Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Đọc và ngẫm ...

 

ĐỌC
Chuyện thường ngày

SIÊU NHÂN TÀI


Vụ “hắt hủi nhân tài” bị lộ ra khiến nhiều nơi giật mình ngó lại . Tỉnh gõ cấp sở , sở gõ cấp phòng, phòng gõ cấp ban . Gõ nhau côm cốp và sau đó quyết tâm phải đưa chủ trương đẹp đẽ này đi vào cuộc sống một cách thuyết phục.


Và điều kì diệu đã diễn ra …
Khắp các công sở , băngrôn xanh đỏ giăng mắc với nội dung thống thiết: "Nâng niu nhân tài, không ai bị hắt hủi” , “ Một nhân tài, vài ký vàng” , “ Một nhân tài bằng hai nhân sự”… Nhiều nơi cơ quan bố trí nhân viên làm ngày thứ bảy, chủ nhật chỉ với một nhiệm vụ : tiếp nhận nhân tài .Hễ thấy bất cứ người trẻ nào vác đơn xin việc là tất cả nhốn nháo tranh nhau: “ Xin chào , bạn có phải là nhân tài không?” . Nhiều bạn trẻ đã xúc động khóc ướt cả tờ đơn xin việc.


Việc nhân tài được trọng dụng đã làm bùng lên cơn sốt chạy giấy chứng nhận nhân tài. Ở trường đại học người ta lập ra phòng nhân tài . Mỗi tỉnh có một ban nhân tài . Tình hình ngày càng căng. tới mức người ta phải chia nhân tài ra loại A , B , C hoặc cấp giấy chứng nhận màu đỏ , màu hồng , màu vàng.

Nhưng nhân tài nhiều quá, một số nơi lại phải chuẩn bị đề án mới: Chương trình thu hút siêu nhân tài. Nghe nói dự án này đang được triển khai

                   BÚT BI( Trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 21/10/2009)


NGẪM

Hy vọng là những việc trên đây chỉ là câu chuyện lửng tửng mua vui hoặc chỉ là cách châm biếm thói quen “ rút kinh nghiệm” mà những người có chức có quyền hiện nay hay dùng của anh Bút Bi thôi .Chứ sáng nay ngồi đọc bài báo này tôi muốn cười mà cười không nổi mặc dù tất cả các sự việc trong bài viết thật quá khôi hài …


Mấy hôm nay người ta bàn tán xôn xao về việc “hắt hủi nhân tài” ở tỉnh Nghệ An .Chỉ là cô bé Phan Thị Cảnh một sinh viên, đảng viên trẻ vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội theo tiếng gọi “thu hút nhân tài” của tỉnh để về quê xin việc làm nhưng khi về đến quê nhà cô đã bị hắt hủi, không nơi nào nhận ( Trang 11 báo Tuổi trẻ ngày 16.10.09)


Hoàn cảnh như cô bé Cảnh chắc không phải là hiếm trong không biết cơ man nào là những “nhân tài” xuất thân trong cũng không biết cơ man nào là những trường Đại học trong cả nước hiện nay.


Rất nhiều người trẻ là con cháu tôi , là học trò tôi đã nhiều lần bị “hắt hủi” như thế . Rồi chúng cũng phải tự tìm ra chỗ đứng , tự tìm ra con đường của mình khi cái ảo tưởng “nhân tài” kia bị phá vỡ thôi . Có đứa làm không đúng ngành được đào tạo , có đứa trầy trật đi dạy ở những trường tư thục , có đứa ôm bằng đại học ở nhà buôn bán phụ mẹ … Chuyện có gì mà ầm ĩ đâu nhỉ ? Đó là hệ quả của cách đào tạo nhân tài nước ta hiện nay thôi mà !!!!


Nhớ thời tôi đi học, cái bằng Cử nhân ngày ấy không phải là dễ có , để tốt nghiệp Đại học ngoài việc nghe thầy giảng ở giảng đường sinh viên chúng tôi phải tự nghiên cứu bằng nhiều nguồn sách tự tìm , học một cách miệt mài ,học một cách tự trọng .Thầy cô ngày ấy cũng thầy ra thầy nhiều hơn ,tôi không hề nghe cái từ “xin điểm” hoặc “cho điểm lấy tình” như bây giờ .


