Trang

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Dạy văn ...học văn...


Bây giờ đa số học trò rất sợ học văn , khác hẳn cái thời tôi đi học . Ngày ấy , dĩ nhiên cũng có những học sinh không giỏi văn , không thích học văn … nhưng chắc không là một hiện tượng đáng lo ngại như bây giờ .


Công bằng mà nói ngày xưa có nhiều thầy cô dạy văn rất giỏi , không biết ngày ấy thầy cô tôi có phải đánh vật với hồ sơ sổ sách , với những tiết dự giờ , với những ngày đi học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ , với những lần đổi mới phương pháp như chúng tôi bây giờ không nhưng mỗi tiết học với thầy cô luôn luôn là những giây phút thú vị mà cho đến bây giờ không sao tôi quên được .


Tôi nhớ thầy Huy dạy tôi môn văn năm lớp đệ thất , đệ lục ( lớp sáu , lớp bảy bây giờ) , chính thầy là người đã thổi vào tâm hồn nhạy cảm của tôi tình yêu văn học . Chúng tôi luôn chờ đợi giờ của thầy để được đắm vào những bài giảng đẹp đến ngất ngây . Lớp sáu ngày ấy chúng tôi đã đọc, đã học những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn , thầy thường tổ chức cho chúng tôi những buổi thuyết trình văn học . Mỗi nhóm được phân công đọc một tác phẩm và chuẩn bị trong vòng một, hai tuần –đó là những tác phẩm lớn mà ngay cả những đứa cháu tôi đang là sinh viên bây giờ cũng còn ngơ ngác khi nghe tên như Nửa Chừng Xuân , Cái ấm đất , Hồn bướm mơ tiên , Đời mưa gió , Dọc đường gió bụi v…v…- nhóm nào cũng cố gắng để phần thuyết trình tác phẩm của mình thật hay , thật suôn sẻ không bị bí khi các nhóm khác chất vấn nên chúng tôi đã phải đọc thật kĩ tác phẩm , phân công nhau tìm hiểu về tác giả , xuất xứ , nội dung chủ đề của tác phẩm , nét đặc biệt trong văn phong của tác giả , các nhân vật trong truyện .Mỗi buổi thuyết trình ,thầy trở thành khán giả chỉ theo dõi chúng tôi làm việc, chúng tôi đã phân tích chất vấn lẫn nhau để tác phẩm văn học ấy cứ trôi vào tâm hồn mình lúc nào không biết . Cho đến bây giờ , một số đoạn văn học từ ngày ấy tôi vẫn thuộc nằm lòng như đoạn văn về ngày khai trường của Thanh Tịnh hay đoạn cụ Tú Lãm nằm trên giường bệnh trong tác phẩm Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng .



Tôi nhớ thầy Đào Quang Mỹ dạy tôi năm đệ tứ (lớp chín ) , thầy là chủ nhiệm của tờ báo học trò Ngàn Thông ngày ấy nên chúng tôi – những đứa đang tập viết lách -cứ được khuyến khích viết bài gởi cho báo của thầy . Mỗi lần thầy giảng Kiều hay Chinh Phụ Ngâm là lũ học trò chúng tôi cứ há hốc miệng, mặt ngẩn tò te … quên cả đường về . Năm lớp 11 , tôi được học thầy Tô Nguyệt Đình - một nhà thơ - ,sau đó lại được học với thầy Thanh Trúc – một nhà sư – . Lên Đại học tôi cũng gặp nhiều vị thầy nổi tiếng như thầy Thanh Lãng – một linh mục – thầy Rật, thầy Lượng ở Văn Khoa những người thầy luôn thu hút được số lượng sinh viên vào giảng đường đông nhất . Các thầy không chỉ dạy chúng tôi mà trao cho chúng tôi chiếc chìa khóa để đến với văn học , tâm hồn chúng tôi cứ mở ra phơi phới với văn chương . Văn học giúp chúng tôi yêu cuộc đời , yêu con người , yêu thiên nhiên ,thích sống đẹp . Tôi tin rằng có thêm một người yêu thơ sẽ bớt đi một tội ác .


