Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Về thăm Nghĩa Trang Quân Đội _ Biên Hòa



Tôi trở lại nơi này sau gần bốn mươi năm.
Bốn mươi năm với bao nhiêu dâu bể , bao nhiêu đổi thay. Đổi thay đến tìm đường trở lại cái nơi đã từng đến không ít lần cũng gian nan vất vả không kém.
Liên chở tôi vào khu Đại học Quốc Gia _ Thủ Đức rồi cứ lần mò hỏi thăm mãi mới giáp mặt với bức tường của Nghĩa Trang . Lạ lùng là dù đã được đổi là Nghĩa trang Bình An nhưng hỏi cái tên mới này thì hầu như những người dân quanh đây không ai biết mà họ chỉ nhớ cái tên của một thời đã xa lơ xa lắc : Nghĩa trang Quân Đội _ Biên Hòa .


Con đường hẹp, vắng lặng chạy lượn vòng bức tường cao màu xám cũ rích ngăn cách cái thế giới im lặng bên trong kia với cái thế giới đầy đua chen, gian trá bên ngoài này , nhỏ Liên chở tôi len lỏi men theo con đường để đến nghĩa trang. Tháng tư năm nay trời nắng như đổ lửa. Tôi chọn ngay ngày sinh nhật mình để trở lại cái nơi tôi cứ đau đáu một nỗi niềm , cái nơi mà tôi nghĩ đã không còn trên mặt đất dù nó từng là chứng nhân của một trang sử buồn đau của đất nước. Chưa vào trong nghĩa trang lòng tôi đã dâng lên cái cảm xúc khó tả , thật khó mà phân tích nó như thế nào nhưng tôi biết nó là nỗi buồn ..buồn kỳ lạ !


Ghé quán nước trước mặt Nghĩa Trang mua hai bó nhang, cô chủ quán nước chỉ tôi một nhóm người đang ngồi ở một cái bàn nhỏ :
- Chị đi thăm mộ hả, mấy cô bác đó cũng đi thăm mộ đó chị .
Một người phụ nữ lớn tuổi trong số những người vừa được giới thiệu hỏi tôi:
- Em đi thăm mộ hả ? Tên gì ? Chết năm nào.?
Tôi lắc đầu nói mình chỉ đến đây thăm nghĩa trang chứ thân nhân không còn nằm đây .


Thấy chúng tôi vào, người bảo vệ mời tôi vào phòng để làm thủ tục.
Hơi ngạc nhiên vì thấy vào thăm người chết mà cũng phải khai lý lịch trích ngang, tôi bảo nhỏ Liên khỏi vào để mình tôi vào thôi. Biết tôi không vào thăm thân nhân mà chỉ thăm nghĩa trang, người bảo vệ lấy một tờ giấy in sẵn ghi tên tuổi , địa chỉ của tôi, hơi tần ngần khi tôi bảo không mang theo chứng minh nhân dân nhưng rồi anh ta cũng bảo tôi ký tên dưới tờ khai rồi chỉ đường cho tôi vào khu nghĩa trang.


Thấy tôi và Liên , hai người, một là người đàn ông hơi lớn tuổi và một thanh niên mà sau này tôi mới biết họ là người dân quanh đây, sống bằng nghề chăm sóc những ngôi mộ trong nghĩa trang này.đi theo hỏi thăm, khi biết chúng tôi chỉ đến thăm nghĩa trang , họ tích cực hướng dẫn tôi vào Nghĩa Dũng Đài đễ thắp hương.
Nghĩa Dũng Đài to lớn nằm sừng sững trong cái nắng tháng tư gay gắt. Thanh kiếm dài trên cái tháp cao không còn, bức tường hoen úa màu xám thời gian cho tôi cái cảm giác nặng lòng đến lạ. Khói hương bay trong cái nắng buổi trưa, trong cái không gian im lặng buồn buồn, tôi có cảm giác nghe được tiếng đập của trái tim mình, cảm giác có lỗi với bao vong linh nằm đây, cảm giác mình nợ họ ít nhất một lời xin lỗi sau bằng ấy năm..


