Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhớ một nghĩa trang giữa lòng thành phố....


Thỉnh thoảng có dịp về qua góc đường Điện Biên Phủ _ Hai Bà Trưng, nhìn cái bóng tối âm âm bên hông công viên Lê Văn Tám tôi lại bâng khuâng tự hỏi : bây giờ, có bao nhiêu người còn nhớ đã từng có một nghĩa trang nằm giữa lòng thành phố Saigon những ngày đã xa …???


Gần ba mươi năm đi qua, cái nơi đã từng là một địa danh quen thuộc với người dân Saigon ngày ấy bây giờ đã trở nên xa lạ, những người trẻ thì không biết, những người từng biết thì nhiều người cũng đã lãng quên. Giữa những đổi thay đến chóng mặt mỗi ngày, giữa một Saigon mới toanh sức trẻ mà con người phải khiêu vũ với những toan tính thiệt hơn để tồn tại thì chắc chắn có không ít những điều phải trôi theo những nỗi quên huống chi là cái nơi muôn đời im lặng của những người không còn quên nhớ .… Chỉ tôi, lần nào có dịp về qua đây tôi lại nôn nao nhớ đám bạn đứa mất, đứa còn, đứa xa xôi thăm thẳm của cái thời đi học , cái thời líu ríu kéo nhau vào nghĩa trang với cái bàn cơ chi chít chữ và nhịp đập nửa bồn chồn, nửa âu lo của những trái tim thiếu nữ…


Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nằm trên một khu đất rộng trên 7 hecta, bốn bức tường vàng nhạt cao hơn đầu người vây quanh bốn phía các con đường lớn Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Hai Bà Trưng , Hiền Vương ( Võ Thị Sáu) và con đường ngắn, nhỏ hẹp Phan Liêm . Cổng chính ra vào nằm nhìn sang đường Mạc Đĩnh Chi nơi cuối cùng gặp gỡ con đường lớn Phan Thanh Giản… Thời thuộc địa, do là nghĩa trang dành chôn cất những người Pháp nên còn gọi là Đất Thánh Tây, sau này là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là nơi đặt lăng mộ cho những người giàu có của Saigon ngày ấy, nó còn là nơi chôn cất nhiều người nổi tiếng, là nơi mồ yên mả đẹp của những quân nhân quân đội Saigon, đây là nơi tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm và người em là Ngô Đình Nhu nằm lại sau biến cố năm 1963.
Năm 1983, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm Saigon đổi tên, người ta ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi và hai năm sau, năm 1985 công viên Lê Văn Tám được khai sinh nhưng vẫn còn xa lạ và nhận cái nhìn đầy vẻ e dè của người dân thành phố.


Tôi còn nhớ suốt thời gian hình thành đến những năm cuối cùng của thập niên 80, công viên này luôn vắng vẻ. Buổi sáng đã vắng người, chỉ cần trời nhạt nắng là đã thấy ở đây cái không khí im ắng, lạnh tanh . Trong trí nhớ người Saigon, công viên Lê Văn Tám vẫn mang vóc dáng thâm nghiêm, bí ẩn của nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa cũ với vô số những giai thoại lạnh người về thế giới yên ắng của những người đã khuất…Chỉ đến những năm đầu thập niên 90, khi người nhập cư nhiều hơn, thành phố chật chội hơn, khi cái nghĩa trang xưa nhạt nhòa dần trong trí nhớ người Saigon thì công viên Lê Văn Tám mới thay đổi bộ mặt để quen thuộc dần với người dân thành phố…


Gần ba mươi năm cái nghĩa trang cũ bị khai tử, tôi chưa một lần bước vào cái nơi cũ được mang cái tên mới toanh này dù không ít lần đi qua, cho đến cách đây gần hai tuần tôi chợt có ý định trở lại nơi này để lấy cảm hứng viết về một địa danh xưa cũ, một nơi mà thời con gái không ít lần tôi cùng đám bạn đã ray rứt, bâng khuâng, bồn chồn một cách khờ dại trước những hàng mộ trắng toát hay di ảnh của một anh chàng lạ hoắc đầy vẻ lãng tử đến nao lòng trái tim đám con gái áo trắng như mây…