Ngày ấy , chúng tôi đọc sách cũng khác tuổi trẻ bây giờ . Chính vì phải làm quen với những tác phẩm văn học có giá trị nên chúng tôi không biết đến những truyện tranh nhảm nhí như bây giờ . Một lần đọc tập truyện ngắn Dọc Đường Gió Bụi của Khái Hưng tôi cứ bâng khuâng cả buổi chiều vì hình ảnh của hai cây gạo đầu làng , của con đường từ Hà Nội về quê với chiếc xe đạp cọc cạch trong cơn mưa xuân của nhân vật trong một câu truyện , về người phụ nữ kinh Bắc dịu dàng- vợ bác thợ rèn- đã làm nao lòng người thanh niên trên dọc đường thiên lý . Cái cảm xúc ban đầu ấy còn nguyên vẹn trong tôi cho đến bây giờ đến độ tôi không dám đọc lại tác phẩm vì sợ cái tâm hồn thơ trẻ ngày ấy mất đi … những cảm xúc chai sạn của tôi bây giờ làm hỏng cái tình yêu ban đầu của tôi dành cho Dọc Dường Gió Bụi .



Tôi tin không thể có trò giỏi khi không có thầy giỏi . Thầy không cảm xúc trước những tác phẩm văn học , trước những thân phận trong tác phẩm văn học , trước vẻ đẹp đích thực của văn học , khi thầy chỉ trả bài trước học trò trong mỗi giờ lên lớp, thản nhiên trước những khuôn mặt ngơ ngáo , những cái ngáp dài , những đôi mắt lơ láo bâng quơ của chúng thì con đường đến văn học của trò … vẫn còn xa lơ xa lắc , mọi đổi mới , mọi phương pháp chỉ là con số không . Bây giờ thầy cô giáo ít có thời gian đọc sách bởi đa đoan với biết bao công việc , biết bao quy định về chuyên môn. Nhiều thầy cô chưa xác định đúng từ loại, chưa viết câu ra hồn thì sửa bài cho học sinh một cách qua loa là … không có gì để ngạc nhiên !!!



Học sinh bây giờ sợ học văn , học yếu môn văn do rất nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân thầy cô giáo bây giờ đa số dạy văn … chán quá ! …bởi ngày xưa chính các thầy , các cô cũng học những giờ văn chán y như thế . Một số ít thầy cô dạy văn giỏi cũng dần chán ngán , mất cảm hứng trước những quy định khống chế về thời gian ,về chương trình , về mục tiêu bài dạy ,về cách đánh giá một tiết dạy của những người được gọi là thanh tra v..v… Dạy văn mà cứ chan chát , thiếu tính phiêu bồng , thiếu cái nhìn lãng mạn , thiếu cái hồn văn học … thì học trò chán học văn là cái chắc !!!



Cám ơn các thầy cô tôi , những người thầy một đời tôi tôn kính , những người thầy bây giờ đa số không còn , những người thầy giúp tôi hiểu rõ cái giá trị của mỗi giờ lên lớp , giúp tôi biết soi rọi bài giảng của mình trong từng đôi mắt trong trẻo , trong những khuôn mặt đẹp ngời ngời của đám trò nhỏ , những người thầy đã mở cửa tâm hồn tôi , chỉ cho tôi con đường thênh thang nhất để sống làm người dù làm người với bao đa đoan , trắc trở…..

15 nhận xét:

  1. Tạ Mi… Offline IM

    ...những người thầy đã mở cửa tâm hồn tôi , chỉ cho tôi con đường thênh thang nhất để sống làm người dù làm người với bao đa đoan , trắc trở…..

    Vẫn biết thế và vẫn sống chân thành với cuộc đời này phải không chị... (Mẹ em dạy Văn) @_

    Tuesday October 14, 2008 - 01:19am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  2. giaogia Offline

    Thầy Thanh Lãng vẫn còn dạy sau này huh Gió?? Sau 75 dạy văn là dạy chính trị thì làm sao mà hay được. Thầy chán ngán vì phải dạy những cái gò bó, dối trá, trò thì uể oải vì những giờ văn nặng nề, khô khan, chỉ khi dạy các em giỏi văn ở nhà(không lấy tiền) thì lúc đó mới nói ra ngoài chương trình được và các em vẫn như chúng ta thủa nào, vùng vẫy bơi lội thỏa thích trong biển cả văn chương.

    Tuesday October 14, 2008 - 02:04am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  3. ben t Offline

    Hình như em học văn không tệ , nhưng lại bị những thứ khác dụ dỗ đâm ra không cảm nhận văn tốt . Hoặc , em không may mắn gặp nhiều thầy cô tốt như chị nên cách dùng câu khi em viết cái gì đó có vấn đề . 'Cảm' thì em nghĩ mình cũng có khả năng , nhưng trình bày là một vấn đề rất nan giải . Sau này , khi lăn vào dòng đời em chợt nhận ra một người giỏi văn và ngoại ngữ có thể sai khiến rất nhiều người giỏi kỹ thuật .
    Bản chất của vấn đề phải chăng là số phận hoặc đam mê cộng thêm phần may mắn khi gặp được thầy cô mà mình kính trọng theo đúng nghĩa của nó ?!