Sinh viên bây giờ không phải không có những em nỗ lực vừa làm vừa học , không phải không có những em thật sự giỏi nhưng số đó hiếm hoi biết bao .Nhưng ngay cả các sinh viên ưu tú này , khi ra trường không có lá chắn là thân thế ...liệu cái tài của các em có được trân trọng , nâng niu ? Liệu các em có cơ hội để góp phần mình cho đất nước , cho xã hội ? Nhiều em gia đình khá giả, trường Đại học chỉ là nơi đến cho vui , các em chỉ việc chơi game , đàn đúm café mỗi ngày rồi thì vẫn có bằng Đại học đúng tiến độ , thậm chí các cử nhân học giả mà bằng thiệt của chúng ta còn thẳng tiến là nghiên cứu sinh để tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ ,Thạc sĩ nữa cơ đấy !!!


Thế thì lấy gì để tin vào “nhân tài” từ những cái bằng cấp lấp lánh kia nhỉ ? Trong thực tế ngay ngành Giáo dục , có những sinh viên ra trường tốt nghiệp loại giỏi mà đứng lớp thì lọng cọng , kiến thức thì lỏng lẻo ,viết cái đơn xin phép còn chưa ra đơn …Có lẽ các em bị hắt hủi bởi niềm tin vào cái mảnh bằng đào tạo từ các trường đại học đã không còn giá trị .


Nói như thế không phải tôi hưởng ứng hành vi ‘hắt hủi nhân tài” . Chỉ là tôi đưa ra một cái nhìn của riêng mình , cái nhìn mà tôi nghĩ rằng những người có tâm với lớp trẻ , có tâm với đất nước sẽ còn đau đáu không nguôi với những trở trăn về cách học, cách dạy , cách đào tạo nhân tài của chúng ta hiện nay


Nói đến “nhân tài” _ Tôi lại chạnh nghĩ đến “ hiền tài” . Nếu nhân tài là người có tài , thì hiền tài là người có tài mà còn có đức .

Trên hàng bia đá trong Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội mà Lý Thánh Tông cho xây dựng năm 1070 để lưu danh những người học rộng tài cao , ích nước lợi nhà ,làm vẻ vang cho đất nước ,có ghi câu : Hiền tài là nguyên khí của quốc gia , nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà tiến lên , nguyên khí suy thì thế nước yếu và ngày càng xuống cấp” ( Thân Nhân Trung )



Nhân tài thực sự của ta đã hiếm hoi nên thật ra ta hy vọng tìm được bao nhiêu hiền tài trong đám nhân tài đó ??? Ta hy vọng có bao nhiêu hiền tài giữ được mình trong cơn giông bão đạo đức hiện nay ?Ta hy vọng có bao nhiêu nhân tài sẽ là hiền tài trong tương lai?

Giá mà ta có thể hy vọng….

44 nhận xét:

  1. [Nói đến “nhân tài” _ Tôi lại chạnh nghĩ đến “ hiền tài” . Nếu nhân tài là người có tài , thì hiền tài là người có tài mà còn có đức]
    Bạn Gió có thể ghi thêm ít dòng định nghĩa chữ Đức theo quan điểm của bạn được không?

    Trả lờiXóa
  2. - Một nhân tài vài kí vàng hhehehhe
    - Một chút Gió ..ló ra .....tiền ?? ak. ak. ak.

    Tội nghiệp các em Gió nhỉ, nhiều lúc biết cái đoàn thanh niên CS nó chẳng ra gì, nhưng mong nó mạnh mẽ để các em có chỗ bám víu, còn một tia hy vọng vào tiền đồ đất nước...
    Tiếc thay - hay vui thay - nó còn tã hơn cái mền rách rồi ...

    Trả lờiXóa
  3. CHia sẻ với chị! Mình trong ngành giáo dục mình hiểu hơn cả chị nhỉ? Chúc chị vui!

    Trả lờiXóa
  4. Chữ "Đức" không thể là quan điểm của riêng tôi ...Nó hình thành từ truyền thống của mỗi dân tộc , nó là sản phẩm của giáo dục từ gia đình , nhà trường và xã hội . Nó là giá trị của nhân cách sống .Nếu hiểu "Đức" ở đây là "Đạo dức" hoặc "Đức độ" thì cần gì phải giải thích thêm YS héng

    Trả lờiXóa
  5. @giaogia: Gió hổng nói gì đến đoàn đảng ngheng . Cái mà Gió muốn nói vẫn là cách đào tạo lệch hướng , bất hợp lý , thiếu kế hoạch và hơn hết là cách dạy người của GD hiện nay . Nhân tài ko có lấy đâu có hiền tài anh giaogia nhỉ ?
    @thugiang: Cám ơn Thugiang chia sẻ .Ta hiểu nên ta buồn hơn phải ko ?

