Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

Muộn rồi đấy người ơi !!!



NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH VI ĐẠO
ĐỨC CỦA SINH VIÊN

41% sinh viên không thích cao thượng …
Có 36% SV đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt ,39% cho rằng tự do không phải là điều ai cũng cần.


“41% sinh viên không thích cao thượng “_ cái tít làm tôi hơi bị shock _Bài viết đăng trên báo Pháp Luật ngày 22/6/09 xin được giới thiệu cùng các bạn .
...............

Đây là một bài viết nói về một đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức- nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường Đại học tại thành phố HCM trong giai đoạn hiện nay” , đây là đề tài nghiên cứu cấp bộ đã được hội đồng khoa học phản biện đề tài đồng thuân đánh giá cao .Đề tài nghiên cứu đã cho thấy diện mạo SV hiện nay còn nhiều dao động, chưa rõ ràng trong việc lựa chọn lối sống và các giá trị đạo đức nhân văn

LÀM THEO LƯƠNG TÂM SẼ BỊ THUA THIỆT:

Một tỉ lệ khá cao , 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra có 32% SV chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức . Hơn nữa còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong SV . Cụ thể : 39% SV chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước ; 43% SV chấp nhận rằng có hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc.

Một tỉ lệ khá cao là 41% SV đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù , báo oán. Bên cạnh đó có 18% SV chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình.
Trong phạm vi quan hệ gia đình có đến 60% SV đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con.

NHIỀU KHI CHẤP NHẬN HÀNH VI TIÊU CỰC:

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy SV tự đánh giá về hành vi của mình trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn. Trong đó hàng loạt hành vi như : xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt cho người già và trẻ em, tự nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi, kiềm chế và tránh xúc phạm người khác, bảo vệ và trồng cây xanh, giúp người khác dù biết thiệt hại… thì lại không có hành vi nào được SV xếp vào mức rất thường xuyên thực hiện.


Nhiều hành vi tiêu cực cho thấy SV đôi khi hoặc nhiều khi thực hiện như : nói xấu người khác, tiêu xài lãng phí, trễ hẹn , gian lận và mưu mẹo trong thi cử, chưng diện lòe loẹt, nhậu nhẹt nói tục, chửi thề, xem thường người khác , cãi vã với cha mẹ, vô lễ với thầy cô và người lớn tuổi, đánh nhau , phá hoại môi trường ,sai giờ , xả rá bừa bãi, trộm cắp , mê tín dị đoan, rủ bạn bè xem phim sex, sống thử
                                                                                                Trương Hiệu



Những con số không vui , những con số nói lên nhiều điều tuy đã phần nào biết mà vẫn làm tôi bất ngờ . Điều đáng tiếc là công trình nghiên cứu không nêu ra được nguyên nhân tại sao những người trí thức trẻ bây giờ lại như thế .


Tôi chạnh nghĩ đến thế hệ chúng tôi cái thời đã xa . Cái thời mà mọi giá trị đạo đức cứ xanh tươi niềm tin . Chung quanh chúng tôi là ông bà ,cha mẹ , thầy cô , là chị Ba tàu hũ, cô Bảy hàng rong cứ hồn hậu giữa đời , cứ vất vả trong cái thật thà , lễ nghĩa .Cái thời mà những bài học đạo đức trong nhà trường và cuộc sống cứ hòa lẫn vào nhau như bản giao hưởng tuyệt vời .Cái thời mà anh chàng hippi tóc dài , quần loe đúng ở góc đường vẫn hiền lành như một chàng lãng tử . Cái thời không có nhiều những “người nhớn” làm bậy , tham ô vơ vét , ích kỉ , thực dụng như bây giờ.Cái thời mà những người trẻ chúng tôi không được dạy phải yêu một hình ảnh lý tưởng nào …mà lòng vẫn xanh ngời lý tưởng ,mà lòng cứ rời rợi ý nghĩa của những bài học làm người .Cái thời mà những cái xấu không trở thành “bình thường” như hiện nay


Tôi chạnh nghĩ và thương những người trẻ bây giờ .Họ nghĩ và sống như thế là điều tự nhiên thôi . Chung quanh họ có quá nhiều những minh chứng cho một sự tồn tại , cho cuộc sống “vinh thân phì da”, trong khi những bài học đạo đức trong nhà trường lại quá mỏng ,quá xa vời với cuộc sống và khi thế hệ đi trước không là tấm gương trong sáng thì đừng đòi hỏi thế hệ đi sau là một hình ảnh trong lành Trách người nhỏ một phải trách người nhớn mười .



Sẽ có người bảo : thì nhà trường và gia đình vẫn dạy chúng những điều tốt đấy thôi . Vâng ,nhưng những bài học trong nhà trường không minh chứng được điều gì , không đủ sức thuyết phục những người trẻ khi họ bước vào cuộc đời với muôn vàn thử thách . Bài học cay đắng và hạnh phúc ở đời sẽ dạy họ nhiều hơn , thực tế hơn những gì mà nhà trường và gia đình dạy họ .Chung quanh họ có bao điều chứng minh “đôi khi cao thượng lại là mù quáng…” .Và họ tìm con đường đi an toàn , thuận lợi nhất như cha anh , cô chú họ đã chọn đấy thôi.



Cũng lo đấy phải không ? Đất nước sẽ thế nào với những con số như thế trong một cộng đồng nhỏ những người trí thức trẻ cả nước ? Những người chủ đất nước mai sau sẽ làm gì đây . Tôi không thể hình dung được một đất nước sẽ sánh vai cùng các cường quốc năm châu bằng suy nghĩ , nhân cách của những người trẻ mang những thông số đáng buồn như thế !!!



