Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Cái roi....


Tháng tư gần qua …thấp thoáng đâu đó trên những con đường tôi qua mỗi ngày là cái nhìn tinh khôi của những chùm phượng đỏ đầu mùa . Mùa hè đến , mùa thi về …bắt đầu những ngày chạy nước rút …. Một số cô giáo trẻ trường tôi than vãn : “Gần thi rồi mà mấy đứa nhỏ nó lười quá cô ơi …lười mà còn lì nữa, nói riết không nghe … mà chẳng dám la mắng hay đánh roi nào ” . Tôi cười nói đùa …“Cứ đánh đi rồi …mai thành người nổi tiếng”. Dạo này cứ giở tờ báo nào ra là cũng ngán ngẩm vì những hiện tượng không vui của ngành .Có hôm mẹ tôi bảo : “Đọc báo thấy học trò bây giờ sợ quá ,con nói với con út đứa nào học thì học không học thì thôi đừng la mắng, khẻ tay nó mà mang họa đấy…” .


Bạo lực bây giờ xảy ra khắp nơi : sân cỏ cũng có bạo lực , bến xe cũng có bạo lực, hội hè cũng có bạo lực , đường phố cũng có bạo lực …nhưng bạo lực trong nhà trường lại là hiện tượng bất thường , một hiện tượng đau lòng một nỗi nhức nhối của xã hội .Hiện tượng thầy đánh trò ,trò đánh trò …rồi đến cả trò đánh thầy nghe cứ rát cả tai …nghe cứ đau cả lòng . Bao nhiêu năm làm nghề chưa bao giờ tôi có cảm giác xót xa nghề mình như thế …


Có hôm vào một trang blog của một bạn trong friend list , thấy một bài viết có hình một cô giáo đang nhéo tai một học sinh , bên cạnh là những học sinh khác có lẽ đang chờ đến phiên mình … một hình ảnh đúng là phản cảm được chính các em chụp lại để làm bằng chứng tố giác cô giáo mình ..Tim tôi cứ nghẹn lại . Tôi nhìn bức ảnh … cô giáo chắc phải giận lắm , hành động của cô bây giờ là hành động của sự tức giận không kềm nén được thế kia mà … Tôi tự hỏi : Các em đã làm gì để đến nỗi cô giáo mình phải nổi cơn như thế …chắc chắn không là chuyện bình thường … ngay cả việc dám chụp lại hành động xử phạt của cô cũng cho thấy học sinh bây giờ khác hẳn cái thời những người cùng lứa với tôi đi học .



Vâng , mọi cái bây giờ đã quá khác …những đổi khác không thể không có nhưng những đổi khác xấu đi là vấn đề ta cần suy nghĩ . Tôi chợt nhớ những cái roi thời mình đi học .


Ngày học lớp mẫu giáo ở ngôi trường của các soeur tôi đã nhìn thấy những cái roi mây dài đánh thẳng xuống tay những đứa trẻ không tập trung trong giờ học là tôi và bạn bè tôi thời ấy .Các soeur cũng không ngại ngần nhéo những cái tai non nớt mong manh của chúng tôi để lại những vết đỏ như son hay tím bầm rướm máu . Tôi nhớ những cái khẻ tay của người thầy dạy tôi năm tiểu học , những cái quất nện xuống mông đám con trai làm tôi xanh cả mặt . Tôi nhớ thầy Chu Ngọc Thủy _ giáo sư nổi tiếng môn Sinh vật của Saigon ngày ấy và những cái khẻ tay không nhân nhượng của thầy với cả những tu sĩ học cùng lớp với tôi năm thi Tú Tài II. Nhưng chưa bao giờ tôi bắt gặp sự phản kháng của bọn trẻ chúng tôi với những cái roi của thầy cô , chưa bao giờ tôi thấy một sự phản kháng nào của một phụ huynh học sinh với giáo viên đã xử phạt con mình thời ấy. Và tôi chắc rằng, không có đứa học trò nào ngày ấy, bây giờ nhớ lại những “cái roi” để giữ lòng thù hằn với thầy cô của mình, chưa kể, không ít người mang ơn những cái roi một thời như những lời nhắc nhở , như cái dắt tay giúp họ thành người .