    Trả lờiXóa
  6. Hỏi Gió câu đó không phải có ý hỏi khó...!
    Chẳng qua do có lúc người ta cho rằng, người có đức là người luôn "Trung với đảng, hiếu với dân" và nhất thiết phải có đảng tịch.
    Bởi vậy mới cần hỏi lại, xem quan điểm của Gió qua câu phát biểu trong entry, có giống vậy hay không thôi mà...!

    Trả lờiXóa
  7. Giờ thì 100% YS hiểu Gió nghĩ về chữ Đức thế nào rồi , há ???

    Trả lờiXóa
  8. Buồn phải không chị?
    Mong sao những nhà chức trách sớm có chính sách đãi ngộ thích hợp để chiêu giữ NHÂN TÀI.
    VÌ TRÊN THẾ GIỚI QUỐC GIA NÀO CÓ NHIỀU NHÂN TÀI... ĐẤT NƯỚC ĐÓ ĐỀU PHÁT TRIỂN VÀ THỊNH VƯỢNG !

    Trả lờiXóa
  9. Ngấm

    Chị Gió lại có một entry khiến đầu người ta thêm vài sợi tóc bạc và nửa nếp nhăn trên trán. Nhưng nếu không như vậy, chị sẽ không là chị Gió nữa, phải không? :)

    Tôi hoàn toàn chia xẻ những thao thức đau đáu của chị qua hình ảnh những người cháu và học trò của chị. Tôi cũng có hai đứa cháu sống trong nước. Hai đứa đều học rất giỏi, một đứa nhất nhì lớp, một đứa có thể nói là nhất khối lớp (xin lỗi, tôi không có ý khoe; cháu giỏi chứ không phải tôi giỏi :(, nêu điều này để thấy rõ nghịch lý hơn). Vậy mà xong đại học với số điểm cao, chúng nó vẫn không tìm được chỗ làm vì nhà xoàng chứ không giàu, không người "đỡ đầu". May mắn thay, nhờ một tình cờ, đứa lớn gặp được một "cổ thụ" ở địa phương tiến cử. Vậy mà cũng tốn tiền "quà" một năm lương và một gánh nặng ơn nghĩa oằn vai mẹ nó.

    Trở lại chuyện giáo dục, một lãnh vực tôi rất quan tâm, hè qua tôi có hỏi mấy đứa cháu khác sắp vô đại học về các môn học trong học trình. Chúng bảo vẫn phải học về CNCS, Marx, tư tưởng ông Hồ, ông Lê (Nin) gì đó đến 3, 4 học kỳ. Tôi hỏi học mấy môn đó để làm gì, người ta bắt thì phải học thôi, chả để làm gì cả!

    Chỉ nói riêng về đại học, thiếu đủ thứ: trang bị máy vi tính không đủ, nối mạng chậm như rùa, lại bị tường lửa tường khói, thiếu giáo sư giỏi, mất thời gian để nhét rác vào đầu, theo đài RFA sinh viên còn mất nhiều thời gian chạy từ trường này sang trường kia trong tình trạng kẹt xe gần như 24/24 ở Sài Gòn, chương trình chuyên môn lẹt đẹt sau người ta không biết bao nhiêu năm, thiếu phòng thí nghiệm, thiếu cơ hội thực tập, thiếu, thiếu, thiếu ... Thống kê của đại học Harvard của Mỹ mới đây cho thấy Hàn Quốc có cả trăm ngàn bằng sáng chế, Philippine nghèo nàn còn có mấy chục, riêng Việt Nam lại là con số 0 to tướng!

    Không thể nại lý do chiến tranh được nữa. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã gần 35 năm rồi. Đức, Nhật chỉ cần 15 năm là trở thành cường quốc từ đống tro tàn Thế Chiến II.

    Tại người Việt Nam mình quá dở, thiếu đầu óc, thiếu chất xám? Sự thành công về học vấn của gần 3 triệu chiếc chuông đem đánh xứ người đã chứng minh điều ngược lại. Thí dụ ở Đức, một quốc gia của phát minh khoa học, văn chương, âm nhạc, kỹ thuật, mỹ thuật nhất nhì thế giới, con em người Việt học hành, tính theo phần trăm, không thua người Đức da trắng và cả người Do Thái (điều nghiên năm rồi của hai tuần báo danh tiếng nhất nước Đức là "Die Zeit" và "Der Spiegel"). Ở nơi tôi sinh sống, con em Việt học giỏi nhất nhì lớp không phải là chuyện hiếm hoi.