Chúng tôi đi qua những khu mộ thấp thoáng trong rừng cây, khung cảnh điêu tàn bao trùm khắp nghĩa trang làm tôi cứ nghẹn ngào muốn khóc. Lá vàng rụng đầy trên những lối đi, trên những ngôi mộ bị bỏ quên không được chăm sóc. Không ít ngôi mộ chỉ còn nắm đất, không còn tên tuổi. Được sự hướng dẫn của hai người chăm sóc mộ chúng tôi đến thắp nhang cho ngôi mộ người Chiến Sĩ Vô Danh mang huyền thoại bức tượng Thương Tiếc của người lính bằng đồng đen đứng sừng sững trước cổng vào Nghĩa Trang Quân Đội một thời. Thân nhân đã đắp lại mộ cho anh nhưng trên ngôi mộ vẫn ghi danh trên cái bia đá : CHIẾN SĨ VÔ DANH với cái hình gợi nhớ …



Bỗng dưng tôi nhớ mình của bốn mươi năm về trước, mỗi lần theo mẹ đến đây thăm mộ cậu , tôi luôn e dè , sợ sệt nhìn bức tượng đen nhẻm cao to trước cổng . Anh ngồi sừng sững dưới bầu trời cao, cái mũ sắt hơi ngả về phía sau lộ khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt xa xăm buồn buồn…Bức tượng này, chính người thợ điêu khắc đã khắc trong sân một ngôi chùa của khu gia binh tôi ở từ nhỏ…Ngày nào, tôi cũng đến xem người thợ đục đẽo những đường nét trên bức tượng , thế mà khi nhìn người lính ấy ở đây …cái tâm hồn cô gái nhỏ mười bảy, mười tám tuổi là tôi lúc bấy giờ cứ vừa ngưỡng mộ vừa sợ sệt.


Hồi ấy cổng chính nằm ngay Quốc Lộ I. Con đường vào nghĩa trang là một con đường đẹp với hai hàng cây rợp bóng. Mẹ luôn bắt tôi mặc áo dài khi đi thăm mộ cậu. Cứ bước xuống khỏi chiếc xe lam , nắm tay mẹ băng qua con đường xa lộ lúc ấy chưa lắm xe cộ như bây giờ để vào nghĩa trang là tôi luôn nghe nhịp tim mình đập mạnh. Vạt áo dài màu sẫm của mẹ và vạt áo trắng của tôi cứ thấp thoáng trong những hàng mộ trắng toát sạch sẽ, thẳng tăm tắp… Mẹ lâm râm khấn vái trước mộ , tôi đứng bên cạnh nhìn khói hương nghi ngút trước di ảnh cậu trong bộ đồ trắng Hải Quân, uy nghi, hiền lành. Mẹ tôi lúc nào cũng khóc khi đến đây… bà thương đứa em trai đã cùng mình tha hương không có ngày trở lại quê nhà. Tôi và mẹ thắp nhang cho những ngôi mộ quanh đó rồi ra về… Và lúc nào tôi cũng ngoái lại phía sau nhìn những hàng mộ trắng toát lần cuối với nỗi rưng rưng.

Sau tháng 4.1975 tôi và mẹ trở lại đây một lần nữa… Những ngôi mộ có cái bị đập phá, có cái bị ghi những câu phỉ báng trên mộ bằng màu sơn đen ác đôc. Chưa lần nào mẹ khóc bên mộ cậu nhiều bằng lần này… Nghĩa trang khác hẳn, hoang tàn , đổ nát, buồn tênh, hình ảnh này ám ảnh tôi một thời gian dài mỗi khi nhớ cậu. Tôi không có dịp trở lại đây một lần nào nữa . Do phải đi dạy xa nhà, ngày bốc mộ cậu tôi không có mặt…
Tôi trở lại nơi này sau bằng ấy năm, không còn với tâm hồn mong manh của cô gái nhỏ gần bốn mươi năm trước , nơi đây cũng không còn là cái nghĩa trang sạch đẹp rộng hơn 60 ha ngày xưa. Hơn 58 ha được sử dụng vào mục đích khác… Hàng trăm ngôi mộ của những người lính ngày xưa còn nẳm lại nơi này là chứng nhân của những đổi thay tàn khốc bởi sự chuyển dịch của thời gian và bởi sự ác độc của con người. Cứ như họ bình thản đi qua sự quên lãng , sự vô tình ..Sự im lặng của họ sao mà dội lại lòng tôi trong ngày trở lại này nỗi buồn mênh mang đến thế…