Cái roi … tôi cho rằng thời nào cũng thế…nhưng những cái đánh xuống thì hình như không còn mang cái giá trị của sự bảo ban , nhắc nhở như ngày xưa nữa…nó được thay bắng một cụm từ giống một “cái roi” khác chua chát hơn đánh vào cái tâm người thầy :“vi phạm nhân cách học sinh” . Đôi khi tôi cứ tự hỏi : Thật ra thì vị trí người thầy bây giờ là ở đâu ? Nếu chỉ ở trên bục giảng thì người thầy chỉ là “người thợ _ thợ dạy”_. Nếu ở dưới bục giảng thì người thầy chỉ là người bán chữ …mà xem chừng món hàng bán ra sòng phẳng đến đau lòng . Người đi dạy chỉ là “người thầy” khi bản thân họ đúng là thầy và khi họ thực sự được tôn trọng như một người thầy.



Nói thế không hẳn là tôi ủng hộ việc giáo dục bằng đòn roi …Nói thế không phải tôi bào chữa cho một số thầy cô dùng cái roi như một phương pháp giáo dục, như một cứu cánh cho sự bất lực của mình. Nói thế chỉ là tôi muốn nhắc lại rằng đã từng có nhiều thế hệ trưởng thành từ những “cái roi” ấm áp tình yêu thương, những cái roi mà xã hội chấp nhận như một lời giáo huấn : “thương cho roi cho vọt” hay “đòn đau nhớ đời” .Nói thế để thấy rằng khi người thầy giơ cái roi lên không bởi những áp lực , không bởi cơn giận quá độ và khi nện cái roi xuống nó trở thành cái đánh từ lòng yêu thương tôi tin rằng đó là những “cái roi” nhân bản và đầy tính giáo dục …mặc dù nếu không phải dùng đến cái roi vẫn là tốt biết bao .


Không biết có phải là quá không khi tôi cho rằng hình như chưa bao giờ lại có một thế hệ học trò “phát huy cái quyền” của mình cao độ đến … đáng lo như bây giờ … và cũng chưa bao giờ lại có một thế hệ người thầy ngơ ngác vì bị tổn thương như hiện nay .Khi người ta nói đến cái quyền quá nhiều với lũ trẻ , khi người ta gán cho những cái roi , những lời la mắng là “vi phạm nhân cách” với những con người đang được học “thế nào là nhân cách” mà quên dạy chúng biết thế nào là trách nhiệm của mình đối với bản thân, đối với thầy cô ,với cha mẹ ,với cộng đồng thì quả là sai lầm …và cái hậu quả chính xã hội này sẽ phải gánh chịu.


Có lẽ nên có một cái nhìn khác trong cách giáo dục bọn trẻ .
Có lẽ nên có một cái nhìn khác về vai trò người thầy trong mối quan hệ với học trò , với xã hội hiện nay …
Hãy trả lại người thầy cái chỗ đứng của họ trong ánh mắt tôn kinh của học trò , trong sự tôn vinh thật sự của xã hội chứ không chỉ là những mỹ từ nổ như pháo hoa trong ngày 20 tháng 11 hàng năm .


Hãy trả cho “cái roi” giá trị thực sự của nó _ cái giá trị khởi đi từ cái bắt đầu giơ lên của chính người thầy. Và người làm công việc giáo dục chỉ thực sự xứng đáng đứng vị trí của mình khi chính mình hiểu hơn ai hết cái giá trị thật sự của “người thầy” trong ánh mắt của đám trẻ nhỏ kia.


Trong số những học sinh từng chụp lại những bức ảnh nhằm tố cáo hành vi của cô giáo mình , những học sinh đã từng vung tay đánh lại thầy mình để phản kháng những cái roi … có thể sẽ có những em rồi sẽ làm thầy sau này …. Mong rằng khi ấy các em sẽ hiểu hơn tấm lòng của những người thầy đã từng bị quất lại bằng những “cái roi” còn đau gấp ngàn lần cái roi họ từng cho các em với ý định tốt đẹp .


“Lương sư hưng quốc” _ Tôi nhớ cái tấm biển đỏ khắc chữ vàng nằm trang nghiêm trong phòng giáo viên ở ngôi trường cũ … Có lẽ bây giờ ngay cả những “lương sư” cũng chừng như chỉ biết thở dài…

Tháng tư sắp qua …mùa hè đầy nắng ….

