Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Đi qua đi thế hệ tôi...




Điều quan trọng không phải là chúng ta sống được bao lâu mà là chúng ta phải sống như thế nào. (Bailey)…

Hôm qua tôi đã nói lại câu này với cậu học trò cũ khi nó đến thăm và xin một lời khuyên. Tiễn thằng bé ra về, tôi mang theo mình cái cảm giác có lỗi vì tôi cũng là “người lớn” trong cái đám “người lớn” mà học trò tôi bảo : “Càng ngày em lại càng mất lòng tin vào những người lớn quanh mình cô ạ!” !”. Câu nói của cậu học trò cũ làm tôi nhớ đến lá thư của một sinh viên trẻ gửi cho cô giáo mình mà tôi đọc cách đây không lâu với cái title : “CÀNG HIỂU THẾ HỆ ĐI TRƯỚC ĐAM MÊ CỦA EM CÀNG GIẢM”

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Chỉ cần đêm và gió.....



Tôi đọc thơ Nhiên thật chậm và nhiều lần …loạng choạng giữa những bận rộn, những chuyến đi nhanh, giống y như người ta được nghe một người bạn kể chuyện thì thầm vào những buổi tối trời không mưa, ít sao trời và nhiều gió, những câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng còi tàu mà cả người kể và người nghe đều không nhớ mình đã nói, đã nghe gì trước đó.

Nhiên làm thơ như kể chuyện, những câu chuyện loanh quanh không có bắt đầu và kết thúc nhưng là những câu chuyện đầy ma mị mà người nghe dễ bị cuốn vào những hình ảnh chỉ có hai màu đối nghịch ghì xiết nhau : đen và trắng .


một chỗ ngồi bỏ không
chân bước thầm thì trái tim tỉnh giấc
đêm ngái ngủnhững vỉa đường câmquá chén
tóc bồ câu dìu dịubay lẫn vào đêm
ậm ừ ký ức…………………………

(những bài thơ đêm 1)


tình thở dốc sóng sánh màu đêm tôi tặng tôi một thùng trống rỗng
thi hứng cầm chừngmùa qua đirã rời hy vọng
nghe gì không tiếng đập của cánh những con sẻ buồn ngày mưa

(những bài thơ đêm 2)


Người làm thơ là người cô đơn…cô đơn ngay cả khi họ không một mình. Tôi đặc biệt thích những bài thơ Nhiên viết cho mình _thì bài thơ nào mà người làm thơ chẳng viết cho mình ?_ Cái “tôi” trong thơ Nhiên là cái “tôi” không che giấu nhưng cũng không sẵn sàng để mở toang tất cả những ngõ ngách:

tôi vẽ chân dung tôi một cánh cửa khép hờ ngáp vặt
mái nhà của ngôi đền cũ
nơi cánh buồm giặt nghỉ ngơi tiếp giáp với dòng sông, lau sậy và cỏ dại
…………….

tôi vẽ chân dung tôi
đôi mắt màu xám lạnh
tình yêu của một chiếc thuyền gỉ mòn
thất lạc từ bến cảng


(Chân dung mùa đông)

Cái người đàn ông mà tôi biết : “da trắng gầy”, tóc dài, cười hiền, thỉnh thoảng buông lời thú vị giống y như người đàn ông là “tôi” trong thơ Nhiên. Cũng có người bảo thơ là một nơi chốn để người làm thơ sống một cuộc đời khác, nhưng với tôi, Nhiên đã sống cuộc đời mình trong thơ… nơi cái thành phố ngày hai buổi đi về, nơi tiếng sóng biển rì rào những lời rong rêu, nơi có tình yêu, có dịu dàng đêm và gió, nơi những quán cóc quen đến thế mà vẫn là nỗi ám ảnh thèm thuồng :


nhiều nhặn gì để kể tôi thèm một cuộc đời bên ngoài quán cóc
những ngõ tối à uômnhững ổ gà dập mặt ngã tư tha thẩn cột đèn
ngày vừa cũtôi ném vào đêm những chiếc ly thủy tinh vỡ vụn cơn say ràn rụa mặt đường
không chắc giữa đám đôngcó một tà khăn vẫy
mơ thấy mình bay trên những mái nhàđêm phập phồng ngực phố