Có lẽ nhiều "người lớn" và nhiều "người làm lớn" phải vắt tay lên trán thôi …muộn rồi .



43 nhận xét:

  1. Mới vừa comment ở entry bên dưới. Quay ra đã thấy cai tản này rồi! Để đọc cái đã!

    P/S: Zip còn định đọc từ đầu cái blog này kia chứ. Tật của Zip cũng hơi bị tò mò, hay tìm đọc bạn bè cả những entry đã cũ. Mỗi entry như một "mảng chân dung". Đọc nhiều "mảng" để "ráp chân dung" bạn bè....

    Trả lờiXóa
  2. Khổ. Thôi, mà nghĩ thì có làm gì được đâu chị ơi. Chán vậy đó.....

    Trả lờiXóa
  3. "Có lẽ nhiều "người lớn" và nhiểu "người làm lớn" phải vắt tay lên trán thôi …muộn rồi ."
    Chả có ai nghĩ đâu Gió.... Họ còn phải lao vào để kiếm sống, kiếm tiền lo chi cho mệt xác ,thời buổi này nó vậy..Ai nghĩ được gì cho xã hội là bị để ý,yêu nước mà còn bị bắt thì cái tốt chẳng bao giờ ngoi lên được ....

    Trả lờiXóa
  4. "Sẽ có người bảo : thì nhà trường và gia đình vẫn dạy chúng những điều tốt đấy thôi"...

    Đúng, nhà trường thời nào và ở chế độ nào cũng dạy học sinh những điều tốt, điều hay lẽ phải. Nhưng "dạy bằng mồm" cho đến "hình thành nhân cách sống" là hai điều hoàn toàn khác nhau! Nhà trường bây giờ dạy điều tốt bằng mồm đồng thời khuyến khích và giáo dục học sinh giả dối bằng chính "thực hành". Nhà trường này dạy học sinh nói láo trắng trợn ngay từ tiểu học, dạy học sinh hối lộ, đút lót, sống thực dung, ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi, sống thực dụng ích kỷ, nói một đàng làm một nẻo... ngay từ khi còn cắp sách đến trường.

    Dậy điều tốt theo cái kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy, hèn chi bao nhiêu năm qua "các nhà máy sản xuất nô bộc" liên tục tung ra thị trường hàng triệu triệu công dân chất lượng kém. Đó là chưa nói có "những điều tốt" không khác gì cái bánh vẽ, học sinh dù có nhỏ nhít cỡ nào cũng có thể nhận ra mình đang "bị ăn bánh vẽ", dễ gì chúng nó tin.

    Hậu quả là thế này đây!

    Trả lờiXóa
  5. Zip nói thêm điều này: Trong nhà trường có rất nhiều thầy, cô giáo đáng kính, những người thật sự có tấm lòng, có hoài bão sư phạm. Nhưng họ cũng đành bất lực trước cả một guồng máy giáo dục phi nhân văn đã vận hành kìn kìn từ hơn nửa thế kỷ nay ở miền Bắc và hơn 30 năm nay ở miền Nam này!

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn chị Gió đã viết một bài rất hay, rất có ý nghĩa, dù là ý nghĩa buồn, đau.

    Những con số này không chỉ biết nói, chúng còn biết khóc và đang kêu gào đến những ai còn tha thiết đến vận mạng của đất nước này, hãy ít nhất dành vài phút để suy nghĩ.

    Người xưa bảo, thanh niên là rường cột của nước nhà. Và sinh viên là rường cột của thanh niên. Chị Gió đã nêu rõ vấn nạn rất khó giải quyết nếu Việt Nam không có đủ điều kiện. Vậy điều kiện đó là gì? Mong các bạn góp ý với chị Gió nhé!

    "Điều đáng tiếc là công trình nghiên cứu không nêu ra được nguyên nhân tại sao những người trí thức trẻ bây giờ lại như thế".

    Chị Gió ơi, tôi nghĩ, đã làm được một công trình nghiên cứu đến như thế rồi thì dĩ nhiên tác giả phải đối diện với câu hỏi: tại sao như thế chứ. Tác giả không dám vì sợ đụng chạm đến những người "làm lớn" hay muốn kích thích sự tò mò của độc giả cho họ tự tìm câu trả lời?

    "Cái thời mà những người trẻ chúng tôi không được dạy phải yêu một hình ảnh lý tưởng nào …mà lòng vẫn xanh ngời lý tưởng ,mà lòng cứ rời rợi ý nghĩa của những bài học làm người .Cái thời mà những cái xấu không trở thành “bình thường” như hiện nay".

    Chị Gió vẫn là chị Gió với những câu văn thật hay, những câu đi sâu vào lòng người.

    "Trách người nhỏ một phải trách người nhớn mười"

    Và bây giờ ta trách "người nhớn". 20 năm nữa, thế hệ sau sẽ trách chúng ta hôm nay tại sao lại để cho lũ "người làm lớn" thiếu đạo đức làm tan hoang giềng mối xã hội. Trách nhiệm này rồi sẽ thuộc về ai?

    "Có lẽ nhiều "người lớn" và nhiểu "người làm lớn" phải vắt tay lên trán thôi …muộn rồi"

    "Người lớn" vắt tay lên trán, tôi còn có thể tin, nhưng không tin nổi là "người làm lớn" rảnh rang tay chân để vắt lên trán. Nếu không, giới bloggers chúng ta đã không phải làm cái chuyện bù vào sự mất mát của lề bên trái, phải không quí vị?