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Cám ơn vì em là ...phụ nữ



Hôm qua đọc được bài viết hay của một người bạn (*) là một nữ doanh nhân thành đạt _ một người có nhiều may mắn trong cả thương trường và gia đình _ bài viết của một phụ nữ viết về vai trò của những người phụ nữ thời đại hiện nay , bài viết với những trăn trở đau đáu những nỗi niềm …bỗng dưng tôi suy nghĩ nhiều điều rồi tự hỏi : Ngày nay người phụ nữ tài giỏi hơn, xinh đẹp hơn ,năng động hơn, có nhiều thuận lợi hơn cái thời bà và mẹ tôi chỉ là người phụ nữ của gia đình … thế sao hình như họ lại ít hạnh phúc hơn ? thế sao nề nếp, hạnh phúc gia đình hình như chông chênh hơn ?



Tôi nhớ mẹ tôi … Thời thơ ấu của tôi luôn có bàn tay mẹ ,từ cái quần, tấm áo , từ những nét chữ đầu tiên , từ lời răn dạy …bà luôn là hình ảnh gần gũi, là cái bóng ấm áp , thân thuộc ra vào nơi mỗi ngày chị em tôi lớn lên , là cái nắm tay kéo lại mỗi khi chúng tôi đi chệch đường .



Tôi lớn hơn , cuộc sống gia đình bắt mẹ tôi phải lăn lộn đi làm phụ với bố tôi nuôi 6 đứa con đang tuổi ăn học ..Tôi thay bố mẹ chăn 5 đứa em nhỏ nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác thiếu vắng mẹ , bà dành thời gian nói chuyện với các con nhiều hơn khi có thể ,thi thoảng được ngày nghỉ chị em tôi lại được bà dắt đi xem phim , tôi vẫn nhớ chiếc xích lô máy của Saigon ngày ấy và hình ảnh chị em tôi hớn hở ngồi quanh mẹ chỉ trỏ giữa phố Saigon . Cái khuy bị đứt, cái áo sút chỉ vẫn là bàn tay mẹ ân cần may vá lại , mẹ dạy tôi nấu những món ăn đơn giản nhằm thay mẹ lo cho các em ngoài giờ đi học …Ngày tôi thi tú tài mẹ xin nghỉ để đưa tôi đi thi , bây giờ mỗi khi có dịp đi ngang qua trường Nguyễn Thị Minh Khai ( trường nữ trung học Gia Long ngày xưa) tôi lại nhớ dáng mẹ ngồi bên hông chùa Xá Lợi đợi tôi giữa trưa Saigon vàng nắng .…



Ngày ấy …những ngôi nhà dường như luôn mở cửa ,những người phụ nữ ra vào sau những cánh cửa ấy nhiều hơn , tiếng xào nấu từ những gian bếp thường xuyên hơn , bữa cơm gia đình cũng là hình ảnh thường nhật hơn . Kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào bàn tay người đàn ông nên đa số người phụ nữ chỉ dành thời gian nuôi dạy con cái , chăm sóc gia đình … Hình ảnh người mẹ trẻ mỗi ngày bế con ra ngõ chờ chồng về là hình ảnh của những giấc mơ thầm kín mà đa số những cô thiếu nữ thời ấy thường mơ ước . Hạnh phúc giản dị là thế nhưng hình như sự đổ vỡ gia đình ít hơn , tình cảm gia đình gắn kết hơn , những hiện tượng tha hóa của xã hội hạn chế hơn .



Cuộc sống là những thay đổi không ngừng . Bây giờ ,vai trò của người đàn ông trong xã hội và gia đình chừng như không còn chiếm vị trí thượng phong như xưa nữa . Người phụ nữ có mặt trong mọi ngõ ngách xã hội bằng bước chân uyển chuyển mà tự tin . Dù được ủng hộ hay không, họ vẫn có mặt trong hầu hết các lãnh vực , thậm chí có nhiều người phụ nữ còn làm tốt hơn các ông và không ít những người phụ nữ làm nên một thương hiệu , tên tuổi bay khắp nơi ….