Thật tình là tôi không ấn tượng lắm với cách kiến trúc sắp xếp của công viên. Tôi đứng nhìn bức tượng sơn trắng nơi khán đài ở trung tâm công viên mà nghĩ hoài chẳng biết nó là cái quái gì…Về nhà, lướt qua mạng internet, biết đó là bức tượng “Ngọn Đuốc Sống” mới giật mình chẳng hiểu tại sao ngay cái tên công viên cũng chẳng để lại cho mình chút ấn tượng gì về bức tượng có phần thô kệch, nặng nề và giả tạo đó..?

Tôi đi quanh công viên nhìn những tán cây cao xanh biếc trong màu nắng tháng sáu. Đâu đó rải rác những em thanh thiếu niên đánh cầu, tung bóng, vài nhóm người già ngồi rôm rả trò chuyện. Một chàng thanh niên cởi trần mặc quần đùi tay cầm guitar lượn lờ trên chiếc xe đạp một bánh , miệng hát vang một bài tình ca, đám người ngồi quanh tán dương…vài người vẻ chăm chú múa may một bài quyền thể dục..


Tôi đi quanh công viên nhớ những con đường lót đá màu xám buồn buồn chạy quanh những hàng mộ nhiều kiểu cách khác nhau, nhớ những hàng cây cao thẫm lá buổi chiều mưa, thỉnh thoảng lũ chim lại giật mình khua đám lá lào xào bay lên khỏi khuôn viên nghĩa trang hòa mình vào những tán cây thành phố, nhớ những con chim sẻ nhỏ ngơ ngác nhảy trên những bia mộ trong những buổi trưa đầy nắng mùa hè, nhớ cả những người phụ nữ áo dài sậm màu , vành tang trắng, đôi mắt đỏ hoe bên một ngôi mộ mới đắp..



Tôi đi quanh công viên, nhớ sao là nhớ cái nghĩa trang những ngày mưa âm âm, những trưa chan hòa nắng đã xa, những ngày cùng đám bạn rủ nhau vào đây thăm mộ hoặc mỗi đứa tìm một góc học bài chuẩn bị cho mùa thi , thỉnh thoảng chúng tôi lại chơi trò cầu cơ , một trò chơi đầy vẻ thiêng liêng , bí ẩn và nhiều ma lực với tuổi chúng tôi ngày ấy . Bàn cơ nhỏ chi chít chữ cái và những con số. Nhỏ Kim Loan lâm râm thắp nhang trước ngôi mộ, chúng tôi im lặng ngồi quanh, khuôn mặt đứa nào cũng căng thẳng nhưng đầy vẻ thành kính. Trái tim chúng tôi cứ như nở to ra, đập rộn ràng khi trái tim bằng gỗ nhỏ xíu dưới ba ngón tay di chuyển ráp những chữ cái thành câu trả lời những câu hỏi ngu ngơ : Tôi có thi đậu không ? Bạn ấy có yêu tôi không ? Bố mẹ tôi có ly dị không? Người ấy có gian dối với tôi không? Mơ ước của tôi có thành không? Và còn vô số những câu hỏi thầm kín rất con gái khác được đặt ra chỉ để đợi chờ câu trả lời từ cõi muôn trùng.