    Vậy thì nguyên nhân tụt hậu của Việt Nam nằm ở đâu? Tôi thiết nghĩ, ai cũng biết đó là do cơ chế. Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: Nhà nước có thật sự muốn đào tạo nhân tài không? Nếu không muốn thì chẳng còn gì để bàn nữa. Nếu có thì thiện chí nhà nước được tỏ ra như thế nào? Bắt học sinh, sinh viên nhét rác lịch sử Karl Marx vào đầu? Ngân sách giáo dục được bao nhiêu %? Như chị Gió nêu ra trong phần "Ngẫm", hiền tài được đãi ngộ ra sao? Cơ quan IDS vừa "tự nguyện" giải tán là một ví dụ rõ ràng cho thiện chí trọng dụng nhân tài.

    Và khi "trên" đã xem chuyện đào tạo nhân tài là chuyện "nói chơi cho vui" thì hậu quả ra sao, ai trong chúng ta cũng thấy hàng ngày trước mắt, há chị Gió?

    Cám ơn chị Gió lâu lâu lại hâm mở sưởi nhà chị. Cám ơn chị cho biết về thông tin về hàng chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám viết từ đời nhà Lý. Chị lại làm tôi nôn nóng một ngày viếng Hà Nội rồi!

    Trả lờiXóa
  10. Chị Gió tìm đâu ra tấm hình cháu bé mắt tròn, mũi tẹt trông dễ thương quá chừng luôn vậy?

    Không có chủ ý, nhưng dứt còm xong, submit lên thì giật mình vì thấy mình quá ... nhiều chuyện. Thôi thì lỡ rồi, xin phép chị cho bưng hai bài "Đọc" của Bút Bi, "Ngẫm" của chị về lều cho các bạn khác xem luôn nha. Cám ơn chị trước.

    Trả lờiXóa
  11. Cái gọi là ''chiêu hiền đãi sĩ '' ở đây thấy mà chán , chỉ nói thôi , chỉ rêu rao cho có vẻ thôi , chỉ là chiêu bài ru ngủ cho mọi thành phần tầng lớp trong xã hội ,chỉ là vuốt ve cái nhiệt huyết của tuổi trẻ thôi , chỉ là ''nói cho có'' .
    Biết bao nhiêu niềm tin bị vỡ vụn vì đã cả tin vào cái ''nói cho có'' . Riêng đối với ccc 34 năm rồi chẳng tin vào điều gì cả (quan điểm cá nhân) . Cứ lâu lâu mở vài trang báo trong nước , chỉ cần xem một vài bài thôi là đủ ''nộ khí xung thiên ''rồi .

    Cuối tuần vui nha chị

    Trả lờiXóa
  12. Đãi cát tìm vàng, và lửa sẽ thử vàng. Nhân tài thật sự ở thời nào cũng có, nhưng chỉ sợ bị "siêu nhân tài" đẩy qua một bên, rồi mai một tài năng. Lúc trước mình có thấy có những công ty chuyên "săn đầu người ", tiêu chí đầu vào rất khó, chỉ tuyển chọn những người có tài năng thực thụ, nhưng dạo này không biết các "công ty" ấy làm ăn ra sao rồi.

    Trả lờiXóa
  13. Thế mới biết muốn được cống hiến sức mình cũng đâu phải dễ, đâu phải chỉ có nhiệt huyết là thực hiện dc đâu.