Đứng ở một nơi khác tất nhiên cái nhìn sẽ khác , suy nghĩ sẽ khác, mơ ước sẽ khác và ..cách sống sẽ khác … Người phụ nữ bắt đầu đầu tư nhiều cho mình hơn về mọi mặt: kiến thức , học vấn , sắc đẹp và cả các mối quan hệ xã hội . Những đức ông chồng bỗng thấy mình kém hơn một chút , vợ mình ngày càng xa mình hơn một chút …và sự bình yên trong gia đình bắt đầu xáo trôn .Phàm thì cán cân , khi bên này nặng hơn thì bên kia dù chẳng bớt đi cũng tự nhiên bỗng nhẹ … Thời gian dành cho công việc nhiều quá , thời gian dành cho gia đình sẽ tự nhiên ít đi , người phụ nữ ít còn thời gian chăm sóc gia đình , những đứa con ít được sự quan tâm dạy bảo uốn nắn kịp thời của mẹ . Họ cho con quá nhiều những điều kiện thuận lợi về vật chất và rút lại những điều mà ở tuổi chúng cần có đó là sự ân cần chăm sóc , sự thông cảm ,sự có mặt đúng lúc để bảo ban,an ủi chúng …Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân những hiện tượng hư hỏng của thanh thiếu niên trở nên đáng báo động như hiện nay.



Dĩ nhiên cũng có những người phụ nữ cố gắng để hoàn thành một lúc hai chức năng của mình …Nhưng từ đó lại gây hiện tượng quá tải cho họ . Áp lực lâu ngày là nguyên nhân dẫn đến trạng thái gắt gỏng , cô đơn , stress và trầm cảm của nhiều phụ nữ. Như thế ....dù thế nào , dù cố gắng đến đâu , họ cũng chưa thể chạm vào hạnh phúc từ những mơ ước tốt đẹp của mình do những đòi hỏi của công việc và gia đình .



Tôi không phải là người bảo thủ đến độ ủng hộ hoàn toàn hình ảnh những người phụ nữ chỉ loay hoay trong bốn bức tường gia đình , chỉ biết đi ra đi vào , đầu tắt mặt tối với cái cái gian bếp nhỏ , chỉ biết có cái tổ ấm của mình …Nhưng sau nhiều năm vật lộn với công việc , có những lúc lên cao , có những lúc thấy công danh chỉ là bọt biển , nhìn chung quanh mình thấy những đổ vỡ cùa bạn bè, của những người quen biết, tôi bỗng ngộ ra rằng : Người phụ nữ luôn là người của gia đình dù ở bất cứ thời đại nào … nếu chưa hiểu điều đó người phụ nữ chưa hẳn đã là người cống hiến cho xã hội những điều cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Gia đình là tế bào của cái thân thể xã hội …Cái thân thể ấy đang nhiễm bệnh , chăm sóc tốt cuộc sống yên ổn của gia đình , nuôi dạy tốt những đứa trẻ của mình ..bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ của mình trong cơ quan là người phụ nữ đã cống hiến cho cuộc đời cho xã hội này quá nhiều những điều tốt đẹp …mọi danh lợi khác chỉ là phù phiếm … Khi người phụ nữ dành thời gian của cuộc đời mình cho công danh nhiều quá sẽ có lúc lạc đường thôi …và con đường trở về e không còn bằng phẳng .



Có thể tôi hơi chậm trong cách nghĩ cách sống so với người phụ nữ hiện đại …Nhưng tôi thầm nhủ với mình rằng : nếu còn trẻ và có một gia đình bình thường tôi sẽ dành ¾ thời gian cho cái tổ ấm nhỏ nhoi đó ... tôi luôn cám ơn những người phụ nữ đã có trong cuộc đời mình …những người phụ nữ chỉ đơn giản là …phụ nữ .


* Tản mạn "Chuyện đàn bà thời nay" ( blog Thủy Tiên)
http://thuytien56.multiply.com/journal/item/527

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Tây Bắc : Say đắm một cung đường ( Bài viết của Quỷ Cốc Tử)



Cám ơn quycoctu ...cám ơn em vì tất cả .Chị tin, trong mọi khúc nhạc ...thì khúc nhạc tình cảm là khúc nhạc thú vị nhất .Món quà là vĩ khúc đáng yêu chị nhận trong tháng tư ...từ Quỷ .


( Bài viết này quỷ tặng chị Gió, một người bạn vong niên quỷ mới quen nhưng cảm giác rất gần. Cuôc sống này có khi như những khúc nhạc, mà trong đó tình cảm luôn là những vĩ khúc thú vị. Vĩ khúc ngắn này chị Gió nhận nhé).