Hai người hướng dẫn đưa tôi đến thăm mộ hai vị tướng còn nằm lại đến giờ phút này cùng đồng đội. …Tôi nhìn di ảnh của ông, tươi tắn với nụ cười ngạo mạn dù không còn quân phục, chẳng còn cấp bậc, tôi chạnh nghĩ biết đâu ở lại đây lại là chọn lựa của ông.
Người đàn ông lớn tuổi cho tôi biết ở đây có một ngôi mộ tập thể của hàng trăm người lính chưa được chôn cất sau ngày Saigon thất thủ, ..họ đã bị lùa xuống cùng một hố mà anh là một trong những người bắt buộc phải đào. Nghe kể ,chẳng biết hư thực thế nào mà cứ như ai bóp trái tim mình nghèn nghẹn…. Chúng tôi từ giã hai người chăm sóc mộ với lời hứa rằm tháng bảy trở lại để được hướng dẫn thăm ngôi mộ tập thể kia…


Trở ra bằng con đường khác với lúc đến , nó lạ đến tôi không còn nhận ra đó chính là con đường đẹp với hai hàng cây rợp mát dẫn vào nghĩa trang cách đây gần bốn mươi năm. Con đường cũng thay đổi, hai bên là nhà cửa san sát, chẳng có cây cối..cái nắng tháng tư rát bỏng đổ xuống mặt đường…


Cuộc chiến đi qua gần 40 năm. Nó đi qua thời gian nhưng nó chẳng đi qua nỗi nhớ của nhiều người , bởi nó quá phi lý, bởi nó quá khốc liệt, bởi nó quá tàn nhẫn. Cả cái dân tộc này, ở cả hai miền Nam Bắc có bao nhiêu người đã ngã xuống với cái mà ít ra họ đã từng nghĩ là điều tốt đẹp …Và giá mà nó thực sự đem đến điều tốt đẹp cho cái mảnh đất đẫm máu này …

...



Nghĩa Dũng Đài



                                Mộ người Chiến sĩ Vô Danh

                          

Mộ 2 vị tướng còn nằm lại







Những người lính còn nằm lại nơi đây







Hai ngôi mộ không còn tên tuổi...



                  
Một con đường ngập lá vàng trong nghĩa trang


37 nhận xét:

  1. những người con đã bỏ mình vì một cuộc chiến tàn độc, vô nghĩa . Bất nhẫn hơn là một thể chế đã ruồng bỏ họ suốt mấy mươi năm nay. Nhân danh một điều gì đó ? thật vô nghĩa khi đến ngày hôm nay cả cái dân tộc cũng vẫn mãi phải hò hét nhưng vẫn không đòi được quyền tự do và mãi khao khát cái hạnh phúc xa vời .

    Cảm thương những người đã hy sinh. Cảm ơn tấm lòng chị Gió đã mang đến cho họ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị về đây với cảm xúc khó tả Th Khanh ạ nhưng chị biết có một nỗi buồn mênh mang, có nỗi ân hận muộn màng khi đi dọc các khu mộ giữa một buổi trưa tháng tư đầy nắng.
      Nhìn những ngôi mộ mất tên tuổi, chỉ còn nắm đất lè tè cứ chực khóc ..

      Xóa
  2. Chị vẫn nhớ và tiếc nuối bức tượng người lính đặt ở ngay bên bên vệ đường, đường dẫn lên nghĩa trang Quân đội ngày ấy, và nhớ bài hát "Anh không chết đâu anh, người anh hùng áo đỏ tên .."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về để nghe những câu chuyện ở nơi này sau Saigon thất thủ mới đau lòng chua xót hơn chị ạ...
      Xem ra số phận dân tộc mình điêu linh quá chị nhỉ. Biết bao người ngã xuống ở cả 2 miền Nam-Bắc thế mà vẫn còn những "trắc trở" đeo bám đất nước.Xem ra ta có lỗi với họ quá nhiều...
      Cứ thấy sự thù hận đổ trên những ngôi mộ ..chát cả lòng.

      Xóa
  3. Chắc không xa, chính quyền sẽ cho phép tu bổ lại nghĩa trang này, như một biểu tượng của sự hòa giải, của tình đồng bào, để nhắc nhở về sự tàn khốc và phi lý của chiến tranh, để các thế hệ sau biết gìn giữ hòa bình... Bài viết của chị Gió rất nhiều xúc cảm... Những người như chị đến thăm góp phần an ủi linh hồn những người lính đã nằm lại đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng có thể thật sự hòa giải chứ ko chỉ là biểu tượng hén Toro..
      Đối diện với những ngôi mộ điêu tàn nơi này, mình nghĩ đến nhiều ngôi mộ khác bất kể chính kiến,họ là anh em , họ là đồng bào.