(Ồ đời ta những ngày quán cóc)


Tình yêu trong thơ Nhiên không lạ, chẳng cố để nó thành nỗi nhớ của chia xa, chẳng cố để nó thành nỗi đau của bội bạc, nó giản đơn như tiếng guốc mộc sau hè, tiếng guốc mộc đi từ dĩ vãng gõ những nhịp dịu dàng vào trái tim của người đàn ông mang cái phập phồng của gã trai trẻ nửa ranh mãnh, nửa ngây ngô.


Tôi sống trên gác mái của tôi
Tôi ôm tất cả tiếng thở dài bận rộn của em sau giờ học
……………………
ngày em đi
chắc chắn không có gì lạ trong thành phố
những con dế mèn xưng tội
tháng chạp đang cháy đến giọt nắng cuối cùng
người đi bộ dọc theo con tàu biến mất
tôi đợi cho mùa đông nép mình gần cuộc sống của tôi
bằng cách im lặng lắng nghe tiếng gõ cửa đời tôi bằng guốc mộc

(guốc mộc)


Và cái gã trai có một nửa ranh mãnh ấy thỉnh thoảng lại hoàn toàn trở nên ngây ngô …Tôi yêu “bài thơ nhỏ về tình yêu..” của Nhiên

nơi anh đã lớn lên và yêu em
nơi đã dạy cho anh biết thế nào là hân hoan và khổ đau
một thành phố có nhiều mái hiên và bóng cây
những toa tàu và những ngã tư đường thơm mùi nước mưa thành phố
như tình yêu chúng mình

anh yêu nhất thành phố vào lúc này
khi những cánh cửa đều đã đóng kín
khi anh trở về lẻ loi như những cột đèn
đi trở lại những con đường dễ chừng em đã quên
những con đường chúng ta đánh mất nhau

những đêm như đêm nay
gió tháng chạp như một bản nhạc dạo
đánh thức những rung động cũ
mơ hồ tiếng thở xình xịch của những toa tàu
và đôi mắt ướt xối của em
mất hút

kỷ niệm như muốn bứt xé lồng ngực
kỷ niệm như con chim tránh rét
làm tổ trong anh.

(Bài thơ nhỏ về tình yêu)


“đêm dịu dàng thế kia, và gió…” cái tựa của tập thơ quyến rũ tôi ngay từ đầu, khi tôi chưa đọc bài thơ nào trong trùng trùng những ma mị thơ trong đó. Đọc thơ Nhiên cần thời gian để thấm , một cái cảm không cần và không thể cố gắng, nó giống như một sự bất ngờ có kiên nhẫn _ kiên nhẫn chờ đợi _

và đêm xuống anh tự pha cho mình một tách cà phê
một ít đường, cái vị đắng quyến rũ
tiếng thìa quậy trong thành ly
tiếng que diêm phụt cháy trong bóng tối
những lúc ấy sống dậy một thứ không khí chừng như đã quên
sống dậy những góc quán ngờm ngợp gió biển
những bãi cát tiếng sóng chạy cùng đường
sống dậy những đêm hè sặc sỡ
sống dậy bao nhiêu thứ mà anh phải mang theo, cái thành phố ấy
…………………………………………
và đêm xuống, khi anh đứng bên này đường
hai hàng me no gió
chờ một tiếng còi quen
tiếng còi rúc mười giờ
chờ những cột đèn phụt sáng
soi rõ căn nhà đang xây hồng hào khỏe mạnh
và đêm xuống, những đêm hè thoảng hương
tiếng trái chín rụng trong vườn
tiếng gió chạy trên mái ngói

những lúc ấy
không hẳn tôi muốn nói với riêng tôi
chúng ta yêu thành phố biết chừng nàophải không anh

(đêm dịu dàng thế kia, và gió...)