Nếu như bài viết trước là tất cả nỗi kinh hoàng của những chặng đường đầy hiểm nguy gian khổ thì bài viết này là những gì nhận được sau "cái giá quá đắt" đã trả. Chỉ vài bức ảnh này không thể hiện được hết cảm xúc của quỷ cũng như những gì "mua " được. Xong cũng đủ để làm say đắm lòng người, đủ để ngẩn ngơ quên cả lối về. kaka

Đây chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu, chùa hiện nay nằm trong khuôn viên của Lăng Hồ Chí Minh. Điểm đầu tiên cho chuyến hành trình của quỷ.

Photobucket

Điểm tiếp theo là Thủy điện Hòa Binh, công trình thủy điện lớn nhất hiện nay được xây dựng năm 1979, cung cấp lượng điện chính cho Việt Nam, là một điểm thú vị để tham quan khi đến với Hòa Bình.
Photobucket

Còn đây là Pà Cò, nếu như mọi người đọc báo thường xuyên thì hẳn nhớ cách đây mấy ngày Báo Tuổi Trẻ có loạt bài về xã Hang Kia - Hòa Bình là "trung tâm" buôn bán ma túy với vụ đọ súng đẫm máu mà kết quả là 3 cảnh sát hi sinh cùng nhiều người bị thương trong chiến dịch vây bắt vào tháng 2 vừa qua.
 Pà Cò nằm trên đường vào Hang Kia, cách Hang Kia chỉ khoảng 3km. Theo kế hoạch quỷ sẽ đi Hang Kia, vì cũng máu me làm phóng sự, nhưng đêm ở Bản Lác để sáng hôm sau đi Hang Kia thì được tin tuần trước mới có mấy người bị bắn mất mạng, sợ không dám đi nhưng mà biết Pà Cò đẹp quá nên cũng liều. Hix nhớ lại còn sợ.
Photobucket

Nhìn cảnh này thì đúng là xứng đáng đi phải không mọi người?
Photobucket

Quỷ đến cao nguyên Mộc Châu trong một chiều đầu xuân, những căn nhà rơm giữa vườn hoa cải, một khung cảnh thanh bình và say lòng biết mấy.
Photobucket

Hoa cải đây, xa xa kia là rừng táo xanh đang mùa chín rộ. Tuy không có dòng sông nào chảy qua nhưng vẫn nhớ lắm câu hát: "Dòng sông xưa rừng táo trắng hoa nở đôi bờ..."
Photobucket

"Gió đưa hoa cải về trời,
rau răm ở lại chịu lời đáng cay,
cũng may cải có cãi lời,
nên nay hoa tím đắm say trời chiều"
Photobucket

Những con đường mòn nhỏ xinh len qua vườn táo xanh mướt
Photobucket

Bạn thấy có tuyệt không, hái những trái táo chín mọng trên cành đưa lên môi. Vào mùa táo trong vườn táo dưới bóng táo, hái táo chín và ăn. Con gì tuyệt hơn nữa.
Photobucket

Hoa táo trắng nhỏ mà xinh.
Photobucket

Chuyến đi này có 2 mục đích quan trọng. Một là đến ngã 3 biên giới A Pa Chải Việt Nam - Lào - Trung Quốc và hai là Khám phá Sông Đà. Đây là cảnh Sông Đà ở hạ nguồn, khúc Hồ Hòa Bình, bạn có thấy hồ rộng mênh mông, đi thuyền trên hồ như ra biển trong một ngày lặng gió.
Photobucket

Đây cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng với những nương chè xanh. Có ai còn nhớ câu :"Gái Mường Tè, chè Tô Múa" không?
Photobucket

Đây thảo nguyên Mộc Châu với mênh mông đồng cỏ.Thấp thoáng xa là những dãy núi chập chùng.
Photobucket

Đây nông trại bò sữa, nhìn nông trại là nhớ đến anh Hồ Giáo.
Photobucket

Rời Mộc Châu thẳng tiến Sơn La, điểm đầu tiên quỷ ghé khi đến Tp Sơn La là nhà tù Sơn La, vốn dĩ không thích những điểm di tích lịch sử hiện đại nhưng vẫn đến đây bởi yêu thích những câu thơ:
"Rớt xuống trang thơ tôi,
Cánh hoa đào cháy đỏ,
Chiều Sơn La lặng gió,
Tôi nghe hoa thì thầm..."
Photobucket