      Mình tin những người nằm đấy không còn hận thù..
      Hận thù thuộc về những người đang sống !

      Xóa
  4. Buổi thăm viếng và ảnh chụp của Gió đã thực hiện khoảng 1 tháng sau cuộc thăm chính thức của ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, và gần 10 năm sau ngày chính quyền quân sự Bắc Việt trao NTQD VNCH lại cho chánh quyền dân sự nên đã có rất nhiều đóng góp lớn nhỏ, tu bổ, tân trang từ các cá nhân, các nhóm ái hữu, các đoàn thể Quốc nội và Hải ngoại
    Đau lòng lắm khi vào đây vào khoảng 5, 7 năm trước.....

    "...nơi đây cũng không còn là cái nghĩa trang sạch đẹp rộng hơn 60 ha ngày xưa. Hơn 58 ha được sử dụng vào mục đích khác…"

    Muốn viết thật nhiều, nhưng đoạn trích trên từ bài viết của Gió đã nói lên tất cả.
    Cám ơn Gió, cám ơn tấm ân tình của Gió ....

    Trả lờiXóa
  5. Gió trở lại đây sau khi hỏi thăm nhiều người về vị trí của NT QĐBH..bởi bây giờ từ QLI nhìn vào ko thể nhận ra, bởi vì gần 40 năm mọi sự đã có nhiều thay đổi.

    Bước vào đây mới cảm nhận được sự đổi thay một cách khủng khiếp.
    Dù đã được tu bổ nhưng vẫn cảm nhận đầy đủ sự điêu tàn, khốc liệt của thù hận anh Ma ạ. Không thể diễn tả hết cảm xúc của mình khi thấy và nghe nhiều chuyện từ nơi này. Nghĩa trang là nhạn chứng của lịch sử, nó cho ta thấy sự khốc liệt, tàn nhẫn của cuộc chiến tranh phi lý mà dân tộc mình phải gánh chịu.Và hơn hết nó chứng minh sự chua xót của lòng hận thù..

    Rằm tháng 7 , Gió sẽ trở lại nơi này..

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết thật hay ,như dẫn người đọc đến tận nơi và dọc dài suốt mấy mươi năm cùng những huyền thoại một thời .Cám ơn bạn Gió .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn DN ,,
      Về, lại biết thêm nhiều điều, nghĩ thêm vài điều, buồn thêm vài điều...

      Xóa
  7. Cám ơn Gió đã post một bài có nhiều giá trị, và đầy ân tình....
    Hơn 20 ngàn anh em, chú bác tùng có "hộ khẩu" nơi đây cũng được an ủi và cám ơn Gió rất nhiều
    P.S. Hy vọng người Hạ sĩ Nhảy Dù của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu cũng sẽ ngỏ lời cám ơn Gió ! hahaha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Ma nhắc đến ĐKG Nguyễn Thanh Thu , Gió đạ tìm đọc về ông và bức tượng Thương tiêc...

      Xóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. 1- Bu tui đã đến Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng trị), không còn nhớ là có phải khai trích ngang hay không, và nếu có thì để người ta tuyên truyền rằng bao nhiêu vạn, bao nhiêu triệu người đến nhớ ơn các liệt sĩ. Nghĩa trang Quân đội gió đến phải khai báo là để người ta theo dõi còn những ai thương tiếc những người cầm súng chống lại “chính nghĩa dân tộc”. Đọc đoạn khai báo này bu thấy khó chịu đến gai người…
    2- Bu không tin những kẻ to đầu bên thắng cuộc xóa bỏ hận thù, thực sự muốn hòa hợp hòa gải dân tộc. Quan điểm giai cấp, quan điểm địch ta đã mọc rể trong đầu họ rồi, khó lòng mà nhổ đi được. Dưới con mắt họ các anh hùng trong quân lực VNCH chống Trung cộng đã nằm lại với biển đông ở đảo Hoàng Sa vẫn là ngụy quân.
    3- Đôi khi điên cả đầu không hiểu nổi đường lối ngoại giao của cái xứ sở này ra sao khi họ cho đục mấy chữ “chống trung quốc xâm lược” trên bia mộ các liệt sĩ đánh Tàu năm 1979 ở biên giới phía bắc. Kẻ cướp Hoàng Sa, cướp một phần Trường Sa, chiếm thác Bản Giốc, cướp mục Nam Quan …vẫn là anh em trong nội dung 16 chữ vàng. Tất cả chỉ vì cùng tôn thờ chủ thuyết cộng sản.
    4- Những người lính cả hai phía nằm trong lòng đất chỉ là những quân cờ trong bàn cờ ý thức hệ. Người Việt ngoài bắc ôm súng Nga súng Tàu bắn vào người anh em mình trong nam ôm súng Mỹ và ngược lại. Và cuối cùng thì dân tộc này được gì nếu không phải là nghèo khổ lạc hậu so với các nước lân bang mà xa xưa họ thua kém quá xa người Việt. Lác đác có người rời Việt Nam cho con đi học nước ngoài để mai kia không còn nô lệ bọn Đại Hán.
    5- Gió làm ơn mô tả đường đi, điểm đến, cái nghĩa trang Quân đội ấy để rằm tháng 7 tới bu tui đến viếng. Nếu gặp được gió ở nơi ấy thì hay bao nhiêu. Bu đã thắp nhang ở nghĩa trang Trường Sơn và nếu không một lần đến đây thì có tội với vong linh các anh ấy quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Gió cũng không biết khai báo để làm gì anh Bu ạ...Không nghĩ là đi viếng người chết mà phải mang CMND theo nên khi họ hỏi Gió muốn bật ngửa ...Người ta có trăm ngàn lý do để giải thích nhưng tựu chung chỉ là họ thich quản lý tất tật thôi. Gió nghĩ bụng :"Muốn thì chiều xem bay làm gì được tau" :)

      2.Hòa hợp hòa giải chỉ là một từ ngữ mang tính tượng trưng, nó là bước khởi đầu : HÒA HỢP : cùng ngồi xuống với nhau HÒA GIẢI : cùng bàn bạc tranh cãi để tìm ra cái chung có lợi cho cả 2 bên . Xem ra thì chẳng nên trông đợi ở cái gọi là "hòa hợp, hòa giải" này .Vì ngay cả lòng hận thù với người chết vẫn chưa giải tỏa thì nói gì đến hòa giải hòa hợp dân tộc ???

      3.Gió tin những người có tâm với cái mảnh đất đẫm máu này bất kể chính kiến, bất kể Bắc Nam đều có những câu hỏi như anh Bu...Và câu trả lời rơi vào khoảng không , LS sẽ trả lời .

      4. Gió cũng hy vọng được một lần ghé thăm NT Trường Sơn , thăm những người anh em ruột thịt nằm xuống ở một cái nghĩa trang khác nhưng vãn là nơi hư không. Gió tin nơi ấy , họ trả lại cho thế gian này nhiều điều, họ hiểu hơn về cái mà họ phải bỏ cả tuổi trẻ để về nằm lại nơi đây. Hận thù chỉ thuộc về người sống phải ko anh Bu ? Xem ra dân tộc mình buồn đau quá... bằng đó những con người hy sinh để ngày nay rẻo đất thân yêu này vẫn còn bao trắc trở, vận nước mình còn bấy điêu linh.

      5. Có dịp từ VT về Saigon anh Bu cứ hỏi tài xế là xuống NTQĐ BH ở đâu xem . Từ xa lộ đi vào sẽ dễ đi lắm, lại gần nữa, do Gió từ hướng Saigon xuống nên khó đi hơn vì mắc con lươn.
      Tháng 7 Gió sẽ trở lại nhưng còn tùy ngày nghỉ để đi anh Bu ạ.

      Cám ơn chia sẻ quý báu của anh Bu

      Xóa
  10. Bài viết của bạn quá hay, xúc động. Định viết dài, nhưng bác Bu đã nói thay rồi nên không cần nói gì thêm nữa. Mong sẽ có dịp đến thăm viếng nghĩa trang này. Nghĩa tử là nghĩa tận. Dân tộc này không biết sẽ bất hạnh đến bao giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn chia sẻ của anh Nano Bobi.
      Chỉ nghe câu hỏi của anh :"Dân tộc này không biết sẽ bất hạnh đến bao giờ." đã thấy buồn ngang trời rồi ..!!!