Tôi không biết hồi ấy mình có tin vào những điều mà bạn bè mình rất tin không nhưng tôi luôn theo chúng vào đây trong những giờ nghỉ học ..có khi chỉ để nhìn vu vơ những hàng mộ bé xíu của những đứa trẻ vắn số mà đôi mắt sáng trong và nụ cười trên những di ảnh luôn làm tôi muốn khóc, chỉ để nhìn hàng mộ thấp, lừng lững những cây thánh giá loang lổ màu vôi, chỉ để đi quanh đọc những lời yêu thương trên những bia mộ…



Tôi nhớ hoài hàng chữ đầy ấn tượng trên ngôi mộ một anh sinh viên trường sĩ quan Thủ Đức tên Hùng mà một lần tôi và đám bạn tình cờ thấy : “Hùng không chết. Hùng sống mãi trong lòng cha mẹ, anh chị và các em…”.Lần đầu đọc hàng chữ màu vàng được ốp trên mặt ngôi mộ được xây bằng loại đá bóng màu đen vân trắng, nhìn di ảnh anh ấy với lọn tóc rủ xuống trán , đôi mắt trong sáng, đôi môi mỉm cười, cả đám con gái chúng tôi đều tắt hẳn tiếng nói cười , nhỏ Loan nói nhỏ vào tai tôi: “Anh ấy đẹp quá hén!” . Có lẽ anh mất khi còn là sinh viên trường nên bức ảnh vẫn còn nguyên bộ quân phục của trường sĩ quan Thủ Đức…. Đó là ngôi mộ để lại nhiều tình cảm với chúng tôi nhất để lần nào ghé nghĩa trang, chúng tôi đều ghé thăm anh. Hơn 40 năm trôi qua… tôi còn nhớ như in câu chữ trên ngôi mộ đẹp và loáng thoáng khuôn mặt anh Hùng với nụ cười hiền, đẹp đến ngẩn ngơ..


Ngày ấy chẳng hiểu sao tuổi trẻ chúng tôi lại hay chọn nghĩa trang là một trong những điểm thường lui tới mà không sợ sệt e dè. Bây giờ những nghĩa trang đã ít đi, phần cuối của một đời người, người ta được chọn cách để trở về tro bụi. Còn tôi, bây giờ chắc chắn tôi không còn đủ sự trong trẻo đến ngây ngô, không còn đủ niềm tin vào người sống để lui tới cái nơi thinh lặng của những người đã khuất như ngày xưa nữa… Suy cho cùng người sống bây giờ ác độc hơn xưa thì chắc gì thế giới của những người đã chết lại không đủ những thứ bon chen tàn nhẫn ?


Việc dời chuyển thế giới của những người đã khuất ra khỏi một thành phố lổn nhổn những người đang sống xem ra là hợp lý vì suy cho cùng đó là sự dời chuyển về mặt địa lý còn trong tâm linh những người đang sống vẫn còn có một góc nhớ thương cho những người ở cõi muôn trùng…Đó là điều khó ai dời chuyển được.


Thời gian đang trôi qua, cuộc sống đang trôi qua, thành phố này đang trôi qua và chúng ta cũng đang trôi qua …. Mọi thứ cũ xưa đang dần thay đổi , thế mà thỉnh thoảng đi qua một góc đường tôi cứ bâng khuâng tự hỏi : Có ai còn nhớ đã từng có một nghĩa trang giữa lòng thành phố ngày xưa…?




Cổng vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày xưa _ Ảnh lấy từ internet_



Bên trong nghĩa trang ( chụp từ phía đường Hiền Vương) Ảnh lấy từ internet



Tượng Ngọn Đuốc Sống













Chàng thanh niên...lãng mạn !






23 nhận xét:

  1. Vô nghĩa trang mà khen đẹp trai, "người ta" đi theo đó :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi đó tụi chị chẳng sợ gì hết nghen Thụy...
      Đến mộ nào thấy di ảnh mấy anh đẹp trai đều bu nhau khen rối rít...Toàn là mấy anh lình ko hà :)

      Xóa
    2. hehehe,Chị Gió khen là phải thôi ... lính VNCH trẻ/đẹp trai, mà mặc đồ "treillis" coi càng đẹp hơn, lại chết trẻ, nên ai thấy cũng thương lắm.