Đêm và Gió đều là hai thực thể, có thật mà lại dường như ảo ... Tôi thích cái chấm lửng của cái title , nó gợi cảm một cách đáng ngờ y như biển những ngày nắng ráo mà luôn ẩn giấu một cơn mưa rất vội...

Lâu rồi tôi chẳng gặp Nhiên, lâu rồi tôi chẳng làm thơ ...và lâu rồi tôi hình như chưa được ngửi mùi cafe giữa cái nồng nồng của mùi gió biển. Có nhiều bài thơ của Nhiên tôi cứ chừng như chưa đọc hết, nó giống như một dấu chấm lửng : "và gió...", nhất định tôi còn đọc lại thơ Nhiên những buổi tối khó ngủ...


Và..nhất định ta sẽ cafe ở Nha Trang Nhiên nhỉ ?
...

Tập thơ của Nguyễn Man Nhiên do chính Nhiên vẽ bìa

                      .Photobucket

.Photobucket.

Một lần hội ngộ ở Nha Trang..(Nhiên thứ ba từ phải sang)

Photobucket



Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Dịu dàng Tây Nguyên...



Chúng tôi đến Pleiku đúng bảy giờ sáng sau mười hai tiếng váng vất giấc ngủ chập chờn trên chặng đường dài âm âm bóng đêm với tiếng cựa mình, tiếng mớ ngủ, tiếng thở khẽ và cả tiếng ngáp mệt mỏi trên chiếc xe to kềnh. Xe băng qua những làng xóm, thị trấn, những rừng cao su bạt ngàn, những ánh đèn vàng buồn buồn của những ngôi nhà ven đường, băng qua cả những cơn mưa nhỏ hồi buông hồi tạnh mà tôi chỉ biết được qua cái gạt nước cứ vẫy liên hồi trên cái kiếng xe lấp lóa ánh đèn.

Chúng tôi quyết định rời Pleiku ngay ở bến để lên Kontum trước khi trở lại đây để về Saigon. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cảnh bị nhồi nhét trong một chiếc xe bé tí. Pleiku cách Kontum khoảng 50 km, tôi không thể nhìn thấy gì ở hai bên đường bởi bị lọt thỏm, che khuất trong chiếc ghế nhỏ bên cạnh một anh thanh niên cứ ngủ gà ngủ gật …


Xe thả chúng tôi bên kia cầu Đakbla , một khu gần trung tâm thị trấn Kontum khi nhỏ Liên bảo chú lơ trẻ tuổi chỉ cho khách sạn Đông Dương mà nó tìm thấy trên mạng. Kontum nhỏ bé cho tôi cảm giác bình yên ngay khi bước xuống xe khác hẳn một Pleiku có phần ồn ào , xô bồ và nhếch nhác mà tôi thoáng nhận ra. Khách sạn lớn mà ít khách, chỉ đặt là nhận phòng ngay không phải đợi. Tôi và Liên lên phòng rửa mặt và chuẩn bị rời khách sạn, nhỏ Liên không quên lấy thêm cái bản đồ trên mặt quầy khách sạn với nụ cười hóm hỉnh : “cho chắc ăn!”.


Trên vỉa hè bên kia đường trước khách sạn, những chiếc ghế be bé nằm dưới những chiếc dù đủ màu làm thành một nét đáng yêu của café phố núi Kontum. Dòng sông Đakbla hiền lành lặng lờ trôi giữa màu xanh của cỏ cây và màu vàng nắng của cái bờ kè . Xa xa là một phần của dãy Trường Sơn thấp thoáng trong bảng lảng mây trời trắng xóa. Chúng tôi ghé café Chuông Gió ăn sáng, ẩm thực ở Tây Nguyên chẳng có gì đặc biệt , ngay cả món bánh mì ốp-la cũng dở òm chỉ café là rất tuyệt.