    Trả lờiXóa
  14. Để tham gia "tám" chuyện chiêu dụ hiền tài cùng bạn Gió, tôi xin kể câu chuyện người bạn rất thân thiết của tôi thời phổ thông, đó là bạn Trương Nguyện Thành.
    Thông tin về bạn Thành trên internet không thiếu, các bạn có thể search.
    Tôi học chung với Thành 3 năm cấp III, và cả hai cùng chung số phận bị ngược đãi do có lý lịch gia đình là người của phe Ngụy quyền. Năm 1979, Thành vượt biên thành công và nhờ nổ lực tự thân đã hoàn tất PhD và là giáo sư của đại học Utah.
    Đến 2006, nhận lời mời của bạn Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy vừa nhận chức bộ trưởng GD. Thành về nước giúp xây dựng đề án thành lập viện nghiên cứu tính toán mà năm 2008 Thành là đồng viện trưởng.
    Vì là bạn bè thân thiết lúc nhỏ nên mỗi lần về nước, tôi và bạn ấy đều có dịp bù khú và kể cho nhau nghe những chuyện mà không phải với ai bạn ấy cũng kể. Cũng nhiều chuyện "thối" lắm, nhưng tôi chỉ xin nói ở đây vài ý liên quan đến việc "chiêu hiền đãi sĩ" của nhà nước.
    - Mục đính chính của bạn Nhân không phải mời các trí thức nước ngoài về VN, để nâng cao nền học thuật và nghiên cứu gì hết; mà chỉ nhằm phô trương thành tích và tạo vây cánh để bạn ấy có cửa vào BCT.
    - Mời bạn Thành đứng tên là viện trưởng để có thể chiêu dụ trí thức các nước vào VN đóng góp. Còn trên thực tế lại bổ nhiệm bà Minh Nghĩa làm đồng viện trưởng tại VN, và bà Nghĩa mới là người thu nhận nhân sự cũng như quản lý tài khoản.
    - Vì vậy, ý bạn Thành là muốn tuyển chọn các sinh viên xuất sắc trong các ngành học liên quan, để gởi sang Hoa Kỳ tu nghiệp, trước khi về công tác tại viện.
    Khi kiểm tra lại, thì hầu hết đều là sinh viên...ấm ớ, nhưng đều là con cháu quan chức đương quyền.
    Kinh phí chi cho hoạt động thực sự của viện chiếm 30-40% số thực chi. Yêu cầu diễn giải bị tránh né.
    - Thế là bạn Thành quậy tưng lên. Kết quả, bà Nghĩa bị thôi chức. Nhưng từ đây, viện KH-NC-TT không có kinh phí hoạt động, chỉ trả lương cho viện trưởng (khoảng 30 triệu/tháng) nhưng bạn Thành phải tự lo vé bay đi về HK-VN để công tác. Thiết bị nhập về phục vụ viện nghiên cứu bị hải quan cửa khẩu ách lại...
    - Kết quả cuối cùng ra sao...? Quí vị tự suy đoán nhé...!
    Bó tay toàn tập.

    Trả lờiXóa
  15. Post vài tấm ảnh, kẻo có người lại bảo "Thấy kẻ sang bắt quàng làm họ" hehehe...!


    GS. Trương Nguyện Thành


    Thành đứng cạnh tớ trong 1 dịp họp mặt (tớ đã quá xỉn hehe)

    Trả lờiXóa
  16. hihii.. YS bữa nay muốn cho chị em xem dung nhan rồi kìa... kakakkka... anh chàng độc thân chưa vợ này là ai trong số này, chỉ dùm đi YS ui!

    Những vấn đề gai góc của xã hội tồn tại rất lâu là nỗi nhức nhối của mỗi trí thức, nhưng cái cơ chế mình nó như thế rồi, có nói bao nhiêu, có lên tiếng nhiều cũng chả thay đổi gì đâu... vì nó đã hình thành một cái nếp rồi. Những cơ quan nước ngoài tuyển người họ chú trọng trước tiên là năng lực và họ trả lương xứng đáng với khả năng đó. Còn mình thì nhất thân nhì thế,... dù chả có trình độ gì. Nên dốt ở khắp nơi, chỗ nào cũng có.. hic!

    Trả lờiXóa
  17. @nguyenphan:Cám ơn cái com dài , cám ơn những chia sẻ , cám ơn cả những trăn trở của bạn về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực của đất nước . Thôi thì ta cứ phải cố hy vọng nguyenphan nhỉ ? Nếu ko kịp thì ta gởi hy vọng vào đời sau thôi . Tôi hay nghĩ những điều mà bạn bè tôi bảo "nghĩ làm gì cho mệt óc" . Vâng, như bạn nói nếu ko hay nghĩ phơ phất như thế tôi ko còn là gioheomay .
    @nhocquay: Không tin nhưng vẫn hy vọng sẽ có lại niềm tin nghen Nhóc
    @ngocyen54:Có lẽ vẫn thế thôi . Làm gì có siêu nhân tài theo cách đào tạo này hả Y ?
    @hoasen: Những người trẻ các em có lẽ cũng phải thêm vào nhiệt huyết của mình một phần khác nữa _ cái mà nhà trường ít dạy ta ... Có lẽ chị sẽ nói trong một dịp khác hoasen héng
    @nguyenyenson: Cám on thông tin của yenson _ thêm một minh chứng nữa như một giọt nước tràn ly .Nhưng vẫn cứ hy vọng nguyenyenson nhỉ ??? Vì nếu ko hy vọng thì...khỏi sống !!! YS trong hình sáng sủa nhỉ ??? Khen đấy
    @haphan52: Em sợ từ cơ chế thế ko biết! nó cứ như cái hàng rào kẽm gai xiết chặt mình ấy .. Như chị nói ,thân với thế bây giờ thành lá chắn rồi đấy !!!