    Trả lờiXóa
  7. @nguyenphan: Cám ơn một cái comment hay và dài như một entry .Đôi lúc tôi cũng hay đau đáu về những việc mà thường thì người ta cho là "đàn bà" không việc gì phải nghĩ . Làm giáo dục nhiều năm , đủ thời gian để thấy cái mình đã làm được và cái mình chịu thua , đủ thời gian để thấy học trò mình càng lớn lên càng xa mình và những thứ mình đã cho chúng mà buồn . Tôi cũng hay gác tay lên trán lắm , mình cũng là người lớn mà , phải không ? Giá mà những"người làm lớn" cũng chỉ nghĩ mình là "người lớn" thôi , chỉ thế thôi thì may quá !

    Trả lờiXóa
  8. Thật ra, theo Zippo, Việt Nam đã có hàng ngàn công trình, đề tài nghiên cứu về thực trạng giáo dục, từ hơn 30 năm nay rồi. Rồi được cái gì? Rồi bị bỏ xó, mối gặm thôi, chẳng làm được cái gì cả! Cái có ích duy nhất của nó là nó cũng ít nhiều gióng lên một hồi chuông... rè [!] để dư luận đừng quên nó hẳn!

    Chúng ta đừng nói lớp trẻ. Nói cho chính xác hơn là "những lớp người lớn lên từ nền và do ảnh hưởng nền giáo dục CS". Chính chúng ta cũng lớn lên từ nền giáo dục này tuy chúng ta không còn trẻ nữa. Chính chúng ta cũng "bị thấm nhuần" lối giáo dục này đến nỗi, đấy, trước entry này không ít người sẽ nảy sinh ý nghĩ "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Chúng ta chẳng làm được gì đâu!".

    "Mỗi cá nhân, những suy nghĩ tự do "cá nhân chủ nghĩa" không bao giờ làm được trò trống gì, nó luôn luôn bị đè bẹp bởi sức mạnh tập thể". Đó chính là "tinh thần giáo dục" mà chúng ta thụ hưởng từ nền giáo dục nhồi sọ này!

    Trách gì thế hệ trẻ hiện nay. Chúng ta, và họ - thế hệ trẻ hiện nay - cũng cùng một lò mà ra thôi. Chúng ta hèn theo cách của chúng ta, theo thời kỳ của chúng ta, và lớp trẻ ngày nay hèn theo cách hiện đại của nó. Nhưng bản chất thì giống hệt như nhau, do cùng thụ hưởng một nền giáo dục CS!

    Trả lờiXóa
  9. Post comment xong, đọc lại nguyenphan và những lời tâm sự phía trên của Gió, thấy sao mà buồn, và cả lo. Lo cho "phận người lớn" chúng ta! Thôi thì chỉ vái Trời sao cho trong số người lớn, dù có hèn cỡ nào thì cũng còn đó một Tấm Lòng của người đi trước.

    Thôi, tui còn phải lo nồi cơm của tui, còn phải cơm áo gạo tiền! Ba cái vụ này bự chà bá luôn à, nói hoài cũng vậy! Híc!

    [Haha, đó, tui lại lòi chân tướng "nô bộc công thần" do "thấm nhuần tư tưởng giáo Mác và lưỡi Lê" rồi đó! :))]

    Trả lờiXóa
  10. @zipposgvn : Zippo có cực đoan quá không nhỉ ? nền GD nào thì vẫn có cái hay cái dở mà .Vấn đề Gió muốn nói là người ta quên một mảng rất quan trọng để hình thành nhân cách con người _ đó là xã hội_ mà xã hội là nơi thể hiện rõ nhất mối tương tác giữa người và người. Người trẻ sẽ tin những điều nhà trường và gia đình dạy khi người ta nhìn thấy những con người thật bước ra từ bài học đạo đức .Đáng buồn bây giờ là ta ít có những tấm gương thật tốt trong từng ngõ ngách đời sống trong khi lối sống ích kỉ , thực dụng lại đầy mứa từ người lớn .Chúng ta cần và phải làm sao có một xã hội tốt hơn thì những bài học trong nhà trường mới có ý nghĩ ...và khi những bài học trong nhà trường đủ sức thuyết phục thì xã hội sẽ tốt hơn .tất yếu đó là hai điều gắn bó

    Vấn đề không phải là ta chỉ phê phán .Còn gác tay lên trán nữa mà zippo

    Trả lờiXóa
  11. Thì Zip là một người đôi khi hơi cực đoan mà Gió! :))

    Nhưng Zip nói cũng không sai đâu Gió ơi. Nhìn cho kỹ vào vấn đề đi, sẽ thấy nền giáo dục này, từ bản chất của nó, đã dạy cho học sinh "cách sống khôn ranh, có lợi nhất cho bản thân mình" như thế nào. Trong nhà trường có bao nhiêu thầy, cô tốt, có Tấm Lòng [như Zip đã nói phía trên] và không ít người trong số này không phục lối giáo dục áp đặt do trung ương chỉ thị. Không phục thì làm gì được nhau nào? Dám làm cách mạng thay đổi tận gốc hay không? Hay chỉ lo lắng, than phiền và thỉnh thoảng làm những đề án, luận án nghiên cứu để giải tỏa rồi thôi? Zip từng đi vào ngành giáo dục để tìm hiểu và biết rằng ở Bộ có hàng ngàn đề tài tương tự bị xếp xó hàng chục năm nay tuy đề tài nào cũng được "đánh giáo cao". Trong khi đó, khi các nhà giáo dục học kêu gọi cải tổ giáo dục tận gốc, thay đổi từ chính nền tảng của nó thì mặc cho các vị gào, các vị lo, gần nửa thế kỷ nay có thay đổi được gì hay không? Không, thay sách giáo khoa thì có chứ làm cách mạng giáo dục thì không, hoàn toàn không! Và không!