Chúng tôi hỏi thăm đường và đi bộ từ Bạch Đằng đến Nguyễn Huệ để thăm ngôi giáo đường trăm tuổi. Nhà thờ tuyệt đẹp sừng sững màu nâu của gỗ giữa một khuôn viên rộng xanh bóng cây, tháp chuông cao vút sừng sững giữa màu nắng cuối hè. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Châu Âu pha trộn kiểu nhà sàn của người Bana. Trong cung thánh, những hoa văn Tây Nguyên trạm trổ khéo léo đến ngạc nhiên. Có một đôi thanh niên đang chụp ảnh cưới …màu áo trắng của cô dâu loang loáng giữa ánh sáng hiếm hoi bên trong thánh đường và ánh sáng lọt qua những chiếc cửa đóng kín…







Rời Nhà thờ Gỗ chúng tôi đi xe thồ qua những đường phố khá sạch sẽ, hiền lành của Kontum để đến cầu treo và nhà rông Konklor. Chiếc cầu treo dài gần 300m nối đôi bờ sông Đakbla , bên kia cầu là làng dân tộc Bana Konklor. Bác xe thồ kể nhà Rông trước mặt chúng tôi là nhà Rông vừa xây dựng lại thay cho cái nhà rông cũ bị đám thanh niên nghịch phá đốt cháy. Nhà rông nằm trên một khu đất được coi là vùng đất linh thiêng của dân làng với rừng cây hàng trăm tuổi. Trong khu đất rộng một cây sung to sừng sững như thách đố mưa nắng của núi rừng…


Chúng tôi trở về khách sạn với thỏa thuận cùng hai bác xe thồ dễ thương sáng mai lên Măng-đen. Buổi chiều ở Kontum buồn còn hơn buổi sáng, café Bờ Kè vắng hoe, tôi và Liên ngồi ở café Ngọc Linh cạnh khách sạn sau bữa cơm không ngon miệng nhìn bóng chiều buông dần xuống mặt sông, nhìn vạt nắng nhạt trên chiếc cầu Đakbla, xa xa, dãy Trường Sơn thẫm lại trong cái thứ tàn phai của buổi chiều phố núi.


Buổi sáng, Kontum thức dậy muộn, 6 giờ sáng mà đường phố vắng hoe. Mặt trời lấp lóa sau tầng cao của một ngôi nhà, nhả cái thứ ánh sáng huyền ảo xuống phố núi, đẹp đến ngẩn ngơ. Ngồi trong khu nhà hàng của khách sạn Đông Dương, ta có thể nhìn thấy toàn cảnh dòng sông Đakbla tuyệt vời trước mặt, dòng sông lờ lững trôi về hướng Tây nghịch ngợm trêu chọc ánh mặt trời phương Đông đang cố ngoi mình lên khỏi đám nhà cao tầng ngạo nghễ. Nhà hàng đãi một bữa ăn sáng bằng tiệc buffet thịnh soạn, tôi nhấp ngụm café đầu ngày bâng quơ nhìn tán cây xanh nghiêng xuống quán café bên cạnh khách sạn qua khung cửa kiếng.


Ấn tượng nhất chuyến về Tây Nguyên với tôi là con đường lên Măng- đen. Măng-đen là tiếng dân tộc Bana chỉ “một vùng đất rộng lớn” cách thị xã Kontum gần 60km. Xe chở chúng tôi trên Quốc lộ 24 đi qua thị trấn Kon Rẫy đến thị trấn Kon Plong để vào Măng-đen . Con đường đẹp như một dải lụa mềm uốn lượn giữa đại ngàn, một con đường quanh co, hiểm trở lướt qua những rừng cây bạt ngàn, qua ruộng ngô, đồi sắn, qua những thị trấn mới mẻ hoặc các buôn làng của người dân tộc Bana. Ngày chủ nhật, những người Bana đi lễ về dọc hai bên đường, những chiếc quần jean, áo pull lẫn với những bộ váy áo dân tộc đặc thù, vài mái tóc nhuộm vàng giống những thanh niên người Kinh duy chỉ có làn da và đôi mắt mở to bí ẩn là không thể lẫn vào đâu được, một vài thanh niên trẻ phóng xe bạt mạng xuống những con dốc đổ dài làm bác xe thồ le lưỡi nép sát vào vệ đường.