      Xóa
  11. Xin cảm ơn một nghĩa cữ cao đẹp của chị!Tôi cũng vẫn hứa trong lòng sẽ trở lại nơi đây thăm các anh!cách đây gần 40 năm khi đó bôi chỉ là một cậu bé đi với mẹ và vài bác hàng xóm có người con tử trận,tôi vẫn nhớ con đường vào nghĩa trang rất đẹp,nhưng những gì tôi thấy dưới trí óc non nớt là những hình ảnh đau thương xen lẫn sợ hải!Sẽ không chờ đợi"khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm...những mộ bia đều như nấm"như lời TCS,vì ngày ấy chắc còn xa lắm khi"thù địch" vẫn còn hiện diện trên QH đau khổ ,Tôi sẽ đến thăm các anh như một sự tri ân những anh hùng(nếu có thể mong chị tập họp bạn bè với những bạn chung lòng tưởng nhớ chọn một ngày đẹp trời để cùng nhau thắp một nén nhang thương tiếc thì hay biết bao !)

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn bạn hungle với những chia sẻ đồng cảm.
    Người Việt mình thường có câu mà tôi cho là rất nhân bản : "Nghĩa tử là nghĩa tận" nhưng xem chừng như cái chết vẫn không giải quyết được gì, những người nằm dưới mộ sâu vẫn còn phải chịu bao oan khiên từ những hận thù của người sống.
    Gần 40 năm , tôi trở lại đây để hiểu rằng mình đã nợ những người nằm lại nơi này một lời xin lỗi sau những lãng quên bằng đó năm và thầm hẹn sẽ trở lại. Tôi chia sẻ bài này như một lời gợi nhớ những lãng quên. Hy vọng có nhiều hơn sự trở lại nhưng để tập họp những người cùng một ý định để cùng trở lại nơi này thì e rằng ko dễ , thứ nhất là do đặc thù công việc mỗi người khác nhau, thứ hai là không an toàn với cách người có quyền suy nghĩ. Thôi thì cứ bạn nào có dịp cứ ghé lại một lần ...

    Trả lờiXóa
  13. * Có thể vào đây xem thêm Nghĩa Trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tước 30/04/1975
    http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/4024814397/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào link chẳng được anh Ma ơi ! :)

      Xóa
    2. Chắc Gió quên mang CMND? hahaha
      Tui mới copy & past được mà...ráng thử xem Gió, có hằng ngàn photo rất hiếm, đủ mọi góc cạnh của NTQD/BH trước 75.

      Xóa
    3. Gió vào xem được rồi anh Ma ơi ..
      Cám ơn anh :)

      Xóa
  14. Bài viết của bạn đã làm tôi khóc ròng .
    Xin cảm ơn bạn rất nhiều và mong được làm quen trên blog google .
    Chúc bạn an vui .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Son lu chia sẻ cảm xúc. Rất vui được làm bạn với anh

      Xóa
  15. đọc lại bài này lần nữa, e chỉ có cảm giác là buồn thay....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất buồn bố susu ạ. nếu mà em đứng trước cảnh này ..sẽ buồn khủng khiếp

      Xóa
  16. Viết trang sử mà già anh đất lạnh
    Âms không anh khi mọi người mãi nhớ ........................
    ............

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người nằm đây chắc không còn quan tâm quên nhớ , chỉ chúng ta là còn ray rứt vì nó thôi Trần Minh Lê ạ.

      Xóa
  17. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  18. E hiểu tấm chân tình của chị, Gió ạ. Chúc chị và gia đình có những ngày nghỉ vui vẻ và đầm ấm

    Trả lờiXóa
  19. Co dip em se den tham noi nay . Mong rang ngay do dat nuoc binh yen .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ ai cũng nên đến đây một lần cho dù đất nước chưa bình yên nếu có thể Tuan Le ạ.

      Xóa
  20. Đọc xong mà rưng rưng nước mắt.
    Buồn, thật buồn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đứng trước vẻ điêu tàn ở đây một buổi chiều tàn chắc còn buồn hơn nữa anh Từ Thức ạ...
      Tháng 7 , Gió sẽ trở lại, hy vọng có dịp kể chuyện cho bạn bè nghe. Cám ơn anh Từ .

      Xóa
  21. Nhắn bên Guestbook không thấy trả lời đành post thêm ở đây.

    Mới ngủ dậy nghe tin nhắn thật bàng hoàng tưởng chừng sét đánh . Thế là chúng ta mất đi một người bạn tài hoa. Giờ không biết nói gì, đầu óc choáng váng, thân thể run rẩy.
    Cám ơn Gió nhắn tin. Và nếu có liên lạc với gia đình VP thì cho biết, tôi có thể giúp gì được không nhé!
    Bác Từ

    Trả lờiXóa