    Trả lờiXóa

  18. “cô bé Phan Thị Cảnh một sinh viên, đảng viên trẻ vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội theo tiếng gọi “thu hút nhân tài” của tỉnh để về quê xin việc làm nhưng khi về đến quê nhà cô đã bị hắt hủi, không nơi nào nhận”. Tội nghiệp thiệt. Một khi nhân tài được công nhận khi có tấm bằng loại giỏi mà vẫn bị hắt hủi thì. mấy anh Hai Lúa miệt vườn sáng chế ra đủ loại máy móc nhằm giảm bớt sức lao động trên đồng ruộng mãi mãi cũng chỉ là những anh hai lúa bình thường.

    Trở lại việc giảng dạy, xưa kia Gió học Đại học Văn Khoa thì Gió cũng hiểu rồi đấy. Tấm bằng cử nhân văn chương lúc bấy giờ nó khác xa tấm bằng cử nhân ngữ van bay giờ lắm. Kiến thức của cử nhân ngữ văn đựng không đầy một lá mít. Bên cạnh khoa ngữ văn là khoa báo chí. Cử nhân báo chí được các giảng viên chưa một ngày sống và làm việc trong môi trường báo chí, thậm chí có giảng viên chưa hề viết được một bài báo, chưa hề di thực tế, chưa hề làm qua công việc của một phóng viên thế mà vẫn đứng giữa giảng đường dạy cho sinh viên cách viết tin. Hàng trăm sinh viên báo chí tốt nghiệp ra trường mỗi năm thử hỏi được mấy người sống bằng nghề báo? Thậm chí co SV tốt nghiệp loại cực giỏi của khoa báo chí cũng không có tờ báo nào dám nhận. Có phải đây là hắc hủi nhân tài không.

    Nhân tài hiểu theo nghĩa bằng cấp thì vô cùng tận nhưng hiểu theo nghĩa thực tài thì không được ai công nhận. Thôi thì chỉ còn một tiếng thở dài thôi Gió ạ. Biết đâu mà lần.

    Trả lờiXóa
  19. Cuopbien lên tiếng rồi đấy !!! Thì cứ thở dài hoài đấy thôi cuopbien ơi ! Thở dài vì ta biết ta ko làm gì được , thở dài vì đó là nỗi đau trước hiện trạng chưa tốt của GD nước nhà , thở dài vì ta mỗi ngày vẫn nhìn xa hơn nữa tương lai đất nước , thở dài vi nhiều nỗi . Bao giờ hết thở được thì khỏi thở dài thôi ...phải không cuopbien . Giá mà cuopbien cướp được chút niềm tin nhở ?

    Trả lờiXóa
  20. Dzợ ổng mặc váy đen đứng lù lù kia kìa. Độc thân cái lổ rún á

    Trả lờiXóa
  21. Không nói ra nhưng người ta mặc định rằng người tài là người trong đảng. Đừng thấy người ta rêu rao rằng ngày xưa những người tài như Lương định Của vẫn được trọng dụng. Ông là một nhà nông học lừng lẫy, giảng dạy ở một đại học lớn của Nhật, mà về VN phải làm phó cho một anh chàng trung cấp nông học, người chưa đáng được làm sinh viên của ông. Tên ông , và nhiều tên khác nữa như Trần đại Nghĩa, Trần đức Thảo vẫn thường được nêu lên như biện minh cho chính sách trọng dụng nhân tài. Thử xem họ đã được tạo điều kiện để cống hiến như thế nào.
    Tôi đã đọc truyện đời của giáo sư triết học Trần đức Thảo, nhà nông học Lương định Của và khóc thay cho họ.
    Bây giờ bao nhiêu năm sau mọi chuyện vẫn thế. Họ vẫn luôn có cái nhìn nghi ngờ với những người chỉ có CHUYÊN mà không HỒNG.
    Thôi thì ai muốn cống hiến thì cứ phải nghĩ đến đất nước đến con em. Chứ cứ nghĩ đến cái bọn hô hào cửa miệng đó thì chỉ muốn tung hê hết, hoặc, may thay nhờ có đổi mới, đem thân cho bọn tư bản nó bóc lột chất xám còn sướng hơn. Nó bóc lột nhưng nó trả đúng giá. Nó không phát bằng khen nhưng nó có bonus. Thế tốt chán

    Trả lờiXóa
  22. Nhưng mà "nhân tài" Phan Thị Cảnh theo nhận xét chủ quan của ba NX thì chỉ là "sinh viên giỏi" thôi. Rất lăn tăn những điểm sau:
    1. Không nhất thiết phải về quê ngay lập tức sau khi ra trường. Bạn ấy có thể tôi luyện thêm ở đâu đó và trở về vào lúc "thiên thời, địa lợi"
    2. Bạn ấy tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân, tại sao lại xin việc ở Sở Thông tin - Tuyên truyền?