    Tuesday October 14, 2008 - 02:05am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  4. Khói … Offline

    yêu văn và ham mê đọc sách ( đúng loại sách) sẽ khiến người ta sống tình cảm hơn phải không chị? đặc biệt là lòng tin đôi lúc được chấp cánh!

    Tuesday October 14, 2008 - 03:33am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  5. Gió Đ… Offline IM Gió ơi,

    Những thứ mà Gió va thế hệ của Gió đã được học va thứ văn chương của tư sản ma tư sản có nghĩa là xấu xa. Gió dã bị nhiễm nên bây giờ Gió thấy tiếc nuối.Thôi kệ Gió nhỉ.Lỡ rồi, chúng mình trót nhiễm thứ xấu, làm người xấu đã mấy chục năm nay cho xâu luôn đi Gió.

    Tuesday October 14, 2008 - 04:43am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  6. MAP M Offline

    Đặt vấn đề ra như Gió , ít nhất phải viết nhiều tragn.Tối nay em về sẽ lục lại bài viết về việc học để dạy văn ngày nay sẽ pót cho chị.Bi giờ mà tìm ra một THầy cô giáo môn Văn chịu cầm tờ báo , chịu bỏ tiền mua các truyện mới , truyện hay để đọc thì như ...lá mùa thu .Thôi đừng trách Mùa Thu , Gió à! lá trút rơi nhiều,đâu phải tại mùa Thu ...!

    Tuesday October 14, 2008 - 05:54am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  7. Lê Uy… Offline

    Chị ơi, có lẽ em phải comment cho chị bằng một entry, nhưng em phải chạy rồi ! Ngày mới vui vẻ chị nhé !

    Monday October 13, 2008 - 08:26pm (EDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  8. THỦY … Offline

    Ngày xưa,những tiết học văn đối với em như một cuộc dạo chơi đến những miền tâm hồn của thảo nguyên bao la,lãng đãng,có phải vì thế mà tâm hồn mình bây giờ lúc nào cũng thăng hoa?Em yêu những gìơ văn học,em uống từng lời mật ngọt của thầy cô giáo dạy văn,niềm say mê,không bao giờ lụi tàn.Rồi những giờ lên lớp của em,cũng đầy tâm huyết.Em muốn mình mang thông điệp yêu văn đến cho học trò của mình,và bây giờ những học trò của em vẫn thường nới gìơ dạy của cô Thủy Tiên,làm các em say mê thêm văn chương,những lời nói thế làm mình cảm động lắm chị ơi!

    Tuesday October 14, 2008 - 08:03am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  9. NgocY… Offline IM

    Học trò bây giờ ít nhớ nhiều đến thầy cô dạy văn và những giờ học văn như Gió . Một phần vì thầy cô không đủ thời gian và bản lĩnh để hun đúc tình yêu văn học và cảm xúc theo từng bài giảng trong học sinh . Vấn đề này vẫn còn nhiều trăn trở
    cho những ai tâm huyết với Dạy - học Văn hiện nay .

    Monday October 13, 2008 - 11:00pm (PDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  10. Chia … Offline IM

    Gió nhắc lại chuyện Học ngày xưa...trong mình bổng dậy lên Ký ức như còn rõ "mồn một" về năm mình thi vào Đệ Thất...Năm ấy, phải thi môn Tập Làm Văn và môn Toán Đố,...
    Mình nhớ "như in" đề thi năm ấy là Hãy bình giảng câu :" Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"
    ...tất nhiên là "nghĩa đen" lẫn "nghĩa bóng",...vv...
    Bây giờ, mà hỏi lại học sinh ý nghĩa câu này...Không biết thế nào hả Gió ?
    Mình có cảm nhận sâu sắc rằng...Dạy Văn, Học Văn không phải chỉ là truyền thụ và tiếp thu kiến thức về Văn học,...mà làm sao thổi cho được cái "hồn" văn vào người học,...
    ...làm sao để người học- vốn không phải là "một cổ máy" kia- vốn là một con Người, "rất Người" kia...thật sự bùng cháy, tỏa sáng...ngọn lửa "tâm hồn" vốn là "vô hạn" và luôn luôn cần sự nhóm lên ánh lửa của "Tâm hồn"...
    Cho nên, Học Văn ngày xưa...vừa được "giàu" về kiến thức Văn học, vừa được "giàu" về Tâm hồn, "giàu" về Tình cảm,...
    Bây giờ, học Văn chỉ được "nhiều" kiến thức, nhưng lại có khi bị "nghèo hóa" Tâm hồn...!!!
    Mấy dòng xin đươc "vu vơ, vu vơ" cùng Bạn hiền Gió Heo May...