      Xóa
    3. Chết trẻ là một hiện tượng của dân tộc ta suốt cuộc nội chiến tương tàn hén songthu..Dù muốn hay không vẫn thấy quá đau lòng.
      Nói gì thì nói phải công nhận mấy anh lính hồi đó nhìn là ...thấy thương ! :)

      Xóa
  2. Chuyện giải toả nghĩa trang thì ở đâu cũng vậy .Hồi còn đi học mình cũng ngày ngày đi ngang 1 nghĩa trang ,quen mặt quen tên những cư dân nằm ven đường...Người sống còn không giữ nổi đất huống là người chết ; có điều những người làm việc đó không nghĩ họ cũng sẽ chết !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa nghĩa trang ở khắp mọi nơi hén DN... và đó là nơi ko ai dám động đến bất chấp nó thuộc về của ai. Suy cho cùng quyết định thực thi luôn thuộc về kẻ thắng cuộc.

      Xóa
  3. công viên này quen lắm, susu đi bơi ở đây mỗi tuần.
    Trẻ như em thì hình ảnh nghĩa trang ngày xưa thì chẳng bao giờ biết đc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc thế, nhiều người trẻ Saigon nghe nói NT Mạc Đĩnh Chi là ko biết nó ở đâu...
      Bây giờ CV Lê Văn Tám có đông người vào hơn chắc là do họ ko biết trước kia là nghĩa trang hén bố susu :)

      Xóa
  4. "chết trẻ , nên ai thấy cũng thương lắm."
    Vâng, tội lắm lắm chị ơi!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ Nam chí Bắc dân tộc ta đã có bao nhiêu người "chết trẻ"... hén Lem Lém ?

      Xóa
  5. 1- Người ta dời nghĩa trang ra khỏi thành phó do yêu cầu khách quan của quy hoạch hay do trong nghĩa trang đó có ông Diệm ông Nhu. Điều này chắc bạn gió cũng không biết chính xác được. Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng.
    Bu chỉ mong các nhà cầm quyền cộng sản hãy nằm lòng câu nói ông của bà: “nghĩa tử là nghĩa tận”, đừng trút hận thù vào nắm xương khô của anh em nhà họ Ngô. Tìm cho ông Diệm ông Nhu một chỗ yên nghĩ sao cho xứng đáng với vai trò những người làm nên lịch sử Việt Nam cận đại.
    2- Cái xứ mình theo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhưng lại tôn sùng những cái không có thực. Trong bài thơ Lão đầy tớ, nhà thơ lớn Tố Hữu nói về một người đi ở bị chủ hành hạ, nhưng nghe nói ở cái nước Nga nào đó ai cũng giàu có, cũng sung sướng, không ai người bóc lột ai, thì há mồm khoái khoái, “Lão ngồi mơ nước Nga”. Cái nước Nga ấy đổ sụp tan thành rồi nhưng nhiều nhiều đầy tớ và ông chủ xứ mình vẫn đang ngồi mơ nước Nga.
    Lê Văn Tám là một nhân vật do ông Trần Huy Liệu bịa ra để động viên tuổi trẻ đánh Pháp. Ai đời cậu bé Tám trùm chăn tẩm xăng cho lửa bốc lên ngút trời mà vẫn chạy được cả trăm mét làm nổ kho đạn giặc. Trước khi qua đời ông Liệu nhờ GS sử học Phan Huy Lê đính chính lại và tỏ ý xin lỗi quốc dân, vậy mà nười ta cứ lấy tên Lê Văn Tám đặt cho đường phố, cho nhà trường, cho công viên. Không hiểu nỗi hihihi!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vậy mà khi em nói Lê Văn Tám không có thật thì nhiều người bạn của em không tin đó là sự thật.