    Trả lờiXóa
  23. @ haihoang60 :Hôm nay anh mình nóng máu nhỉ ...? Thì chuyện đã thế lâu rồi mà . Chỉ là nhân dịp nhắc lại thôi . Anh đừng phẫn nộ quá chứ .

    Gió thì tự dưng sợ từ "cống hiến" ..... Sợ quá chừng anh haihoang60 ơi !
    @nghinhxuan: Chị cũng chẳng ấn tượng gì lắm về câu chuyện cô bé ấy . ... Cuộc sống còn nhiều điều cay nghiệt hơn , phải không !!!

    Trả lờiXóa
  24. Phải là nhân tài hết thoai..còn không thì kiếm cái bằng tiến sĩ chứ không thì mần răng mà có việc làm trong công sở trong tương lai được.

    Theo như ngài Tiến Sĩ Lê Anh Sắc, (chuyên viên cao cấp của Sở Nội Vụ Hà Nội) thì...
    “Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.”

    Nghe cứ như sét đánh ngang tai vậy hà...vẫn cứ cái thói lạm dụng từ ngữ tới kiến thức cóp như thế thì sao mà Đất Nước đi lên được!

    Trả lờiXóa
  25. Bằng tiến sĩ , cử nhân giờ dễ lấy ghê héng danden ...!!!

    Trả lờiXóa
  26. nếu câu chuyện chị kể về bài báo là sự thật thì đúng là một vỡ hài kịch buồn cười. Em cũng rất ngẫm nghĩ về câucuối cùng của chị: "Giá mà ta có thể hy vọng…." quả thật trong cuộc sống hiện nay thì người có tâm huyết, có đạo đức để giữ được mình trong sạch mãi còn khó hơn ...lên mặt trăng. tất cả cũng vì cuộc sống, và một vòng xoáy , nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng phải ko chị? dù sao xã hội vẫn còn nhiều người có tâm, có đức, từ bỏ hy vọng đó chình là chấp nhận thất bại và thật nguy hiểm biết bao ..

    Trả lờiXóa
  27. Em cười ...buồn ...
    Trong đất nước rất nhỏ có những vấn đề rất to ...

    Trả lờiXóa
  28. Và chị cũng cười buồn vì trong những vấn đề rất to lại có những con người...rất nhỏ

    Trả lờiXóa
  29. Chuyện thật đấy mayhong nhưng đó không phải là chuyện đặc biết ... Dù gì thì ta cứ phải hy vọng thôi em héng

    Trả lờiXóa
  30. Bài viết hay và comment cũng rất hay , andropause đọc rất thích thú. Sau khi đọc thì em rút được hai điều :
    - Người 'tài' hay 'hiền' chắc cũng không ít đâu. Chứng minh : thì nội trong cái mạng multiply này nói chung và các entries lẫn comments của chị Gió nói riêng có biết bao trăn trở, hy vọng .
    - Vấn đề là ở chỗ 'cây quít ngọt' nhung mà 'thổ nhưỡng' quá xấu xa nên nó phải thành 'quít chua' thôi ! :((

    Trả lờiXóa
  31. Cái bất hợp lý là ta có quá nhiều người trăn trở mà lại quá ít người làm phải không andropause ?
    Nhưng thì ta vẫn phải hy vọng thôi !

    Trả lờiXóa
  32. Mình cũng từng im lặng và hy vọng bạn Gió à...!
    Nhưng rốt cuộc, mình phải tự bắt buộc mình phải quan tâm đến chính trị nhiều hơn.
    (Gió nhớ giùm, mình không thuộc dạng bất mãn hay chống phá chánh quyền cách mạng. Điều kiện gia đình nên mình có dịp tiếp xúc và trò chuyện cùng nhiều người là cán bộ cao cấp của đảng và chánh quyền hiện thời, nên hiểu và biết nhiều chuyện "động trời" thuộc dạng thâm cung bí sử...)

    Trả lờiXóa
  33. Gió hiểu mà YS . Tụi mình cùng thời và cùng là người quan tâm đến những việc chung quanh _ những việc mà ta không thể hời hợt vô tâm như ko phải là việc của mình _.Gió cũng hiễu những cái mà YS trăn trở và cũng hiểu luôn cả những thất vọng mà YS từng có ...vì Gió cũng đã từng . Nhưng cuối cùng ta sống để mà hy vọng cơ mà , phải không ? Có thể Gió nói để động viên bạn và tự động viên mình .... nhưng nếu không hy vọng thì ta sống thế nào đây ?