    Đừng tưởng con nít bao giờ cũng như tờ giấy trắng và muốn uốn nó như thế nào thì uốn. Các công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ em từ năm lên 6 tuổi đã có khả năng nhận xét, đánh giá rồi. Chúng sẽ nghĩ như thế nào và nhân cách của chúng sẽ hình thành méo mó đến cỡ nào khi chúng phát hiện ra những điều mình được rao giảng là láo, là xạo, chính thầy cô còn không tin, không tin nhưng bị bắt buộc phải dạy, thì cái gì sẽ đến với tâm hồn chúng sau đó?

    Và ở đây, Zip không phê phán. Zippo nhận định và có vài lời oán thán vậy thôi. Hơn nữa, Zip vừa nói ở trên đó thôi ["Trách gì thế hệ trẻ hiện nay. Chúng ta, và họ - thế hệ trẻ hiện nay - cũng cùng một lò mà ra thôi. Chúng ta hèn theo cách của chúng ta, theo thời kỳ của chúng ta, và lớp trẻ ngày nay hèn theo cách hiện đại của nó. Nhưng bản chất thì giống hệt như nhau, do cùng thụ hưởng một nền giáo dục CS!"]. Nếu nói là phê phán thì hóa ra Zip đang phê phán chính mình, đang tự chửi mình hèn đó thôi!

    :))

    Trả lờiXóa
  12. Chỉ biết thở dài thôi Gió ạ, vì mình cũng đang loay hoay đây, nhà còn cô út đang khoác áo sinh viên, cá tính nhưng còn trong trẻo lắm. Chắc nhờ có mình bên cạnh, chưa tiêm nhiễm nhiều những tiêu cực xung quanh. Không biết như thế có phải là điều hay không?

    Trả lờiXóa
  13. Ôi! Đừng nói về giáo dục nữa. Buồn nhiều lắm rồi. Đạo đức HS xuống cấp trầm trọng. Đừng đỗ lỗi cho nhà trường mà gia đình và xã hội cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn. đặc biệt là XH. Xã hội đầy rãy những xấu xa, tệ nạn thì trách sao HS, SV thời nay sống thực dụng, đạp lên những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp để vun vén cho lợi ích của bản thân mình và sống thác loạn, thiếu niềm tin vào cái đẹp, cái thiện.

    Trả lờiXóa
  14. @Zippo:
    Trích Zippo: "Chúng sẽ nghĩ như thế nào và nhân cách của chúng sẽ hình thành méo mó đến cỡ nào khi chúng phát hiện ra những điều mình được rao giảng là láo, là xạo, chính thầy cô còn không tin, không tin nhưng bị bắt buộc phải dạy, thì cái gì sẽ đến với tâm hồn chúng sau đó?"

    Tôi nghĩ câu này của Zip đã đánh trúng huyệt của vấn đề. Nếu dòng đời cứ trôi mải miết như 60 năm nay thì kết cục của Việt Nam sẽ vô cùng bi thảm. Một phần thảm kịch đó đang diễn ra, và chúng ta đang là diễn viên trong thảm kịch này. Biết mà không làm gì được thì đau quá. Như khi nhìn thấy một chiếc xe chở đầy người đang lao xuống vực, mà mình thì chỉ biết bất lực đứng nhìn.

    Như từ trăm, ngàn nhánh sông, nếu lội ngược dòng mãi, các nhánh sông này sẽ gặp nhau ở một nguồn. Trăm, ngàn vấn nạn của Việt Nam chỉ có một nguyên nhân: đó là lãnh đạo bất xứng, độc tài, chỉ đặt quyền lợi của phe nhóm và cá nhân lên trên hết thay vì quyền lợi của toàn dân, của đất nước như bao quốc gia văn minh khác trên thế giới.

    Xin nêu một ví dụ trong lãnh vực kinh tế: Với tiềm năng từ con người, từ thiên nhiên, với sự giúp đỡ của các nước, số tiền người Việt hải ngoại gửi về hay mang về Việt Nam tiêu xài, giúp gia đình, Việt Nam của chúng ta thật ra có đủ điều kiện để phát triển thành một quốc gia hùng cường, chí ít cũng ngang ngửa với Thái Lan, một nước còn thua xa miền Nam trước thời điềm 30.4.1975. Nhưng không, Việt Nam vẫn hàng tháng ngửa tay nhận viện trợ. Lãnh đạo đi các nước cũng chỉ để xin viện trợ, vay tiền mà không hề biết xấu hổ. Trên thực tế Việt Nam vẫn là một nước rất nghèo (nhưng lãnh đạo thì giàu hơn lãnh đạo Mỹ, Đức, Nhật ngàn lần). Các xí nghiệp quốc doanh năm nào cũng từ lỗ đến lỗ nhưng vẫn phải là "bộ phận chỉ đạo kinh tế". Tham nhũng, nôm na là tình trạng ăn cắp của công, tràn lan từ phường khóm đến trung ương và đã trở thành nét văn hóa riêng, thành bình thường từ lâu. Càng kêu gào chống tham nhũng, tệ nạn này càng khốc liệt hơn.