      Xóa
    2. 1. Đúng đấy anh Bu, Gió cũng ko biết được ý đồ trong cái quyết định dời NT mạc Đĩnh Chi đi của UBND thành phố lúc ấy là gì nhưng biết rằng đó là 1 công trình để chào mừng 10 năm Saigon thay tên. Năm 1985 khánh thành dù công trình chưa hoàn thành trọn vẹn. Mộ ông Diệm và ông Nhu được người cháu đưa về Bình Dương.... Chẳng thế nào ta có thể đòi sự công bằng cho phần mộ 2 ông vì ngay chính những người đã từng sát cánh với 2 ông cũng ko làm được như thế huống hồ gì một chính quyền hoàn toàn đối nghịch.

      Tuy nhiên với thành phố Saigon bây giờ: chật chội, hệ thống thoát nước bị hư hại nhiều thì Gió thấy việc không có một NT trong lòng TP cũng là một điều tốt về an sinh của người dân TP. Chỉ là cái công trình mới vẫn chưa thực sự hiệu quả, nó cũng chỉ như để trám vào chỗ trống thôi anh Bu ạ.

      2. Năm 1976 Gió ra trường và đi dạy , ngay trong công việc Gió đã nhận ra những dối trá quá đáng trong chương trình đầy tính tuyên truyền của BGD _. Ví dụ hình tượng Lê Văn Tám, Kơ-pa Kơ-lơng ... nhưng biết sao , mình vẫn phải dối trá với HS như thế.

      Khi đọc lời tuyên bố của nhà sử học Phan Huy Lê về hình tượng Lê Văn Tám Gió cũng đã thấy đó là 1 sự công bằng khio6ng Trần Huy Liệu trả lại sự thật cho lịch sử, tiếc rằng điều ấy lại bị xem nhẹ anh Bu ạ.... Đúng là hiểu chết liền !!!

      Xóa
    3. @bố susu: Các em được dạy về điều ấy một thời gian dài...ko phải ai cũng tin nó là hình tượng giả ..:(

      Xóa
  6. Ah ! Bây giờ mình mới biết công viên Lê Văn Tám trước đây là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ! Bài viết có ý nghĩa vô cùng ! Cảm ơn bạn rất nhiều Gió nhé !

    Trả lờiXóa
  7. Rùi -chúc chiều an lành nha -
    Mà chờ bài mới ra đó nha -để lâu thế rồi -

    Trả lờiXóa
  8. Miên sang thăm chị. Một kì nghỉ hè thật vui và thật ý nghĩa nhé chị Gió.

    Trả lờiXóa
  9. Gío lại mang kỷ niệm xưa ra nhắc, mình cũng vào nghĩa trang MĐC nhiều lần nằm nghỉ trốn nắng Sài Gòn buổi trưa, Vì ở đó cũng có cây cao bóng cả, chờ cho dịu nắng mới cùng bạn bè chở nhau về Biên Hòa đó

    Trả lờiXóa
  10. Chị. Chị khỏe không? Tháng bảy trong đó thế nào hả chị?

    Trả lờiXóa
  11. CO phai Nghia trang MDC co ten goi khac la nghia trang Do Thanh khong?

    Trả lờiXóa
  12. Không đâu Thi hue Nguyen, nghĩa trang Đô Thành là nghĩa trang Chí Hòa, bây giờ là công viên Lê Thị Riêng.

    Trả lờiXóa
  13. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi di dời đi giải tỏa là có lý do.
    Thập niên 80, Đài truyền hình Việt Nam lấy tin tức từ Liên Xô, nên xây dựng vệ tinh tại phía sau nghĩa trang, nhưng bị thất bại. Sau đó không biết ai xúi, nên mới ra lệnh giải tỏa nghĩa trang và nói là xây dựng cung thiếu nhi, thì đài vệ tinh hoa sen mới thành công và nghĩa trang bị giải tỏa năm 1983 qua chỉ thị 17/CT-UBND, sau thành là công viên Lê Văn Tám.

    Trả lờiXóa