    Trả lờiXóa
  34. Xin chia xẻ với bạn Andropause điều này nhe: Bạn nói đúng lắm, mới hôm qua, nước Đức có một bộ trưởng y tế mới làm dư luận người Việt xôn xao. Xôn xao vì anh chàng Philipp Rösler 36 tuổi này là người Việt nguyên con (vỏ). Cây quít Rösler nhờ được mang trồng ở chỗ tốt nên nay thành bộ trưởng lẫy lừng, nếu cây quít này mà để lại vùng khô cằn sỏi đá trước đây 36 năm thì cậu bé mồ côi ngày xưa có lẽ đang ngồi vá vỏ ruột xe đạp, hoặc lê từng bước bán vé số kiếm ăn ở Sài Gòn.

    Một điều lý thú khác: Người Do Thái đã thành công trong việc biến vùng sa mạc Trung Đông thành một trong những nơi trù phú nhất trong vùng, khiến đời sống dân chúng trở nên sung túc.

    Trả lờiXóa
  35. Không biết họ tìm kiếm nhân tài dựa theo nguyên tắc nào? năng lực, tài lực, trí tuệ, đạo đức hay quen biết thế lực tạo ra nhân tài...? mong là những tài năng Việt được thực sự nhận ra đóng góp cho quê hương cho đất nước.

    Commnet của "nguyenphan" thật chính xác.

    Trả lờiXóa
  36. Em thì nghĩ day là chuyện dài nhiều tập đó chị ạ . Bây giờ họ tuyển nhân viện đâu có theo bằng cấp gì hay là nhân tài hay hiền tài đâu . Mà con ông cháu cha mới là lực lượng dự bị kìa .

    Trả lờiXóa
  37. Chị ơi, bờ vai bé nhỏ, chớ nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn !

    Trả lờiXóa
  38. @hle09 : Tài năng Việt thật sự sẽ phát triển khi nó được chăm sóc đúng mức anh ạ
    @hoaloaken: Sẽ phải có đổi khác thôi , chị em mình cùng tin điều đó chứ hoaloaken nhỉ ?
    @uyenvan: Nhỏ lại thấy một góc khác của chị ... phải không ? Bờ vai nhỏ chuyên gánh nhọc nhằn nên mới là gioheomay V ạ !!!

    Trả lờiXóa
  39. Chị mình giờ viết thời sự thật đấy! Cơ chế thu nạp hiền tài thì lởm, nhưng hiền tài thì lởm cũng nhiều!
    Nếu nhìn lạc quan, thì hi vọng đây cũng là sự mở đầu cho một cái gì đó tích cực, rồi cùng với thời gian sẽ hoàn thiện dần, để chính sách và nhân tài tìm được nhau. Còn nếu nhìn bi quan, thì chả biết nói thế nào chị ạ.
    Riêng em, thì sao gần đây em nhìn những cuộc này như nhìn trò! Nhưng vẫn rất muốn hi vọng...

    Trả lờiXóa
  40. Chị ấy à .... không chỉ ngồi chống cằm mơ mộng không đâu . Nhưng ngay lúc nói về điều thất vọng nhất chị luôn gieo một mầm hy vọng Bói ạ . Một mầm hy vọng cho mình ... nếu được thì cho những người bạn mình nữa . Ít nhất ta cũng sống tiếp với cái gì phía trước chứ Bói nhở ?

    Trả lờiXóa
  41. Nếu không có chuyện gì đó thì "nền bờ-lốc" VN đâu có phát triển dữ dậy. Coi nè, dòm chung quanh toàn là nhân tài, hiền tài không đó nghe! Trong đó Lãng tử chính là hiền nhân. Há há!
    Lại thấy trong hình của yenson có 1 người quen hihi. Gió hỏi dùm trong hình có ông nào tên Nguyễn Toàn không há.

    Trả lờiXóa
  42. Thể nào YS cũng trả lời anh mà !!! Đợi nghen

    Trả lờiXóa
  43. Có lẻ là người giống người, trong lớp tôi không ai tên Nguyễn Toàn.
    (Xin lỗi vì chậm trả lời, do mấy ngày nay có việc bận nên không online)

    Trả lờiXóa
  44. chuyên xua đén mức không ai buồn nghe buồn nói. Đó là nền VANHOA CHINHTRI VIEETNAM đấy. đất nuocs sẽ mãi mãi là con giun chết. còn nhiều người co vị trí xã hội từ lâu đã là những thây ma

    Trả lờiXóa