    Nhưng có thật là chúng ta ở trong tình trạng tuyệt vọng, không lối thoát hay không? Tôi không bi quan như thế khi nhìn thấy chế độ độc tài đang lùi dần. Vụ Thái Hà là một minh chứng. Nếu xảy ra vào năm 2000, các linh mục Phụng, Khải, Thật chắc chắn đã phải đi tù ít nhất vài năm. Các vị trí thức quanh giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã dám đứng thẳng người lên tiếng chống lại "chủ trương bauxite lớn của nhà nước". Rồi luật sư Lê Trần Luật, luật sư Lê Công Định, ...

    "Freedom is not free", có đi mới có tới. Ngoài việc thở dài, mọi người có thể làm một việc rất dễ, nằm trong tầm tay và không nguy hiểm chút nào cho cá nhân và gia đình. Đó là tìm cách mang càng nhiều thông tin "lề trái" đến thân nhân, bạn bè, để họ luôn được cập nhật tình hình. Nhiều người biết chuyện, biết hiểm họa gần kề thì mới thấy có nhu cầu thay đổi nguyên trạng. Nhu cầu này mới có thể trở thành áp lực khiến nhà cầm quyền thay đổi.

    Ai cũng bị bắt buộc chịu đựng cảnh ăn cá ướp phân Urê? Mình thử ới nhau một tuần không ăn cá biển có ướp Urê xem các chủ tàu có chịu làm ăn như xưa không. Ăn phân Urê mãi, có ngày "trúng gió" ngã lăn ra chết mà không biết vì sao mình chết. Người chứ có phải cây cỏ đâu mà ăn Urê?

    Tội nghiệp chị Gió, bỏ công viết bài, nay lại phải đọc còm dài thậm thượt. Bức xúc quá mà!

    Nếu chưa đi ngủ thì ngủ ngon đêm nay chị nhé. Còn không thì lời chúc này ... dành cho đêm sau :-)

    Trả lờiXóa
  15. Ôi, đề tài này hay quá và các comments rất nặng kí ! Em phải đọc đi đọc lại entry này của chị ít nhất 5, 7 lần cái đã rồi sẽ chia sẻ cảm nhận của mình. Hugs

    Trả lờiXóa
  16. Một entrry không dễ comment bằng vài câu, chỉ có thể bằng ...một entry khác. Những comment trên đã nói gần như đầy đủ tâm tư của những người còn quan tâm đến tương lại đất nước rồi. Anh chỉ nói thêm một điều : Tình hình trước mắt đáng bi quan thiệt nhưng phải tin là nó sẽ thay dổi, sẽ buộc phải thay đổi. Những gì đi ngược với lòng dân, ngược với giòng sống tự nhiên sẽ bị xóa bỏ, do những yếu tố chủ quan hay khách quan. Phải tin như thế để sống thanh thản hơn, để, cho dù thỉnh thoảng có vắt tay lên trán nhưng không có cảm giác tuyệt vọng. Và nếu làm được gì trong khả năng của mình để cái kết cuộc tốt đẹp đó đến nhanh hơn thì nên làm.

    Trả lờiXóa
  17. Đọc comment của anh HG và anh NP thấy tràn trề niềm hi vọng. Em cũng hy vọng là như thế. Dù trước mắt vẫn còn nhiều gian nan nhưng thôi cứ hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.

    Trả lờiXóa
  18. thật đáng phải suy nghĩ, cảm ơn chị gió

    Trả lờiXóa
  19. "Tôi chạnh nghĩ và thương những người trẻ bây giờ. Họ nghĩ và sống như thế là điều tự nhiên thôi . Chung quanh họ có quá nhiều những minh chứng cho một sự tồn tại , cho cuộc sống “vinh thân phì da”, trong khi những bài học đạo đức trong nhà trường lại quá mỏng ,quá xa vời với cuộc sống và khi thế hệ đi trước không là tấm gương trong sáng thì đừng đòi hỏi thế hệ đi sau là một hình ảnh trong lành Trách người nhỏ một phải trách người nhớn mười"
    Entry này sẽ giúp thế hệ trẻ chúng em nhìn lại mình. Không phải họ không biết nghĩ, và cũng đôi lúc không phải họ nhìn những tấm gương đi trước, vì có những người không may lớn lên trong một gia đình, hoặc bị xô vào một môi trường sống không tốt chẳng hạn, nhưng họ đã vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy để không đi vào lối mòn của người trước để lại. Nên "người nhớn" cũng không phải day dứt nhiều... Mỗi người có một cách sống, một cách nghĩ khác nhau. Vấn đề là mình nhìn sự việc từ góc độ nào để thông cảm hay khiển trách thôi. Cảm ơn chị về entry đầy ý nghĩa nhé!

    Trả lờiXóa
  20. Mọi người com nhiều rồi, ghé đọc com thôi. Vẫn là đề tài nhức nhối!

    Trả lờiXóa
  21. Có lẽ em cũng mới qua thời sinh viên vài năm...Nhưng cũng đáng suy nghĩ...Mấy năm thôi nhưng cách suy nghĩ cũng khác lắm rồi...Biết làm sao được giữa cuộc sống như vậy..Người ta vẫn phải chấp nhận khi sống 2 mặt của nó...