Đi rồi mới biết để con chữ đến được những bản làng sâu xa là muôn trùng khó khăn. Có một huyện quỷ đi qua tên là Mù Cả bởi đơn giản khi đi công tác lên đây người giáo viên mới biết cả huyện không có ai biết chữ nên đặt luôn tên huyện là Mù Cả có nghĩa: Cả huyện Mù chữ hết". Đây là một điểm trường nhỏ bé nghèo nàn quỷ ghé thăm trên đường đi Điện Biên. Các em không biết điện, tivi, phim ảnh là gì. Lớp có 8 hoạc sinh với 2 trình độ lớp 1 và 4 (hôm nay 2 em nghỉ), lớp ít quá phải ghép học chung, câu chuyện kể về các em cũng như người thầy giáo tận tụy này còn dài lắm. dài lắm...
Photobucket

Hồi đó, khi nghe Thanh Lam hát "Hồ trên núi" mình cũng chẳng hiểu hồ trên núi nó ra sao có thú vị không, nay có dịp đến Hồ Pá Khoang mới biết nơi này thật tuyệt, tất nhiên "hồ trên núi" trong bài TL hát không phải hồ này nhưng nó cũng mang cùng một vóc dáng.
Photobucket

Cảnh hồ thơ mộng và bình yên làm lòng người cảm thanh thanh thang mênh mang, thả hồn trong gió chỉ muôn rũ bỏ hết ưu phiền mà tận hưởng."Cưộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ." Chị Gió nhỉ?
Photobucket

Đường lên ngã 3 biên giới đẹp lạ lùng. Đây mảng xanh của bạt ngàn tây bắc kia những cây gạo đang vào mùa trổ hoa đỏ rực.
Photobucket

Thành Bản Phủ Điện Biên, bạn sẽ không thể tìm được bất cứ một ngôi chùa, nhà thờ hay đền thờ tín ngưỡng nào khác ngoài thành Bản Phủ ở Điện biên . Đây là nơi thờ ông Hoàng Công Chất người có công khai phá nơi đây.
Photobucket

Mốc 0 A Pa Chải, hành trình đến với mốc 0 muôn trùng khó khăn tuy không thể sánh với lần chinh phục Fansipan lần trước song cũng đủ để nản lòng những người đam mê chinh phục. Đặt chân đến đây là thấy hồn thiên sông núi tứ phương ào ạt tràn về. Lòng tự hào dân tộc cứ thế mà vút cao.
Photobucket

"Hoa ban đấy trắng hồng phớt tím,
Lặng giữa rừng song sao thắm trong tim"
Lần đầu được nhìn và ngắm hoa ban lòng say mê không dứt, hoa ban như biểu tượng cho mùa xuân núi rừng tây bắc.
Photobucket

Đây một khúc sông Đà ở Pác Ma, chỉ khoảng chừng vài mươi km nữa là đến thượng nguồn. Quỷ đã đi qua nhiều dòng sông như: Sông Hồng (Hà Nội), sông Hương (Huế), Sông Cửu Long (Miền tây), Sông Đồng Nai, sông Sepepok (Daklak), Sông Chảy (Lào Cai), Sông Lô (Phú Thọ), Sông Hiến (Cao Bằng), sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hoài (Quảng Nam), sông Trà Khúc (Quãng Ngãi)....nhưng khi đồng hành cùng sông Đà trong suốt 10 ngày quỷ mới cảm nhận được rằng. Đà Giang mang trên mình tất cả vẻ đẹp tuyệt mĩ không dễ đâu có được. Vẻ đẹp có bi có hùng, còn mãnh liệt, có nhẹ nhàng, có thét gào uất ức, có dạt dào mênh mang.
Photobucket

Một khúc Đà Giang chuyển mình trên đất Việt
Photobucket

Đây thạch trận Đà Giang mà cụ Nguyễn Tuân từng nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng "Người lái đò sông Đà"
Photobucket

Khám phá sông Đà chuyến nay mà trong lòng luôn day dứt cảm thấy mình thật còn vô tình, không cảm nhận hết được vẻ đẹp của Đà Giang, còn hời hợt vô tâm quá. Xin lỗi em Đà Giang hẹn một ngày trở lại.
Photobucket

Và đây lại Ô Quy hồ, nếu có thêm một lần cơ hội nữa quỷ sẽ lại thăm Ô Quy Hồ, cung đường đèo tuyệt đẹp và hùng vĩ bậc nhất Việt Nam.
Photobucket

Chuyến đi phải kết thúc sớm hơn dự định cùng nhiều điểm tính đi trong lịch trình phải hủy bỏ vì nhiều lý do. Cũng tiếc một chút nhưng có lẽ vậy cảm giác "thèm thuồng" là tăng thêm. Việt Nam chúng ta thật sự là non sông cẩm tú. Không mong đi hết chỉ mong mỗi ngày được biết thêm một chút để thêm yêu thêm tự hào nước Việt.