Đến thị trấn Kon Plong phải leo thêm 12 km đường đèo uốn lượn nữa mới đến Măng-đen. Ở độ cao 1100m so với mặt nước biển, Măng-đen nhiều thông, cảnh nên thơ và khí hậu lạnh như Đà Lạt. Nhiều ngôi biệt thự đẹp nằm ẩn sau rừng thông xanh . Dọc hai bên đường lên Măng-đen những vạt cúc dại nở trắng, xinh xẻo cứ lung liêng trong cái lạnh và những giọt nắng hiếm hoi. Chúng tôi lên Đồi Đức Mẹ ngắm những cánh rừng phía sau đồi, ngắm những chiếc ghế đá vắng tanh, ngắm vô số những lời tạ ơn và hoa đặt dưới chân tượng Mẹ Măng-đen hiền lành, cam chịu. Nhìn khuôn mặt hiền lành của tượng Đức Mẹ tôi chạnh nghĩ :có đức tin người ta có trong lành tử tế hơn không mà sao cuộc đời vẫn còn vô số những điều trái khoáy, đau lòng ?


Chúng tôi rời Măng-đen lúc gần mười giờ sáng mà hình như vẫn chưa thấy nắng. Không có thời gian nên chúng tôi không thăm được khu du lịch sinh thái Măng-đen mà chỉ gởi lại một lời hẹn. Theo con đường xanh chúng tôi ghé qua ngôi giáo đường thuộc xứ đạo Kon Xơmluh của người Bana và vào thăm nhà thờ theo hướng dẫn của ông cha xứ hiền lành. Về khách sạn ..chúng tôi giã từ Kontum để trở lại Pleiku.

Chúng tôi ở Pleiku hơn một ngày. Hơn một ngày với không chút ấn tượng về cái thành phố tuyệt vời trong một bài hát phổ thơ, thỉnh thoảng Liên lại nhắc Kontum với chút tiếc nuối vu vơ . Người ta bảo đến Pleiku phải thưởng thức món phở khô mà phở khô ở đây thật ra còn thua nhiều nơi bán phở khô ở Saigon. Cách nhau không xa mà hai thành phố Tây Nguyên khác nhau đến lạ, Kontum yên ắng, hiền lành bao nhiêu thì Pleiku lại ồn ào, bề bộn, nhếch nhác bấy nhiêu. Buổi chiều chúng tôi đi quanh vài con phố, chẳng thấy “buổi chiều quanh năm mùa đông”, chẳng thấy “phố núi đầy sương và cây xanh trời thấp thật gần” cũng chẳng thấy một “em Pleiku má đỏ môi hồng” nào để nôn nao cái dạ. Nhỏ Liên cười bảo : “Em biết tại sao ông Vũ Hữu Định đi dăm phút đã về chốn cũ rồi cô, có cái gì để ngắm nhìn đâu mà không về chốn cũ cho rồi” …

Café quán ở các thành phố Tây Nguyên cứ nhàn nhạt chẳng có phong cách nào rõ rệt. Hỏi thăm café Dinh Điền xưa nhiều người trẻ trố mắt ngạc nhiên, chỉ những người lớn tuổi mới biết, bác xe ôm có mái tóc hoa râm bảo: “ông chủ quán café Dinh Điền vẫn còn sống nhưng café Dinh Điền thì chết lâu rồi cô ơi!” . Chúng tôi ghé café Ana theo giới thiệu của một trang du lịch trên mạng ngắm ngày lướt qua khung cửa kiếng ngoài kia. Buổi tối, phố núi chỉ hơi se lạnh ….