    Trả lờiXóa
  22. Day la giai doan gia tri cu mat di nhung nhung gia tri moi chua duoc xac lap, viec xay dung mot he gia tri moi de xa hoi chap nhan thi can co thoi gian. Phan nghien cuu nay em da doc tuy nhien con rat nhieu yeu to can phai ban khi ta chua biet nguoi viet lay bao nhieu mau, lay mau nhu the nao....va cung can phai canh bao rang khong nen tin tuong tuyet doi vao cau tra loi trong bang hoi vi nguoi viet hay co tinh...noi doi khong chiu noi that nhung suy nghi cua minh....hihi

    Trả lờiXóa
  23. @daothanhhai: có những giá trị không bao giờ cũ . Chị cũng mong thế , mong rằng dù đã dược đánh giá cao của hội đồng khoa học cấp bộ thì nghiên cứu này vẫn có những khập khiễng về tính chính xác .Nhưng chỉ bình tĩnh nhìn và hiểu những người trẻ quanh mình những người có lòng với vận mệnh đất nước vẫn chưa đủ yên tâm bởi vẫn còn những biểu hiện đáng lo . Có một điều phải công nhận thế hệ trẻ bây giờ nhiều em thật giỏi , năng động , nhạy bén ...nhưng vẫn cần lắm người có tấm lòng vì chỉ những giá trị thật bên trong _ giá trị đạo đức nhân văn _ mới làm cái ác giảm đi và giá trị của tài năng thực sự gắn một cách hữu ích cho cuộc sống .

    Chị thích cách chia sẻ của em .Chị thì vẫn luôn tin lớp trẻ , các em sẽ làm được nhiều điều , chị tin thế khi chính các em hiểu và trân trọng những giá trị bên trong .Cám ơn em

    Trả lờiXóa
  24. Trăm năm trồng người nó là đây nè, chị à.Cho dù vẫn còn niềm tin vào lớp trẻ nhưng không ít thì nhiều niềm tin này đã lung lay . Em chợt nhớ những quy định vô lý hồi SG mới giải phóng : những trí thức trẻ được xem là có tội vì được đào tạo từ chính quyền SG , những thứ tự liệt kê cứng ngắc thành phần gia đình của thí sinh, của SVHS . Đã có bao nhiêu người hưởng lợi từ những chuyện trái khoáy này. Nó đã làm băng hoại cả một xã hội , vùi dập người có tài đồng thời làm lợi cho kẻ ăn theo bất tài vô hạnh .
    Không có những thay đổi tích cực thì câu hỏi của chị sẽ chính là câu trả lời .

    Trả lờiXóa
  25. @ ngocthuan1812:
    Vẫn phải tin thôi T ạ _ dù niềm tin có mong manh _ ta sống để tin mà . Đôi lúc chị cũng thấy mình bị lung lay đấy nhưng cuộc sống luôn chuyển động và cái giá trị thật sẽ tồn tại và ngóc đầu dậy thôi .Chị hiểu những gì Thuần nói vì chị đã từng là nạn nhân của những định kiến sai lầm ấy .Chị vẫn mong câu hỏi của mình được trả lời bằng những thay đổi tích cực . Em cũng mong thế , phải không ?

    Trả lờiXóa
  26. chị ơi! entry thật sâu sắc khiến thật xót xa và xấu hổ! đôi lúc cũng phải nhìn nhận một điều là do sinh viên phải không chị! cha ông đi trước đều có những bài học quý giá, đâu phải chỉ là một khoảng mù mờ của hiện tại, chỉ vì một phần e ngại và như chị nói một phần do " hoàn cảnh". Cái tôi phát triển ngày càng cao nhưng cái tôi lệch lạc thì con đường cũng mịt mờ chị nhỉ?

    Trả lờiXóa
  27. Chị Gió ơi chị đã nói ra một đề tài mà nhiều người quan tâm,em đã đọc tất cả comment thì những ý đó cũng trùng lập với suy nghĩ của mình thôi,em đang có hai cu nhóc hiện đang là sinh viên ,nhiều đêm em trăn trở không sao ngủ được,vì ngày xưa cháu còn ở với mình nó khác nhiều sau mấy năm sống xa nhà và hòa nhập vào môi trường sinh viên.Nhiều lúc em nhắc nhở thì bị các cháu cho rằng thời mẹ xa lắc thời chúng con,thôi đành chịu thế thôi.

    Trả lờiXóa
  28. @ mlan58 : Hình như ko phải chỉ ML , ai có con đang tuổi vào đời cũng lo lắng như thế . Lo bởi cuộc sống bây giờ bộn bề những cái xấu , con cái thì cách ta có cái ngạch cửa thôi mà đôi lúc muôn trùng . Chị vẫn nghĩ gia đình cũng là tác động không nhỏ trong cách hướng các cháu chỉ là đôi lúc vì lo quá mà ta nóng vội mà nóng vội lại kéo dài thêm khoảng cách giữa mình và chúng thôi .

    Tuổi trẻ bây giờ không tin vào những giáo điều , chúng tin vào những hành động .Khi những người lớn chung quanh muốn chúng tin và làm theo mình thì mình lại càng phải gương mẫu ( điều này khó phải không ?), sao để thuyết phục chúng rằng sống tốt đôi lúc có thiệt thòi, có đắng cay nhưng đó là chân lý,là nhân cách , sao cho chúng thấy có một phần khác giàu có hơn mà ta cần trân trọng đó là đời sống tâm hồn .Cái này cũng không dễ ML nhỉ ?.Ngày xưa chị một mình nuôi và dạy con đôi lúc cũng lúng túng , khóc thầm nhưng rồi chị hiểu , càng dùng chữ "phải" nhiều bao nhiêu lại càng thất bại . Chị cứ viết thư bỏ vào cặp sách ,vào túi áo con mình , chị rỉ rả với nó như người bạn .Cũng may cháu chịu đọc , có chuyển biến, càng lớn càng hiểu và trưởng thành hơn .Bây giờ không biết mấy đứa nhỏ có còn thích đọc thư không ML nhỉ ?
    Chúc em hết âu lo vì nhiều nỗi nhé !