Copy từ blog quycoctu

http://quycoctu.multiply.com/journal/item/191/191?replies_read=3



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Tháng tư về....



Tháng tư về … Ta ngồi ngắm tháng tư đi qua lòng mình . Thèm quá được về đứng ở góc sân trường xưa giữa một buổi trưa …buổi trưa im lặng cứ vàng ong màu nắng mùa hè … Thèm quá được ngước nhìn màu đỏ non tơ của những chùm phượng vĩ đầu mùa …Thèm quá được thấy một vạt áo bay , một đôi mắt nhìn nhanh … hiền như ngói. Tháng tư về … chẳng thể là những nôn nao của cái thời thiếu nữ sao cứ ray rứt lòng mình những nỗi nhớ không nguôi .


Tháng tư về … Tối qua ngồi thu mình ở một góc café nghe cô ca sĩ không chuyên nghiêng vạt áo dài xanh màu trời cất giọng vút cao “…Em đứng lên gọi mưa vào hạ …” Nhạc Trịnh nhả khói bay khắp cái khán phòng khá rộng … mênh mang …mênh mang . Tháng tư có một ngày để “ ….trời cao níu gót sơn khê…” và ta bắt đầu những ngày tháng tư chiu chắt những nhắc nhớ xa mờ .. Tháng tư về .. chẳng thể là những rung động tinh khôi thời thiếu nữ ….sao vẫn cứ chùng lòng với một nốt nhạc phai…



Tháng tư về … bỗng nhớ quá trời Saigon cái thời xa lắc , nhớ những hàng me lao xao thả lá lên tóc, lên vai thiếu nữ …Saigon ngày ấy trắng ngát màu trời và trắng ngát những vạt áo dài bay ….Saigon của cái thời nhiều những hàng cây sao , cây me tỏa bóng xanh biếng biếc lại ít khói xe và lô cốt như bây giờ … Tháng tư về …bỗng nhớ những ngày tháng tư biến động … ta hoang mang thấy một Saigon lơ láo, bồn chồn … một ta cô đơn , không định hướng . Nhớ những ngày tháng tư đạp xe quanh những con phố Saigon lòng cứ rưng rưng như một nỗi chia xa .Tháng tư về … trời Saigon giờ vẫn xanh , ta đã qua cái thời tóc mây mắt biếc …sao vẫn chao lòng nhớ một Saigon nghiêng những vạt áo bay …



Tháng tư về … thi thoảng lại dội vào lòng hình ảnh con đường thăm thẳm quanh co dẫn vào một góc rừng thời hừng hực trái tim lửa đỏ …Nhớ con dốc tên Hương luống cuống gót chân cô giáo trẻ ngày mới ra trường ,nhớ lũ học trò đen nhẻm ,tóc khét nắng hè , nhớ những đêm một mình băng qua những con đường rừng vắng vẻ lập lòe cây đèn bão trên tay để đến lớp bổ túc .Đêm ở rừng sao mà lắm gió, co vai trong cái áo khoác , ngước nhìn những vì sao li ti trên nền trời mà nhớ những ngọn đèn xanh đỏ ở một góc phố quen …mà thèm quá được về gục đầu vào lòng mẹ … Thế mà cứ về phép vài ngày, lại nhớ cái mùi lá rừng và đám học trò nhọc nhằn, lại nhớ ánh trăng rừng bàng bạc sương đêm..Tháng tư về …”rừng xưa giờ đã khép”… sao vẫn đau đáu trong lòng góc rừng nghiêng một ánh trăng soi.



Tháng tư về … ta thắp một ngọn nến cho quá nhiều những nỗi nhớ quên … Ta thắp cho mình những buồn vui được mất trong cuộc đời ..ta thắp cho mình một ngọn nến lung linh chờ mùa mới …Tháng tư vế…

Đọc tiếp ...