẹn ngang ngực. Bởi vậy, làm người lớn thì đừng bao giờ quên mình đã từng là trẻ con, đừng bao giờ quên rằng mình đã từng cô đơn, để tránh đến mức còn có thể, để đừng làm tổn thương đến trẻ con!

    Trả lờiXóa
  7. Nhà em hay thật -nhảy vào com bài từ năm nào ấy -
    Tối bình an em nhé -

    Trả lờiXóa
  8. ghé qua thăm nhà bạn đọc bài viết rất hay rất buồn . cuộc đời là thế !! vẫn còn có những mảnh đời như vậy. làm sao bây giờ thôi thì tháng 7 ơi ! mưa cứ mưa nhé.
    ĐH cũng mong gió luôn mỉm cười và cười.

    Trả lờiXóa
  9. bài viết hay quá, cảm ơn bạn đã chia sẻ. Qua đây mình cũng muốn chia sẻ địa chỉ cung cấp DV phiên dịch, dịch thuật đa ngôn ngữ, đa ngành nghề uy tín, nhanh chóng, chất lượng.... trên toàn quốc. Công Ty Phiên Dịch - Dịch Thuật A2Z, đơn vị cung cấp DV phiên dịch, dịch thuật số 1 tại Việt Nam. Điểm lợi khi khách hàng sử dụng DV phiên dịch, dịch thuật tại A2Z: tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, tăng khả năng thành công trong công việc, hoàn phí khi có lỗi từ DV. Tham khảo chi tiết ngôn ngữ phiên dịch, dịch thuật và địa chỉ: Phiên dịch tiếng anh tại Đà Nẵng, Phiên dịch tiếng Trung tại Hải Phòng, Phiên dịch tiếng nhật tại Hải Phòng, Phiên dịch tiếng trung Đồng Nai, Phiên dịch tiếng trung tại Bắc Giang, Phiên dịch tiếng trung tại Đà Nẵng, Phiên dịch tiếng Hàn tại Hải Dương, Phiên dịch tiếng Hàn tại Hà Nội,...............

    Trả lờiXóa