    Trả lờiXóa
  29. Suy nghĩ của tuổi trẽ bây giờ tôi không hiểu nổi, thực sự đầu hàng, chắc tại lớn lên do giáo dục và ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa nên có sự suy nghĩ như vậy. Buồn, chán!!

    Trả lờiXóa
  30. Con của chị Gió quả là một người may mắn.

    Tôi thấy chỉ trách tuổi trẻ thôi thì có lẽ không đúng và không công bằng. Tuổi trẻ như cây non, trồng nó ở mảnh đất khô cằn thì làm sao bắt nó đâm chồi nẩy lộc xum xuê cho được? Muốn nó phát triển tốt tươi, phải mang cây trồng vào nơi đất cát phì nhiêu, nơi đầy đủ ánh sáng và bỏ công sức ra chăm sóc. Bất chiến không tự nhiên thành được, phải không các bạn?

    Chị Gió cách đây không lâu có viết một bài mà tôi rất tâm đắc: "Cám ơn thời tôi đi học". Bài này khiến tôi "để ý" chị và tìm thấy ở chị một người bạn ảo rất đáng quý (rất hy vọng sau này có dịp trở thành bạn thật hén chị Gió - hổng biết chị có chịu hông nữa?).

    Chị và thế hệ của chị quá may mắn, đã hưởng được một nền giáo dục có đầy đủ các giá trị đạo đức cổ truyền, giá trị về lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu tha nhân, giá trị về bổn phận đối với gia đình, cha mẹ, tổ quốc, tổ tiên; giá trị về nhân phẩm, trong sạch, ...kể không hết. Được như thế là nhờ các thế hệ đi trước chỉ, thế hệ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, ... đã giữ gìn giềng mối và các giá trị tốt đẹp để truyền lại cho thế hệ chị Gió.

    Câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta hôm nay là, chúng ta có muốn để lại điều gì tốt đẹp cho các thế hệ sau chúng ta hay không?

    Vài hàng chia xẻ với các bạn của chị Gió.

    Trả lờiXóa
  31. @nguyenphan: Tôi luôn coi nguyenphan và tất cả bạn bè là bạn thật đấy chứ . Khái niệm ảo và thật đôi khi lại là khái niệm về những điều vô cùng ảo phải không .

    Thật ra tôi luôn viết những điều muốn chia sẻ _ kể cả đôi khi viết về những cái rất riêng tư_ vì tôi nghĩ bản chất của blog là chia sẻ . Tôi hay nhìn lại quá khứ bởi nhiều lẽ , trong đó có cả lý do rất tự nhiên là bởi bây giờ sao có nhiều chuyện nao lòng quá ,đôi khi cứ tiếc mãi những giá trị tinh thần một thời là câu nói đầu tiên khi người ta gặp gỡ , trao đổi với nhau . Dĩ nhiên không phải bây giờ mọi cái đều xấu nhưng có quá nhiều cái không tốt , chưa tốt , có quá nhiều giá trị tốt đẹp mất đi làm mình lại hay ngoái lại tìm những gì đã mất .

    Nhưng như anh HG , như NP ,và tôi nghĩ cả những bạn khác nữa ta vẫn cứ phải tin rồi thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi và cái đẹp sẽ luôn có chỗ của nó . Vấn đề là bao giờ những hiện tượng đau lòng này được quan tâm đúng mức và ai có trách nhiệm phải quan tâm ? ( có phải tôi lại lo chuyện không phải của mình ko ?)Thôi thì làm được đến đâu trong trách nhiệm bé tí của mình thì cứ làm nguyenphan nhỉ ? Cám ơn bạn về những trao đổi luôn làm tôi suy nghĩ .

    Trả lờiXóa
  32. MAP M Offline

    Gió ơi!Hôm qua ...mà không ...bao giờ trên đường đi làm về em cũng phải ngừng ở một ngã ba để rẽ trái.Ngã ba này có đèn dành riêng cho rẽ trái và nhiều khi em thấy mình như một "quái vật" vì em cứ thản nhiên dừng khi đèn đỏ mặc kệ bao người khác thản nhiên quẹo trái khi không có đèn xanh bật lên ."Quái vật" vì nhiều khi em nghe những lời mắng mỏ rất thô tục từ ngay những ông bố , bà mẹ đang chở con.Như chiều hôm qua , có một "anh giai" đi xe Airblade cũng mắng xơi xơi em khi ảnh vượt đèn đỏ mà em lại dừng .Em quay sang nhẹ nhàng nói với đứa bé con ảnh đang ngồi đằng trước : Bố vượt đèn đỏ là chưa ngoan , lại còn mắng cô , con về dạy lại bố đi nhá !Ảnh chết điếng như nhận ra mình đang làm gì , nhưng liệu ấn tượng đó có phai trong lòng đứa bé con đó không?
    Chưa kể , TS HVS đã điều tra về SV sao không điều tra luôn đạo đức của giảng viên đại học .Theo em cái hình ảnh lồ lộ này mới là một điều đáng lên tiếng hơn ...
    Và em buồn Gió à!