    Tuesday October 14, 2008 - 04:20pm (PDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  11. Hoai … Offline IM

    Chỉ có những người YÊU VĂN (đúng nghĩa) và YÊU DẠY NGƯỜI (cũng đúng nghĩa) như Windy mới trăn trở trước sự khô cằn, vô cảm với văn chương của học trò hôm nay. Và chỉ khi nào ngành giáo dục (và cao hơn nữa...) của nước mình thật sự hiểu rằng DẠY VĂN LÀ DẠY NGƯỜI thì mọi chuyện mới khác đi. Rất may là còn có những thầy cô như Windy đang đứng trên bục giảng... Thanks.

    Tuesday October 14, 2008 - 07:24pm (PDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  12. Ms Thỏ Offline IM

    Văn là thế chị nhỉ? Em nhớ, SGK lớp 10 bài đầu tiên có câu: "Văn học là nhân học".
    Cám ơn entry này của chị "gió heo may"

    Wednesday October 15, 2008 - 01:04am (EDT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  13. Thu N… Offline Ngày xưa không ai bảo với bọn học trò như tụi mình "Văn học là Nhân học" nhưng mình lại được học với những người Thầy đúng là Thầy dạy Văn, được học những gì đúng là Văn. Rồi tới phiên chị cũng đã 35 năm dạy Văn, từ cấp 2 đến cấp 3, từ lớp 9 đến lớp 12 và cũng gần chừng ấy năm dạy lớp cuối cấp, chị thực sự hiểu nỗi khó khăn mà những người dạy Văn phải bị cuốn theo vào. Không thể có thời gian để nói thêm được những gì tâm đắc về một tác giả hay tác phẩm nào đó trong chương trình vì phải nhất nhất tuân theo bảng phân phối chương trình! Và có biết bao nhiêu điều đáng phàn nàn về cái chuyện phân phối chương trình đó! Cũng không thể phá bỏ cái gọi là 5 bước lên lớp để tùy nghi xử lý bài giảng của mình, cho dù mình biết mười mươi là nếu làm theo cách của mình thì sẽ tốt hơn cho học trò. Qui định là qui định. Mà chị thì hay phá lệ, chị hay chuyển bài làm ở lớp thành bài về nhà và dùng những giờ ấy để giảng thêm, Kiều chẳng hạn. Rồi nhớ hồi đâu năm 77, nhà thơ Xuân Diệu về Bến Tre, chị đã dẫn nguyên lớp bỏ học đi nghe ông nói chuyện thơ ở trường cao đẳng của tỉnh, và suýt bị kỉ luật vì điều đó! Bà HT trường bảo là nể chị lắm mới không cho kiểm điểm! Nhưng hóa ra, học trò chị lại nhớ những chuyện xé rào của cô mới lạ!
    Thông cảm lắm với Gió và các bạn đồng nghiệp môn Văn. Bao giờ cho đến tháng mười ?

    Wednesday October 15, 2008 - 03:08pm (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  14. Lan t… Offline

    Nói đến học văn thì em luôn nhớ những thấy cô giáo ngày xưa quá chị ơi, em là đứa chúa ghét văn vẻ ngay từ nhỏ nhưng hồi ấy không biết ghét môn văn chút nào, dù viết văn không hay và điểm văn không nhiều nhưng giờ học văn cứ êm đềm làm sao. Nhưng đến khi lên cấp 3 thì em sợ môn văn như sợ dịch hạnh đó chị, cứ đến giờ văn học thì y như rằng tụi em chỉ biết nghe và chép bài thôi, chép tràng giang đại hải, chép đến khờ người ra luôn, chép mà phát sợ, chép nhiều vậy mà có hiểu được bao nhiêu đâu, cho nên sau này em rút kinh nghiệm không bắt con gái đạt điểm cao môn văn, chỉ cần vừa đúng những gì nhỏ hiểu thôi cho đở bị áp lực trong học tập.
    Chẳng biết đến bao giờ bộ GGĐT có những thay đổi tốt cho việc học của con em chúng ta đây nữa. Nghĩ đến đời cháu ngoại của em, tự nhiên thấy thương quá chị ơi.

    Wednesday October 15, 2008 - 05:11pm (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa
  15. Hang … Offline IM

    " Nguoi ra di dau khong ngoanh lai
    Sau lung them nang la roi day"
    " ...nhu canh kien hoa vang"
    hihi, chi Gio oi do la nhung cau tho ma co giao day van da day ma em nho mai do.

    Thursday December 18, 2008 - 06:06am (ICT) Remove Comment

    Trả lờiXóa