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để đi thăm Biển Hồ Tơ-nưng cách thành phố Pleiku 8 km về hướng Bắc. Con đường vào Biển Hồ đẹp như tranh vẽ , hai bên đường là rừng thông xanh biếc. Tôi là du khách duy nhất vào Biển Hồ vào giờ ấy. Nhỏ Liên còn chờ ông xe thồ làm việc với Công An ở phố vì vi phạm luật giao thông. Hồ rộng mênh mông và đẹp đến ngây ngất. Đứng trên tòa nhà cao nhất khu Biển Hồ tôi lặng lẽ ngắm vạt nắng đầu ngày thả mình trên đám cỏ cây bên kia hồ mà nghe cái tĩnh lặng của mặt hồ tràn vào lòng mình một sự bình yên rất lạ … Mặt trời ló lên khỏi dãy núi đồi giữa đám mây trắng xóa đẹp đến sững sờ, ánh nắng bắt đầu lan nhanh trên mặt hồ lấp lóa như dát vàng…xa xa một chiếc thuyền câu bé tẻo teo dịu dàng nép sau một lùm cây biêng biếc. Hồ Tơ-nưng cứ như một nơi chốn tách biệt, không thuộc về một thành phố Pleiku hối hả ngoài kia… Chúng tôi rời Biển Hồ giữa trưa về khách sạn để chuẩn bị cho chuyến xe cuối ngày trở lại Saigon.

Chuyến xe lại băng màn đêm bỏ lại phía sau tôi một Tây Nguyên lãng đãng những ngày rong chơi. Ngay khi nhìn thấy ngọn đèn xanh đỏ ở thành phố thân thuộc này , tôi đã lại mơ những chuyến đi . Đó là những giấc mơ phiêu lãng lung linh nhưng con đường ngút mắt…


.KS Indochine ( Đông Dương) buổi tối

.


Con sông Đakbla nhìn từ KS
.

Cầu Đakbla

.


Sông Đakbla

.


Nhà thờ Phương Hòa rất xa nhìn từ KS Đông Dương

.

Mặt trời lên ở Kontum





Nhà thờ Gỗ ở Kontum

.


Cầu treo Kon Klor.


Nhà rông.

Đường vào Măng-đen.


..


Những ngôi nhà sau rừng thông xanh


.Nhà đón khách đến viếng Mẹ Măng-đen.

Trên đồi Đức Mẹ nhìn xuống con đường đất đỏ.

Những con đường vào Biển Hồ _ Pleiku.


.


.Biển Hồ Tơ-nưng Pleiku sáng sớm.


.


Mặt trời lên ở Biển Hồ _Pleiku.


...


Biển Hồ khi trời sáng..



.

Chiếc thuyền câu bé tẹo ven hồ

.


Đường Hoàng Hoa Thám _Pleiku giữa trưa.

Tôi ở nhà rông Kon Klor



Hoa cúc dại ven đường




Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Viết cho khu vườn yên tĩnh TỊNH AN VIÊN


Nếu có một nơi nào đó có thể cho bạn cái cảm giác bỏ lại ngoài cánh cổng gỗ màu nâu đen bóng loáng và trạm trổ khéo léo ấy một nửa mình, cái nửa của những vội vã , ưu phiền, cái nửa của những bon chen phố thị nháo nhác, mỏi mệt … để ngắm nhìn một nửa mình còn lại trong lành như cái thời thơ ấu lắc lơ xa được ngồi bên hiên nhà nhìn mẹ loay hoay bên chái bếp thơm phức mùi ngô luộc đầu mùa và vu vơ nhìn vạt nắng chiều tàn phai trên những mái ngói rêu xanh…nơi bạn có thể bắt gặp lại cái thứ kỷ niệm ngai ngái mùi hương đất của những cơn mưa đầu mùa… thì nơi đó chính là Tịnh An Viên .


Tịnh An Viên nằm ở thị xã Thủ Dầu Một _ Bình Dương, cách Saigon gần 20 cây số, tôi phải đi qua những con đường ngày xưa vắng teo, bây giờ đã dập dìu phố chợ và thấy mình trở thành kẻ ngốc nghếch đi đến đâu cũng phải hỏi thăm đường.

Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn hai ngàn mét vuông Tịnh An Viên được tách bạch bằng hai khu nhà hoàn toàn đối nghịch : một khu nhà đồ sộ được xây theo kiến trúc mới với thật nhiều những cánh cửa sổ mở toang đón gió trời thổi phần phật vào những chiếc màn gió màu mỡ gà tươi mới . Cầu thang dẫn lên các phòng ngủ bằng gỗ nâu bóng láng cho ta cái cảm giác có lỗi khi lỡ đi quá mạnh… Những dãy hành lang cứ như đằm lại bởi bóng cây che mát … Chỉ nghiêng đầu nhìn xuống ta có thể thấy ba ngôi nhà cổ màu nâu đen nằm ngoan ngoãn khiêm cung trong bóng lá xanh biêng biếc và tiếng chim ríu rít gọi nhau đâu đó trong khắp khu vườn….