    Wednesday July 1, 2009 - 06:37am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  33. Remil Offline

    Không phủ nhận trong lớp trẻ có rất nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực, tuy nhiện đa phần tâm hồn thì "thực dụng" rồi chị ạ. Không còn "tin ở hoa hồng" nữa. Buồn thay!

    Wednesday July 1, 2009 - 08:10am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  34. Chia … Offline IM

    Một su bao động...đến đau lòng,...
    Phải vây không Gio ?

    Tuesday July 7, 2009 - 06:51pm (PDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  35. Người… Offline IM

    Xã hội nào thì sản sinh ra con người ấy-đó cũng là qui luật tất yếu của cuộc sống thôi mà!

    Wednesday July 8, 2009 - 09:29am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  36. Anh Nguyễn Phan nói con của chị Gió là người may mắn. Riêng tôi, tôi thấy từ khi biết chị, tôi có thể đọc và tâm sự thật nhiều những gì mình nghĩ. Chắc tôi cũng hưởng sái một tí may mắn đó.

    Xin chia sẻ như sau:
    1. Khi làm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu có tính xã hội, nhà nghiên cứu nên phân loại các câu hỏi thành từng nhóm, từ dễ đến khó, từ do ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, do ảnh hưởng nhà trường, rồi đến xã hội. Các câu hỏi đặt ra phải được sắp xếp như thế nào đó để người làm thống kê có kết luận, mặc dù là kết luận ban đầu. Tôi thấy bài thống kê này là một mớ dữ kiện hỗn độn, tuy có nhiều con số đau lòng.

    Và khi thống kê có phần hậu quả của sự việc, nó sẽ hoàn chỉnh hơn - như chị Gió tự hỏi - nếu như bài nghiên cứu có phần nguyên nhân.

    2. Có một cái gì đó rất sai trong xã hội này. Lối suy nghĩ "làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt" của các em SV cho thấy các em chưa bao giờ được giải thích chữ lương tâm là gì. Một cách vắn tắt: lương tâm là một tấm lòng lương thiện. Nhiều người cư sử với nhau với tấm lòng lương thiện sẽ làm cho xã hội nề nếp và phát triển bền vững vì không ai lo ai lừa đảo, hay nói dối với mình cả. Ngay cả người buôn bán cũng phải buôn bán có lương tâm nghề nghiệp. Khi con người sống không bị kềm chế bởi lương tâm, xã hội sẽ điên đảo, và lúc đó tất cả con người trong xã hội đó sẽ đều thua thiệt. Đây là một suy nghĩ nông cạn nhưng có lý do của nó.

    3. Một đứa bé sinh ra hoàn toàn vô tội. Nó không được chọn lựa sinh vào gia đình nào, giàu nghèo, quyền thế hay thấp hèn, xã hội tân tiến hay lạc hậu. Chính cái xã hội đó, người lãnh đạo của xã hội; chính các trường học đó, thầy cô đó; chính cái gia đình đó, cha mẹ nó đã làm cho nó trở thành một người tốt hay người xấu. Tuy nhiên, cha mẹ ảnh hưởng đến con cái nhiều ở giai đoạn đầu, và xã hội ảnh hưởng ở giai đoạn sau. Cho nên, tôi tội nghiệp cho giới trẻ bây giờ nhiều hơn là trách họ.

    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  37. 4. Những người lãnh đạo, những nhà giáo, và phụ huynh phải là tấm gương để các em noi theo. Có hô khẩu hiệu hay, dạy hay, và nói hay cách mấy nhưng hành động thì hoàn toàn trái ngược, làm sao nuôi dạy con người.

    Hơn nữa, vấn đề tuyển chọn cả khi vào trường lẫn khi ra trường kiếm việc đều không công bằng, tiền và thế hơn trí tuệ, làm sao người đi học có thể tin tưởng vào một khuôn thước nào để noi theo và áp dụng.

    Trong xã hội phải có những tấm gương sáng về cả tài và đức người đi sau noi theo người đi trước.

    5. Để tạo một niềm hứng khởi, khi còn học tại đại học tại Canada, hằng năm, chúng tôi vẫn thường cùng với bạn bè tổ chức văn nghệ kết thân vào mỗi đầu năm học. Mở đầu của phần văn nghệ và dạ vũ là bài hợp ca "Học sinh hành khúc" của nhạc sĩ Hùng Lân:

    Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
    Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
    Lúc các quốc dân tranh đấu, hy sinh cho nền độc lập.
    Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
    Ðem hết can trường của người Việt Nam tiến lên.

    Ðiệp khúc 1 :
    Học sinh là mầm sống của ngày mai.
    Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn.
    Theo các thanh niên, sống vì giống nòi.
    Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.

    Ðiệp khúc 2 :
    Học sinh là người mới của Việt Nam.
    Ðã thoát ra một thời xưa tối ám.
    Ðem sức thanh tân chống mọi suy tàn,
    Học sinh làm xứng đời dân Việt Nam.

    Chúc quý anh chị một ngày vui.

    LMT

    Trả lờiXóa
  38. Mất cái reply rồi thinhmle ơi !!!

    Trả lờiXóa
  39. Chị viết và chỉnh sửa xong ở trong MS Word chắng hạn. Sau đó, chị copy và dán vào trong windows rồi nhấn submit. Nếu nó mất, chị vẫn còn bản trong MS Word. @;)

    Trả lờiXóa
  40. Sao mãi đến giờ mình mới biết cái entry "thú vị" này ta? hahaha

    Trả lờiXóa