Ở Tịnh An Viên bạn dễ chạm cái nhìn vào những hình ảnh của thứ ký ức xa vời nằm rải rác ở khắp nơi. Những chiếc bình, chiếc dĩa cổ, những bức hoành phi, bàn thờ, tủ đứng, ghế bàn, những bộ tách trà hay những chiếc giường ngủ, sạp nằm… đều mang nét cổ xưa của cung đình Huế. Tôi đặc biệt yêu những cánh cửa gỗ màu nâu và những cái ngạch cửa của những ngôi nhà rường, nơi mở ra một không gian nửa sáng nửa tối đầy vẻ thâm nghiêm, bí ẩn lập lờ dưới ánh đèn vàng đỏ luôn tỏa cái thứ ánh sáng yếu ớt như một tiếng thở dài cố nén ….




Buổi trưa, tôi một mình đi khắp ba ngôi nhà cổ . Nắng trưa hắt trên những mái ngói đỏ phơn phớt rêu xanh, nắng lượn qua những dãy hành lang im ắng, tiếng lá rơi khẽ, tiếng gót giày tôi nện trên nền gạch, tiếng gió khẽ khàng lướt qua những chiếc lá rủ , mọi cái đều bình yên đến lạ. Tôi ngồi bên ngạch cửa của ngôi nhà ba gian ngắm nhìn những đóa sen màu trắng hồng trong chiếc bình cổ, lắng nghe mọi âm thanh chạm vào cái thứ tĩnh lặng của khu vườn yên tĩnh …trong đó có cả cái thứ tĩnh lặng của chính lòng tôi…


Tôi và M từ giã chị Gia Minh về trước còn Dơi và Chụt ở lại về sau. Cơn mưa chiều ập xuống mỗi lúc một lớn hơn suốt con đường tôi về nhà. Đường phố bắt đầu lên đèn, cái lạnh thấm vào da .


Suốt một ngày, chúng tôi lướt qua cái an tịnh của không gian nơi đây bằng sự nhộn nhạo của những người khách mang tâm hồn phố chợ, chúng tôi đã nói cười, nhìn ngắm mọi ngõ ngách trong “Khu vườn yên tĩnh” bằng cái thứ xôn xao phố thị nhiều hơn là lắng nghe chúng bằng cái thứ an tịnh của lòng mình …


Nên chi tất cả chúng tôi đều giữ trong mình cảm giác chưa đi hết Tịnh An Viên. Nên chi trong thâm sâu, chúng tôi vẫn mong một lần trở lại “Khu vườn yên tĩnh”…
Nên chi, tôi lại tiếp tục giấu trong giấc mơ mình một lần được ngồi trên cái ngạch cửa nâu bóng nhìn buổi chiều phai tàn trên những mái ngói rêu xanh…
.



Cổng trước_ chụp từ ngoài vào

Photobucket


..Cổng sau_ chụp từ trong ra

        Photobucket.


.Mái ngói...

Photobucket.

.Chiếc cầu nhỏ từ cổng vào 
          Photobucket.

Những gian nhà cổ....

Photobucket...


Photobucket ..

.Photobucket.
..Photobucket.
..Photobucket.

                 ..Photobucket


          ...Photobucket.

     ..Photobucket



...Photobucket

.. Cửa nâu bóng
        Photobucket.

.Bên trong những ngôi nhà rường

Photobucket.
..Photobucket.
..Photobucket.
..Photobucket


..Chíếc võng.

Photobucket


..Hành lang

                 gPhotobucket..


        .Photobucket...

Photobucket.

Lối đi

            .Photobucket.

    .Photobucket.




Đọc tiếp ...